1. Phía sau đôi mắt sáng, thẳm sâu và gương mặt nghiêm nghị của vị Tư lệnh là phong thái trò chuyện gần gũi, giản dị đến bất ngờ. Ông nắm chắc lịch sử về truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, gắn với những chi tiết phác dáng nên cách đánh đặc công của dân tộc và Quân đội ta. Những cách đánh đó ở mỗi thời đều có sắc thái và tên gọi khác nhau, nhưng tựu trung, đó là cách đánh của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ-của bộ đội đặc công (BĐĐC).
Huấn luyện vượt qua chướng ngại vật tại Lữ đoàn Đặc công 1, Binh chủng Đặc công. Ảnh: Tiến Đạt.
Mùa Xuân cách đây 50 năm, ngày 19-3-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng, Nhà nước, quân đội đến xem bộ đội trình diễn kỹ, chiến thuật và công bố thành lập BCĐC. Trong buổi lễ trọng thể đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “… Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt... Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt... Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được…”.
Đó cũng là hành trang tư tưởng, phương châm hành động của BĐĐC. Và suốt 50 năm qua, BĐĐC nói chung, BCĐC nói riêng đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vừa xây dựng, vừa chiến đấu, lập nên những chiến công kỳ diệu, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. BĐĐC có 104 tập thể, 215 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. BCĐC hai lần được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, cùng 16 chữ vàng truyền thống: “Đặc biệt tinh nhuệ-Anh dũng tuyệt vời-Mưu trí táo bạo-Đánh hiểm thắng lớn”.
2. BCĐC được thành lập vào mùa xuân và nhiều chiến công của binh chủng gắn liền với những mùa xuân.
Ra đời chưa đầy một năm, BĐĐC trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; tiếp đó tham gia và lập nhiều thành tích, chiến công lừng lẫy trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971, cuộc tiến công chiến lược Xuân-Hè 1972, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975...
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, BCĐC được giao nhiệm vụ đánh chiếm và chốt giữ trước 14 cây cầu huyết mạch và các cứ điểm trọng yếu của địch án ngữ trước cửa ngõ Sài Gòn…, tạo thuận lợi cho 5 cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, đồng thời hỗ trợ quần chúng nổi dậy ở một số khu vực trung tâm thành phố. Đây là nhiệm vụ đặc biệt, hết sức khó khăn, ác liệt, có ý nghĩa quyết định đến bước tiến và thời cơ của chiến dịch.
Để lập nên những chiến công ấy, người lính đặc công đã chấp nhận biết bao gian khổ, hy sinh. Ví như trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, riêng tại cầu Ghềnh, các chiến sĩ đặc công đã quyết tử để đánh chiếm, giữ cầu và 50/52 đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Sự hy sinh của người chiến sĩ đặc công không chỉ ở lòng quả cảm, ngã vào lòng Đất Mẹ, mà còn có những sự hy sinh thầm lặng vì nhiệm vụ đặc biệt; rồi những khoảng lặng sâu kín về hậu phương, gia đình. Có lẽ bởi thế, trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình nhắc tới những cuốn sách, những bộ phim khắc họa sinh động chân dung và sự hy sinh thầm lặng của người lính đặc công. Đó là các tiểu thuyết: “Sao Mai” của Dũng Hà, “Nắng đồng bằng” của Chu Lai, “Những người báo bão” của Vân Thảo…; hay các bộ phim nổi tiếng: “Biệt động Sài Gòn”, “Điểm cao trước mặt”… Dù khó khăn gian khổ, hy sinh đến mấy, người chiến sĩ đặc công vẫn luôn tỏa sáng với lòng dũng cảm vô song, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
3. Theo Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, để trở thành chiến sĩ đặc công, trước hết phải có phẩm chất chính trị, bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối, ý chí quyết tâm đặc biệt cao, bản lĩnh chiến đấu đặc biệt giỏi, tinh thông, điêu luyện về kỹ thuật, chiến thuật... Tất cả những phẩm chất đó không tự nhiên mà có. Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình tâm huyết: Dù vũ khí có hiện đại đến đâu, thì quyết định thắng lợi vẫn là ý chí và sự sáng tạo của người chiến sĩ. Do vậy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BCĐC đặt lên hàng đầu việc giáo dục, đào tạo, rèn luyện, xây dựng nguồn nhân lực đặc biệt tinh nhuệ; phát triển các lực lượng đặc công theo hướng tinh, gọn, mạnh; tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng xây dựng Đề án hiện đại hóa lực lượng đặc công nước, đặc công biệt động, đặc công dù; từng bước chuyên nghiệp hóa các lực lượng đặc công. Binh chủng chú trọng nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ cho các lực lượng đặc công trên từng địa bàn tác chiến; bám sát yêu cầu nhiệm vụ của từng lực lượng, từng đơn vị; tăng cường huấn luyện nâng cao trình độ võ thuật, bắn súng, nhảy dù và sử dụng thành thạo vũ khí trang bị mới, hiện đại. Đó là tiền đề để BCĐC tiếp tục lập những thành tích, chiến công mới trong những mùa xuân tiếp sau.
NGUYỄN TẤN TUÂN