Trường hợp đầu tiên là Trung úy QNCN Nguyễn Anh Tú, sinh năm 1975, quê ở Yên Thế, Bắc Giang, công tác tại Trung đoàn 409 (nay là Lữ đoàn 409), Quân khu 1. Năm 2006, trong khi sửa nhà giúp bố mẹ, Nguyễn Anh Tú bị tai nạn và đã trải qua 5 lần mổ sọ não, nhưng đến nay vẫn sống thực vật. Anh nằm đó, người vợ cùng một con thơ phải xoay xở với cuộc sống. Suốt 10 năm qua, cha mẹ già của anh là ông Nguyễn Đăng Khoa (67 tuổi) và bà Nguyễn Thị Liên (65 tuổi) đã trông nom, chăm sóc con trai mình chỉ với hy vọng mong manh là đến một lúc nào đó con sẽ tỉnh lại. Gia đình ông Khoa, bà Liên vốn là nông dân nghèo, phải bỏ ruộng vườn, nhà cửa ở quê để nay đây mai đó, chạy hết bệnh viện này đến phòng khám nọ tìm cách chữa trị cho con. Và cũng chừng ấy thời gian ông bà phải làm thay con mình mọi việc, từ sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh đến xoa bóp để cơ thể anh không hoại tử. Do nhà nghèo nên ông bà gần như chỉ trông vào sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội.

Ông Khoa tâm sự: "Nếu con tôi không là bộ đội, không được Nhà nước lo chi phí điều trị thì chắc cũng chẳng cầm cự được một năm. Tất cả nhờ quân đội giúp đỡ; không chỉ anh em trong đơn vị mà đồng đội ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 110, Trường Sĩ quan Chính trị… luôn động viên, hỗ trợ rất nhiều. Có những thời điểm tôi ở lại chăm con, không đủ tiền mua thức ăn, các anh bên Trường Sĩ quan Chính trị đã mang tiền sang hỗ trợ".

Không chỉ chăm con trai, 10 năm qua, vợ chồng ông Khoa còn chăm sóc chiến sĩ Hoàng Văn Trọng (quê Lạng Sơn, công tác ở Trung đoàn 18, Sư đoàn 325) bị tai nạn liệt nửa người. Bệnh nhân Trọng được quân đội hỗ trợ điều trị, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thiếu người chăm sóc. Thương cảm trước hoàn cảnh của chiến sĩ Hoàng Văn Trọng, vợ chồng ông Khoa đã nhận chăm sóc Trọng và coi anh như con. Hơn một năm nay, ông Khoa xin được công việc dọn vệ sinh trong bệnh viện. Các y sĩ, bác sĩ thấy vợ chồng ông Khoa ở đây cả chục năm trông con mà không có thu nhập gì nên đã đồng ý cho ông làm lao công, quét dọn với mức lương 2,2 triệu đồng/tháng.

 Ở giường bên còn có một hoàn cảnh đáng thương khác, đó là chiến sĩ Vi Văn Nam (sinh năm 1991, quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang, chiến sĩ thuộc Sư đoàn 325) bị xuất huyết não nằm điều trị tại bệnh viện đã hơn 4 năm, mọi sinh hoạt, ăn uống đều nhờ người mẹ già chăm sóc.

Suốt bao năm ròng rã, những người cha, người mẹ già đã nương tựa vào nhau để trông nom, chăm sóc con cái. Nghèo, túng, mệt, nhưng họ không nản. Lúc nào họ cũng hy vọng có một phép màu nào đó giúp các con mình tỉnh lại. Dẫu biết rằng đó chỉ là ước mong, nhưng họ vẫn hy vọng. Cảm thông với những cảnh đời trên, bà Hồ Phương Thảo, đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng Nền móng Long Giang, thông qua Báo Quân đội nhân dân đã nhận hỗ trợ tiền sinh hoạt hằng quý cho các gia đình với mức 4 triệu đồng/gia đình/tháng và đến nay đã được 3 quý. Bà Hồ Phương Thảo và Công ty Cổ phần Xây dựng Nền móng Long Giang đã cam kết hỗ trợ ba trường hợp này đến cuối đời.

HOÀNG NHƯỠNG