Chúng tôi đến thăm gia đình nhà vô địch cử tạ (hạng 49kg) Paralympic 2016 trong căn nhà nhỏ ấm cúng tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Bế trên tay cô con gái nhỏ Trâm Anh mới vài tháng tuổi, anh Công chia sẻ với chúng tôi niềm vui lớn của năm nay: “Do cuộc sống mưu sinh vất vả và dành thời gian tập luyện nên 6 năm rồi chưa có cái Tết nào sum vầy với bố mẹ, anh chị em ở quê Hà Tĩnh. Tôi thèm lắm cảm giác được gói bánh chưng, thưởng thức không khí đón Giao thừa với gia đình cùng những lời chúc tốt đẹp cầu mong may mắn trong năm mới".
Lê Văn Công là người duy nhất trong gia đình bị chứng teo chân từ nhỏ do mẹ anh bị sốt xuất huyết trong thời gian mang thai. Những ngày nằm trên lưng cha đến trường cùng với những ánh mắt nghi ngại của bạn bè đã hun đúc trong anh một quyết tâm sắt đá để vươn lên. Năm 2005, 19 tuổi, anh quyết định rời xa quê hương Hà Tĩnh vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp với khát khao chiến thắng số phận. Vừa theo học ngành điện tử, anh vừa làm thêm để có kinh phí trang trải cuộc sống.
Gia đình vận động viên khuyết tật Lê Văn Công.
Một lần đến chơi nhà bạn, anh Công tình cờ gặp chị Tám. Giữa bộn bề cuộc sống mưu sinh, tình yêu thầm lặng dành cho chị Tám trở thành động lực để anh phấn đấu. Khi tham gia tập cử tạ tại Trung tâm Văn hóa thể thao quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, anh may mắn được HLV Nguyễn Hồng Phúc, Phó giám đốc trung tâm hỗ trợ, hướng dẫn. Chỉ sau hai tháng tập luyện, anh đoạt Huy chương bạc Giải vô địch quốc gia 2005, tiếp đó là Huy chương vàng, phá kỷ lục Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á và Huy chương vàng Giải vô địch châu Á 2007. Những lần lập thành tích, anh đều chia sẻ niềm vui với chị Tám, dần dần, tình cảm của hai người thêm đong đầy.
Nhắc lại cái Tết mà anh Công quyết tâm đi hỏi vợ, chị Tám bồi hồi: “Ngày 28 Tết năm đó, anh ấy gấp hai bộ quần áo bỏ vào cốp xe trước sự ngạc nhiên của người thân. Ai hỏi, anh chỉ đáp gọn lỏn: “Đi hỏi vợ”. Rồi anh phóng xe đi giữa trời đông giá rét, với đôi chân khuyết tật, vượt hơn 120km để vào nhà tôi ở Nghi Lộc, Nghệ An. Cảm động trước tấm chân tình, sự giản dị và nghị lực của anh, gia đình tôi đã gạt bỏ những định kiến ban đầu, chấp nhận cho chúng tôi nên duyên ngay trong những ngày đầu Xuân mới".
Trở lại miền Nam, anh chăm lo luyện tập để đi thi đấu và làm thêm công việc sửa chữa điện tử. Chị nhận may hàng gia công tại nhà để chăm lo cho con trai Tuấn Anh và đỡ đần cho anh. Cuộc sống đang hạnh phúc thì tai nạn giao thông bất ngờ ập tới, khiến anh phải nghỉ luyện tập hai năm. Nhờ sự động viên của vợ và nghị lực không đầu hàng thử thách, năm 2013, anh đã quay lại với cử tạ và tiếp tục tỏa sáng. Năm 2014, Lê Văn Công đã bước lên bục cao nhất Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á 2014 và phá luôn kỷ lục thế giới hạng cân 49kg nam, cùng nhiều thành tích cao những năm sau đó. Không ai ngờ, chàng trai teo cơ ngày nào, cân nặng không bao giờ vượt qua 48kg, nay đã trở thành kỷ lục gia thế giới.
Tại Paralympic 2016, anh Công đã lập kỳ tích khi giành Huy chương vàng cử tạ hạng cân 49kg và phá kỷ lục thế giới ở nội dung này. Anh trở thành người hùng của thể thao Việt Nam.
Có được thành công hôm nay phải kể đến nguồn động lực từ vợ con và gia đình. Chị Tám tâm sự: “Tôi muốn anh toàn tâm luyện tập, bởi trách nhiệm của anh là đại diện cho thể thao của đất nước. Tôi luôn tự động viên phải cố gắng làm tròn vai người mẹ, người cha. Nhớ lần anh chuẩn bị đi dự Paralympic, con nhỏ bệnh nặng, phải đi cấp cứu trong bệnh viện, nhưng tôi tự lo liệu, bởi đó là thời khắc anh cần tập trung cao nhất cho nhiệm vụ". Anh Công chia sẻ thêm: “Tôi dự tính sau khi kết thúc sự nghiệp vận động viên sẽ mở phòng tập gym để duy trì niềm đam mê, hỗ trợ những người kém may mắn, bị khuyết tật”.
Bài và ảnh: HÙNG KHOA - HỒ HUỆ