Những cung đường không dễ đi

Phái bộ GGHB Liên hợp quốc (LHQ) tại Nam Xu-đăng có nhiệm vụ ưu tiên bảo vệ thường dân bao gồm 4 phân khu Đông, Tây, Nam, Bắc trải rộng trên diện tích hơn 600.000km2. Trong hơn 12.000 nhân viên quân sự, cảnh sát, dân sự, có 212 SQLL đến từ 45 quốc gia trên thế giới được coi là “tai mắt” của phái bộ. SQLL tại Phái bộ GGHB Nam Xu-đăng, ngoài nhiệm vụ của quan sát viên quân sự còn phải đảm nhiệm chức năng liên lạc với chỉ huy các phe phái, quan chức và nhân dân địa phương. Để thực hiện tích hợp các nhiệm vụ đó, một trong những công việc bắt buộc đối với SQLL là thực hiện tuần tra cùng với các đơn vị bảo vệ.

leftcenterrightdel
Đại úy Nguyễn Văn Hằng chụp ảnh với trẻ em tại nam Xu-đăng. 
Với SQLL, công tác chuẩn bị cho tuần tra bao gồm từ thứ nhỏ nhất là cái tăm, viên thuốc cho đến những thứ lớn hơn như tăng võng, màn chống muỗi, phương tiện. “Giống như mỗi cuộc hành quân dã ngoại khi còn công tác trong nước, chúng tôi phải tự bảo đảm cho mình mọi thứ cần thiết, dự phòng mọi tình huống có thể xảy ra nhằm xây dựng biện pháp đối phó”, Đại úy Hằng cho biết.

Sở dĩ phải chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy bởi điều kiện tại những nơi sĩ quan Việt Nam đến công tác rất khó khăn, nếu không chuẩn bị kỹ, không thể đối phó với mọi bất trắc. “Lần đầu tiên tôi tham gia tuần tra đường dài kết hợp hộ tống đoàn xe từ Giu-ba lên Rum-bếch, quãng đường 300km tưởng không quá xa nhưng đoàn cũng phải đi tới 8 ngày mới tới nơi. Trên đường trở về, xe của SQLL và của đơn vị bảo vệ tiếp tục bị hỏng, không thể trở về căn cứ, đành đợi tiếp viện”, Đại úy Hằng nhớ lại kỷ niệm chuyến đi đầu tiên.

“Nghệ thuật” đàm phán

Tại Nam Xu-đăng, cả quân chính phủ và phe đối lập đều có các trạm kiểm soát người và phương tiện qua lại rất nghiêm ngặt. GGHB tại đây được tự do đi lại và miễn trừ mọi khoản lệ phí. Song, có lúc SQLL phải dùng lý lẽ, bằng chứng pháp lý để thuyết phục, nhưng nhiều lúc, sự mềm mại, tình cảm và uy tín cá nhân lại là biện pháp hữu hiệu để mở ba-ri-e trạm kiểm soát.

Đại úy Hằng cho biết, binh lính tại các trạm kiểm soát cơ bản làm việc theo “cảm xúc”. Có những lần, vì “cảm xúc” của binh lính tại các trạm kiểm soát mà đoàn công tác đã phải quay về hoặc ngủ lại ven đường. “Có lần, sau 7 ngày tuần tra, cả đoàn háo hức khi trở về căn cứ sẽ tắm rửa và ăn một bữa thật no. Nhưng binh lính tại trạm kiểm soát gần Giu-ba kiên quyết “ép” không cho đoàn di chuyển. Sau mọi lý lẽ thuyết phục không được, tôi quay sang “thủ thỉ”. Khi giới thiệu mình là sĩ quan đến từ Việt Nam, viên chỉ huy trạm chuyển từ căng thẳng sang thân tình, nói: “Với Việt Nam thì được, nhưng lần sau các bạn không được phép về muộn như thế”, Đại úy Hằng nhớ lại.

leftcenterrightdel
Vào mùa mưa lũ, những con đường tuần tra giống như dòng sông nhỏ. Ảnh do nhân vật cung cấp. 
Thiếu tá Thiều chia sẻ những “ca” còn khó hơn rất nhiều. Có lần, anh cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tuần tra đến vùng đang nằm dưới sự kiểm soát của quân đối lập. Do binh lính tại trạm kiểm soát của quân chính phủ nghi ngờ LHQ mang vũ khí cho phe đối lập nên cản trở đoàn tuần tra đi qua và ra yêu sách khám xét mọi phương tiện của đoàn. Lúc ấy, các anh cương quyết không để binh lính khám xe vì đó là sự xâm phạm nghiêm trọng vào tài sản của LHQ. Trong tình huống gần như mọi biện pháp từ cứng rắn đến mềm mỏng đã bất thành, cuối cùng phải nhờ tới “quan hệ” với một chỉ huy Sư đoàn 4 quân chính phủ mới có thể giúp đoàn tuần tra vượt qua trạm kiểm soát.

“Off-road” miễn phí

Theo thống kê, tại Nam Xu-đăng, chỉ có 2% tổng số ki-lô-mét đường bộ tại quốc gia này được quan tâm tu sửa. Chất lượng đường giao thông có thể tóm gọn trong một từ “tồi tệ”. Để tự động viên nhau vượt qua thử thách, SQLL Việt Nam coi tuần tra trên những con đường ấy là những buổi lái xe “off-road” (địa hình) miễn phí. Hồi hộp xen lẫn lo lắng khi đằm xe xuống những hố bùn sâu đầy nước, cẩn thận di chuyển xe từng mét, bình tĩnh, vận hành chính xác các động tác, từ từ điều khiển xe ra khỏi khu vực nguy hiểm… rồi thở phào khi cả đoàn xe vượt qua cung đường đó. “Vào mùa mưa, những con đường tuần tra tại khu vực này trắng xóa giống như dòng sông nhỏ. Chúng tôi thường đùa nhau, lái xe tuần tra tại Nam Xu-đăng cũng gần giống lái tàu ngầm vậy”, Đại úy Hằng cho biết.

Đi mãi rồi quen, các SQLL Việt Nam nói riêng và tại Phái bộ GGHB Nam Xu-đăng nói chung thuộc lòng những tọa độ của các đoạn đường vất vả. Mỗi lần đi, họ lại tích thêm kinh nghiệm để truyền đạt cho những SQLL mới hoặc SQLL khác trong các buổi tuần tra tiếp theo.

Chúng tôi yêu Việt Nam!

Khi đoàn xe tuần tra của phái bộ đi qua, những người dân sống trong các túp lều ven đường hồ hởi vẫy tay chào đón. Những đứa trẻ dường như quên hẳn đi đói khát thường nhật, chạy theo đoàn xe, hô vang “Hello UN! Hello UN!” (tạm dịch: Xin chào LHQ). Đi đến đâu, đoàn tuần tra cũng được người dân địa phương ủng hộ, tiếp đón và mong những đề xuất của họ đến với lãnh đạo phái bộ để người dân nhận được sự quan tâm về lương thực, nước sạch, y tế và giáo dục.

Với nhiều người dân tại Nam Xu-đăng, khi giới thiệu là SQLL đến từ Việt Nam, họ luôn trân trọng. “Có lần tham gia tuần tra đến Lai-ni-a (khu vực tại thời điểm đó vừa diễn ra giao tranh giữa quân chính phủ và phe đối lập), nơi các khu làng bị bỏ hoang sau cuộc chiến, tiếp xúc với vị trưởng làng, thấy dòng chữ Việt Nam trên áo, ông ấy không ngần ngại bày tỏ sự yêu mến đối với đất nước Việt Nam: “Chúng tôi yêu quý Việt Nam. Đất nước các bạn là đất nước anh hùng”. Đại úy Hằng xúc động kể lại.

VĂN QUANG