Nhìn con ngựa đá lấm bùn, ông xúc cảm làm bài thơ: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng).

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc chiến tranh giữ nước và giải phóng dân tộc. Là thế nên có nhà văn đã viết một cách rất khái quát và đầy hình tượng: “... Từ trong đêm mờ xa xôi của lịch sử, hình ảnh cha ông ta, hình ảnh con người Việt Nam suốt hàng trăm thế hệ nối tiếp bao giờ cũng là hình ảnh một con người cầm vũ khí đứng lên trong cuộc chiến đấu trường kỳ và dữ dội để giành và giữ lấy quyền sống của mình. Chiến tranh là một thử thách to lớn đối với một dân tộc, nhưng chiến tranh cũng là những ngọn “lửa thử vàng” để tinh thần khí phách của dân tộc đó “đứng dậy và cất tiếng nói”. Với dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã có một đúc kết rất chính xác: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh-“Báo cáo chính trị” tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam-ngày 11-2-1951).

Và, nếu như dân gian có câu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, lại có câu “Đánh giặc, ba tuổi vẫn hiềm đẻ muộn” (nói về Thánh Gióng)... thì trong chính sử còn ghi biết bao chuyện về tinh thần ái quốc của người xưa. Những câu nói bất hủ của các bậc tiên liệt như: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã” của Trần Hưng Đạo đời Trần, hay câu: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” của Nguyễn Trung Trực thời cận đại và câu nói mới năm nào của chị Út Tịch: “Còn cái lai quần cũng đánh”... là sự nối tiếp của truyền thống yêu nước.

Trong cuốn Bản sắc văn hóa Việt Nam, GS Phan Ngọc từng khẳng định: “Người Việt Nam là con người Tổ quốc luận, tức là đối với anh ta, Tổ quốc lớn hơn tất cả” (Phan Ngọc-Bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Văn hóa Thông tin. Hà Nội, 1998. Tr.39).

Khái niệm Tổ quốc không phải là cái gì trừu tượng, chung chung mà nó được đặt ở vị trí của những gì gần gũi và thân thuộc nhất với mỗi con người. Tổ quốc với người Việt Nam được quan niệm thật giản dị và dễ hiểu. Nhà thơ Chế Lan Viên viết: Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...

Do những yếu tố địa-văn hóa, địa-chính trị, do những run rủi của lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua vài chục cuộc chiến tranh. Kẻ thù của chúng ta lúc nào cũng mạnh hơn, ác hiểm hơn và không bao giờ từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào để khuất phục, chiếm đoạt thống trị, thậm chí tìm cách đồng hóa dân tộc ta, “biến đất nước ta thành quận huyện” của chúng. Tuy nhiên, cả 1.000 năm Bắc thuộc, cả trăm năm đô hộ của thực dân và có lúc kẻ thù đã toan đưa nước ta “trở về thời kỳ đồ đá”; đồng thời với những đội quân đã từng “làm mưa làm gió” suốt từ Á sang Âu (như quân Nguyên Mông) hay như “hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”... cũng không khuất phục được dân tộc chúng ta. Trả lời câu hỏi, vì sao Việt Nam lại có “sức mạnh Phù Đổng” ấy, các nhà sử học đã cho biết, vì dân ta là “con Lạc, cháu Hồng”, nước ta là nước do Quốc Tổ Hùng Vương dựng lên từ cả hàng nghìn năm và làng quê xưa nào cũng có anh hùng giữ nước. GS Nguyễn Duy Hinh khảo sát 382 thành hoàng làng ở 15 tỉnh phía Bắc để đánh giá tính chất của tín ngưỡng người Việt, ông phát hiện ra một điều cực kỳ thú vị và cũng hết sức đặc biệt là gần như tuyệt đại đa số thành hoàng làng ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ đều là những anh hùng cứu nước... Họ có thể là nhân thần, là phúc thần nhưng tất cả họ đều hy sinh cho sự tồn tại của cộng đồng dân cư ấy, hoặc là những người đã bỏ mình trong những cuộc chiến đấu chống xâm lược, chống giặc cướp nước, chống thiên tai, có nghĩa họ là những tấm gương trung nghĩa, biểu tượng cho sự hy sinh vì nghĩa cả. 

GS Hà Văn Tấn trong một nghiên cứu về “Làng, liên làng, siêu làng” khẳng định: Từ gia đình, làng xã đến Tổ quốc là vấn đề phát triển của ý thức cộng đồng, là hòn đá tảng của nền tảng tinh thần xã hội. Từ cộng đồng làng đến cộng đồng liên làng và cộng đồng siêu làng (nước) và từ cộng đồng làng đến cộng đồng nước không phải bao giờ và ở đâu cũng như nhau, cũng tuần tự theo bước đường ấy. Có nhiều vấn đề của cộng đồng siêu làng (nước) không phải được phát triển trực tiếp từ cộng đồng làng. Chính ý thức liên kết siêu làng (vượt ra khỏi cộng đồng huyết thống, quần cư, tụ cư, phe giáp) là tiền đề cho tinh thần đoàn kết dân tộc, giữa vùng nọ với vùng kia, giữa những con người không quen biết, không có liên hệ huyết thống, địa lý, cộng cư nhưng có chung mối quan tâm, có chung khát vọng. Đó là cơ sở để hình thành nên ý thức cố kết cộng đồng cả trong thời chiến tranh cũng như trong thời bình-một giá trị của văn hóa giữ nước.

Trong lần đến Trung tâm Việt Nam học của Mỹ ở Đại học Texas vào năm 1999, TS Giêm Rếch-nơ (James Reckner)-Giám đốc Trung tâm, có kể cho PGS, TS Phạm Quang Long (Đại học Quốc gia Hà Nội) nghe nội dung cuộc hội thảo mới diễn ra ở trung tâm mấy tháng trước, trong đó ông nhắc nhiều đến bài phát biểu của PGS, Trung tướng Nguyễn Đình Ước, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự. Trước câu hỏi của nhiều học giả, tướng lĩnh Mỹ đã từng và chưa từng tham chiến ở Việt Nam, quan tâm tới vấn đề vì sao nước Mỹ thua trận ở Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Đình Ước trả lời đại ý: Ông không tin rằng bộ đội Việt Nam thiện chiến hơn, dũng cảm hơn lính Mỹ. Người Mỹ thua ở Việt Nam vì người Mỹ không hiểu cội nguồn văn hóa Việt Nam, sức mạnh của văn hóa Việt Nam. Sức mạnh văn hóa ấy được nhân lên trong cuộc chiến tranh vệ quốc và người Việt Nam đã thắng. TS Giêm Rếch-nơ nói với PGS Long rằng, sau khi tướng Ước nói xong, nhiều học giả và tướng lĩnh Mỹ tỏ ý đồng tình. Họ nói rằng chưa rõ văn hóa Việt Nam thế nào, sức mạnh nó như thế nào nhưng tướng Ước có vẻ có lý. Có lẽ trong văn hóa Việt có yếu tố độc đáo-văn hóa làng, văn hóa làm nên sức mạnh Việt!

Làng xã Việt Nam với tính ổn định cao đã  trở thành tinh thần công xã, thành truyền thống xóm làng, thành nguồn sức mạnh tiềm tàng, to lớn của dân tộc. Nhà văn Thép Mới viết: Dưới bóng tre xanh, Việt Nam gìn giữ một nền văn hóa lâu đời...; Rặng tre xanh là chiến lũy bảo vệ làng mạc, xóm thôn... lại cùng ta đánh giặc gìn giữ độc lập chủ quyền, làm rạng danh cho non sông, đất nước. Những hiện vật thể hiện mối quan hệ giữa tre và con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc còn được lưu giữ rất nhiều trong bảo tàng. Nào tầm vông, giáo mác, chông tre, những chiếc gùi tre đan xinh xắn, những ống tre tích nước, đựng nước... (Cây tre Việt Nam). Trong chiến tranh giữ nước thời đại Hồ Chí Minh, nhân cốt chiến đấu trong các làng xã ấy chính là dân quân, du kích. Họ là lực lượng bổ sung cho chủ lực, họ là lực lượng tiếp tế, phục vụ chiến đấu của chủ lực, họ cũng là những người kéo căng, dàn mỏng địch ra để chủ lực đánh những đòn quyết định. Chẳng thế mà Bác Hồ gọi họ là “bức tường sắt của Tổ quốc” và vai trò của họ đã được chứng minh trong suốt các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.

Làng xã Việt Nam từ trong lịch sử đã là đất nước. Làng-nước. Dựng làng cũng là dựng nước. Giữ làng cũng là giữ nước. Làng trường tồn thì nước trường tồn. Làng giàu thì nước thịnh... Lịch sử đã chứng minh như vậy và với hôm nay chắc chắn vẫn vậy!

Thập Tam trại, tháng Giêng 2017

NGÔ VĨNH BÌNH