Cuộc giao lưu diễn ra tại phòng viết của Trưởng nhóm Trần Quang, người hay gửi bài cho các tạp chí khoa học quân sự. Gặp nhau nhiều điều vui. Song, "quanh quéo lại về gốc muỗm", vẫn chuyện viết báo! Nhìn hoa mai, hoa đào tươi thắm như gợi lòng, các CTV thăng hoa quyết nghị: Trước thềm năm mới 2017, trao đổi về nâng cao kỹ thuật viết, phấn đấu có thêm nhiều CTV tích cực. Yêu cầu đặt ra là: Việc bàn luận phải dùng văn thơ, câu đối, gắn với sự kiện tiễn năm Khỉ, đón năm Gà.
Trưởng nhóm Trần Quang chỉ đạo: "Đinh Dậu, CTV càng phải "cần mẫn-tích cực-vui vẻ". Đó cũng là cái nết tiêu biểu của Gà vàng! Vậy, để cho sinh động, ai có ý hay cứ nêu ra. Tôi xin khởi đầu: Sang năm cần tiếp tục chống viết "nhạt". Để chống viết "nhạt" hiệu quả, cũng cần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ làm báo".
Cựu chiến binh Tư Pha hưởng ứng liền. Ông nêu kinh nghiệm phỏng vấn, sưu tầm tư liệu: Dù thân dù sơ, khi hỏi phải nhìn vào nhân chứng/ Chuyện gà chuyện vịt, liệt kê cần chú ý phân minh. Cựu giáo chức Bùi Việt gật gù: "Câu đối này ý tứ được. Vế dưới có "gà", có "kê". Giá mà vế trên cũng có đủ cả "thân", cả "khỉ" thì tuyệt cú mèo!". Tư Pha khiếu nại: "Có đấy ạ! "Khi hỏi" chính là "khỉ" đấy ạ!". Tất cả cười phớ lớ. Cựu giáo chức trầm trồ: "Hóm! Hóm quá!".
CTV Xuân Thương đề xuất, năm mới cần có tiến bộ mới về sử dụng từ ngữ, chấm dứt "nhầm nhọt". Được anh em hoan nghênh, Xuân Thương dẫn ý: "Muốn vậy, ngoài bồi dưỡng năng lực cảm thụ chữ nghĩa, phải rèn luyện tác phong quan sát "cụ tỉ": Viết về chăn nuôi, phải đến tận cửa chuồng, tránh nhìn gà hóa cuốc/ Phản ánh trồng trọt, cần ngó sâu vườn tược, kẻo trông dậu tưởng giàn.
Bất ngờ nổ ra tranh luận: Nếu muốn nói đến phên, bờ cây để tương ứng với giàn (giàn mướp) thì phải dùng từ "giậu", tức là phải dùng phụ âm "g", còn "dậu" là để chỉ con gà mà mang vận với giàn là không xuôi tứ! Xuân Thương "cãi": "Dậu" là để chỉ năm con gà, nhưng nó cũng có nghĩa như "giậu" trong "giậu mồng tơi", "phên giậu", mặc dù ít dùng. Trưởng nhóm Trần Quang chấp nhận trường hợp này. Anh cho biết: Cuốn "Từ điển Tiếng Việt" của Trung tâm Từ điển học, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng-2005 cũng viết thế. CTV Phạm Quang Chung tâm đắc, xuất khẩu thành chương: Dê dưới (g), dê trên (d), dê nào thì cũng trong tiếng Việt/ Giậu phên, Dậu tuổi, Dậu gì thì cũng hợp với chanh (bờ giậu trồng chanh làm phên ngăn cách cũng tốt).
Cũng nói về thủ pháp dùng từ, họa sĩ Trần Phương Thắng, nguyên cán bộ ngành tuyên huấn Học viện Phòng không-Không quân ra vế đối: Kê giá vẽ, bên dậu mai vàng, họa bức tranh Gà, đón mừng Đinh Dậu. CTV Kỳ Liêm đối liền: Hầu bạn viết, đích thân mài mực, thảo bài tế Khỉ, tiễn biệt Bính Thân...
Cuộc giao lưu càng lúc càng rôm rả. Các CTV còn đề cập: Khi viết cho mục văn hóa-văn nghệ, cần học cách dùng từ tượng thanh trong kho tàng tiếng ta, ví dụ như trong câu: Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Om thòm trên vách bức tranh gà (thơ Tú Xương). Hay là viết cho mục "Truyện vui cuối tuần", cũng cần phải biết "trào lộng hóa" để đem nhiều tiếng cười đến chiến sĩ. Chẳng hạn như một câu đố về con gà trống: Đầu rồng, cánh phượng, đuôi tiên/ Ngày năm bảy vợ, nằm đêm kêu giời (ó ò ooo...! - Ối giời ôôôi...!).
Xế trưa! Chiếc đồng hồ hiệu con gà mổ thóc đặt trên nóc tủ réo chuông 11 giờ. Bà Cúc, phu nhân của Trưởng nhóm bưng mâm ra, niềm nở: "Chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu, em mời các bác món Cục tác lá chanh". Một đĩa to bày chân gà và đầu gà xen kẽ, hình bông hoa xòe cánh, ngón chân gà và mỏ gà quay ra ngoài. Chính giữa đĩa là những quả trứng bóc vỏ trắng nõn. Cựu giáo chức Bùi Việt ý nhị hỏi bà Cúc: "Xin thưa! Chẳng hay, có phải phu nhân nhắc nhở chúng tôi đoàn kết để góp phần xây dựng báo chí nước nhà?". Bà Cúc cười tươi như hoa: "Dạ! Tiên sinh nói đúng ý em rồi! Đấy là em mô phỏng lời của cha ông mình - Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Mong được các tiên sinh thứ lỗi cho sự mạo muội!".
"Ô hay! Như thế là "muội" đã trở thành CTV của nhóm Bắc Hồng rồi" - Tất cả cùng vỗ tay hoan hô. Rượu thơm trong chiếc nậm sành từ tay bà Cúc từ từ chảy ra các chén sứ, thơm lừng...
PHẠM XƯỞNG