Đại tá Huỳnh Phương Bá kể: Đầu năm 1973, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Khi ấy, tôi đang là Chính ủy Trung đoàn Pháo cao xạ 573 (Quân khu 5). Đơn vị được lệnh hành quân lên làng Hồi, thuộc huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) nhận nhiệm vụ mới là huấn luyện, SSCĐ, hiệp đồng chặt chẽ với Sư đoàn 2 để đánh chiếm cứ điểm Nông Sơn-Trung Phước. Khu vực đơn vị đóng quân phần lớn là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Ngày đó, thấy bộ đội có xe, pháo to, ban đầu bà con còn e ngại. Trung đoàn cử cán bộ chủ động đến với bà con để tuyên truyền, vận động... Thấy Bộ đội Cụ Hồ sống tình nghĩa, gần gũi, nên đồng bào tự nguyện mang khoai, sắn và nhiều loại trái cây tiếp tế cho bộ đội.
Tết Giáp Dần năm 1974, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn cùng bà con đón Tết thật vui vẻ, ấm cúng. Kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi là tình huống “cháy cỗ” chiều Ba mươi Tết. Khi đó, trung đoàn mới hành quân lên Phước Sơn nên còn khá nhiều gạo, thịt hộp, đường, sữa, lương khô... Căn cứ tình hình, Ban chỉ huy trung đoàn quyết định tổ chức mấy mâm cỗ Tết mời đại diện cán bộ xã, các già làng, trưởng thôn; tổng cộng chừng vài chục đại biểu. Suốt một ngày tất bật, bộ đội chuẩn bị được hơn chục mâm cỗ khá tươm tất. Tôi nghĩ, như vậy tiếp khách cũng là vừa đủ. Không ngờ, chiều Ba mươi Tết, bà con kéo đến rất đông, tới hàng trăm người. Để xử lý tình huống “cháy cỗ”, không còn cách nào khác, tôi chỉ đạo anh em “tổng động viên”, bổ sung cơm nếp, lương khô, đường, sữa, thịt hộp... thết đãi bà con. Trong lúc tôi đang băn khoăn vì mâm cỗ không tươm tất, có thể làm bà con phật ý thì chị em phụ nữ trong xã đã gánh xôi, gà, trái cây, măng rừng đến tiếp tế.
Chiều Ba mươi Tết năm ấy, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn cùng bà con vui liên hoan, múa hát đến tận Giao thừa. Càng về khuya, sương xuống, gió thốc từng cơn, thấy người tôi run lên vì lạnh, già làng Giơ-râm Hiên không ngần ngại cởi chiếc áo bông đang mặc, choàng lên người tôi... Với tôi, Tết Giáp Dần năm 1974 là một kỷ niệm khó quên. Dù đời sống của bà con khi đó hết sức khó khăn, nhà nào cũng nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa, nhưng đồng bào vẫn lo tiếp tế cho bộ đội. Tấm áo mà già làng Giơ-râm Hiên tặng trong đêm Giao thừa đã sưởi ấm cho tôi trong cơn sốt rét rừng... Nhờ sự đùm bọc chở che của bà con Phước Sơn, nên trung đoàn tôi cùng các đơn vị bạn và bộ đội địa phương đã giành thắng lợi trong trận đánh chiếm cứ điểm Nông Sơn-Trung Phước, phá tan đồn lũy kiên cố của kẻ thù, giải phóng hơn 1,5 vạn dân, mở đường đến thắng lợi cuối cùng trên vùng đất Quảng anh hùng.
TÙNG LÂM