Động lực tăng trưởng chung của nền kinh tế được hội tụ từ đà tăng trưởng tốt của công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ. Tổng cầu tiêu dùng tăng khá, với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 85,8% GDP so với 77,3% GDP của năm 2015. Tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 15,1% so với năm 2015, tương đương 170% GDP. Thị trường chứng khoán tăng gần 20% và mức vốn hóa thị trường đạt 38% GDP so với 32,4% năm 2015. Đầu tư gián tiếp tăng hơn 20%...

Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh, sự cải thiện môi trường và cơ hội kinh doanh đã kéo theo sự cải thiện vốn đầu tư xã hội được thể hiện ở sự gia tăng các dòng vốn đầu tư từ mở rộng dư nợ tín dụng ngân hàng, gia tăng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, từ dòng vốn bổ sung đầu tư mở rộng, tăng vốn thực hiện cả FDI và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Lần đầu tiên, trong một năm Việt Nam đã có thêm hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn. Có gần 27.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động. Thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta cao nhất trong những năm qua, vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%, trong lúc vốn đầu tư toàn cầu giảm khoảng 15%. Lần đầu tiên, nước ta đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế trong một năm...

leftcenterrightdel
Sản xuất công nghệ cao tại Nhà máy M1, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Ảnh: MINH HUỆ. 
Năm 2016, về tổng thể môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ và là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng các giải pháp, công cụ mới như: Chế độ tỷ giá trung tâm; Bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững; Chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững; Cơ chế mua ngân hàng thương mại với giá 0 đồng và đưa lãi suất tiền gửi USD bằng 0%...

Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2016 của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2016 tăng tới 9 bậc, xếp thứ 82/189 toàn cầu; có hơn 71% người nộp thuế được hỏi hài lòng với kết quả cải cách của cơ quan thuế trong những năm qua, nhất là việc giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp và cắt giảm được giờ nộp thuế từ 537 giờ xuống còn 117 giờ vào đầu năm và chỉ còn 110 giờ vào cuối năm 2016; mở rộng khai và nộp thuế điện tử cho 96,72% (tăng 1,72% so với năm 2015) trong tổng số 542.735/561.142 doanh nghiệp đang hoạt động trên phạm vi cả nước.

Theo Báo cáo “Môi trường thương mại toàn cầu 2016”, được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện hai năm một lần và là thước đo về khả năng tổng thể của 136 nền kinh tế trên thế giới, môi trường thương mại của Việt Nam đã cải thiện đáng kể, tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng “Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới 2016”, lên vị trí 73/136 nền kinh tế được đánh giá. Thành tích này nhờ những cải thiện trong khâu quản lý biên giới, hiệu quả hải quan tăng và giảm thời gian thủ tục cho hàng hóa xuất, nhập khẩu, tuy còn cả chặng đường dài phía trước để vươn tới các chuẩn mực quốc tế. Việt Nam được nhận xét là đã cải thiện sự tiếp cận của hàng hóa nước ngoài đối với thị trường nội địa. Khả năng Việt Nam xâm nhập các thị trường nước ngoài cũng đã cải thiện, nhờ vào thuế quan giảm; cải thiện về cơ sở hạ tầng vận tải. Ngoài ra, Việt Nam đã nỗ lực hơn trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ và nâng cao hiệu quả của các cơ quan nhà nước.

Trong thời gian tới, quá trình cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ được tiếp tục với trọng tâm đột phá trong thực hiện các nội dung Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, đẩy nhanh xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và cả hệ thống bộ máy từ Trung ương đến các bộ, tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã phải chuyển động để hoạt động hiệu quả, liêm chính, hành động, vì nhân dân và doanh nghiệp, chống quan liêu; tiếp tục phát hiện, chỉnh sửa, hoàn thiện những luật, nghị định còn gây cản trở sự phát triển; phát triển hệ thống ngân hàng lành mạnh, ổn định tỷ giá; nghiên cứu, đề xuất hàng rào kỹ thuật phù hợp các cam kết quốc tế bảo vệ hàng hóa trong nước và tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp; rút ngắn thời gian từ khi ban hành chính sách tới khi có hiệu lực thi hành...

Có thể thấy, Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính, ngân sách Nhà nước và nợ công; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước. Tập trung tháo gỡ vấn đề chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài; phát triển thị trường tài chính một cách cân bằng; đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo các kênh, lĩnh vực, nhất là các dự án hợp tác đối tác công-tư (PPP), BOT. Tăng cường phân cấp, giao quyền, tăng cường kiểm tra, không né tránh hoặc “đá” trách nhiệm lên cấp trên. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm lời nói phải đi đôi với việc làm.

Những vấn đề cấp bách nên được tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới là: Kiên quyết rà soát, chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra các sự cố môi trường; tăng cường bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bảo đảm việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không gây chồng chéo, phiền hà cho doanh nghiệp (trừ trường hợp đặc biệt). Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương từ trên xuống dưới, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức vi phạm; rà soát lại các quy định bổ nhiệm cán bộ và đẩy mạnh chống tham nhũng trong công tác cán bộ...

Cảnh giác với các tin đồn kinh tế bịa đặt là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm hiện nay. Những tin đồn với dụng ý xấu có thể sẽ gây ra những tác hại khôn lường. Để góp phần ngăn chặn hiệu quả các tin đồn kinh tế thất thiệt, cần tăng cường quy chế và thể chế hóa các phát ngôn; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và được cung cấp thông tin chính thức, kịp thời, có chất lượng và trách nhiệm pháp lý cao từ các cơ quan hoặc người đại diện Nhà nước, các tổ chức kinh doanh có liên quan; coi trọng việc hoàn thiện và tuân thủ các nguyên tắc quản lý kinh tế và cạnh tranh thị trường; sự minh bạch, ổn định và tính có thể dự báo được của các chính sách phù hợp các nguyên tắc kinh tế, các tín hiệu thị trường khách quan và yêu cầu cam kết hội nhập, các thông lệ thế giới; giảm và khắc phục các biểu hiện lạm dụng công cụ quản lý hành chính, mệnh lệnh và hiện tượng “vận động hành lang”, “chạy chính sách”, tư duy và hành xử vì lợi ích nhóm, bất chấp lợi ích và uy tín quốc gia; phát hiện và trừng phạt kịp thời, nghiêm khắc các cá nhân và tổ chức tung tin đồn thất thiệt, có tính phá hoại chính sách, đầu cơ và cạnh tranh không lành mạnh.

Thế là đã hết năm đầu tiên (mà thực chất là hơn nửa năm) Chính phủ mới đã quyết liệt thực hiện các giải pháp để hiện thực hóa tinh thần xây dựng một Chính phủ, một hệ thống hành chính hành động, liêm chính, kiến tạo, đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Tuy còn rất nhiều việc phải làm, thế nhưng đã có thể cảm nhận được khá rõ ràng những luồng sinh khí mới, cảm nhận được sự hứng khởi, tin tưởng của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư về môi trường đầu tư-kinh doanh. Đây là nền tảng cơ sở tạo ra niềm tin về sự tăng tốc phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

TS NGUYỄN MINH PHONG