Lợi chung dầu sẽ mua về được,
Kiếp mạng chi nài sự có không.
Ba hột đạn thầm hai tấc lưỡi,
Sao cho ích giống mấy cam lòng.
Theo chân Bác. Tranh của VĂN THƠ
Năm 1919, Bác thay mặt Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc gửi thư đến Hội nghị Véc-xây bản “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” gồm 8 điểm, đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng của người dân Việt Nam. Rồi chính Bác lại dịch ra văn vần để phổ biến rộng rãi có tên là “Việt Nam yêu cầu ca”. Kết thúc bài diễn ca này, Bác kêu gọi đồng bào:
Hai mươi triệu quốc hồn Nam Việt
Thế cuộc này phải biết mà lo.
Lo này là lo cứu nước, cứu dân. Câu cuối, Bác bày tỏ tận cùng tự đáy lòng mình: Anh em đã thấy lòng này cho chưa. Năm 1928, Bác viết “Bài ca Trần Hưng Đạo” với tấm lòng tôn kính, trân trọng, ôn lại sự kiện thiêng liêng:
Diên Hồng thề trước thánh minh,
Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành.
Rằng:
Một người Việt đang còn
Thì non sông Việt là non sông nhà.
Non sông đất nước, truyền thống lịch sử văn hóa Việt Nam mấy nghìn năm thấm sâu trong thơ Bác. Dẫn ra một số bài thơ cụ thể trên để thấy rằng, những năm tháng Bác phải xa Tổ quốc, lúc nào Bác cũng nghĩ suy về đất nước, hướng lòng mình về đất nước thân yêu. Hình ảnh Tổ quốc lúc nào cũng canh cánh trong lòng, ngày cũng như đêm, thức cũng như ngủ, tâm trí Bác lúc nào cũng hướng về Tổ quốc:
Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ
Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay
(“Đêm thu”)
Ngày nào cũng khắc khoải chờ mong tin tức:
Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng
Tin tức bên nhà bữa bữa trông
(“Tức cảnh”)
Ngoài trực tiếp dùng hai tiếng Tổ quốc thì Bác sử dụng nhiều ngôn từ cũng trong cùng hệ thống ngôn từ biểu hiện những hình tượng tượng trưng. Thay cho hai tiếng Tổ quốc là: Hồn nước, quốc hồn, cố quốc, sơn hà, nước non, non sông… Song, nội hàm của nó mang một nội dung mới. Tuy hiện tại đất nước đang chìm đắm trong cảnh nô lệ lầm than nhưng không bơ vơ lạc lõng mãi nơi đâu, chân trời góc bể xa lắc xa lơ như Hồn cố quốc vẩn vơ vơ vẩn/ Khôn tìm đường dò nhắn hỏi han/ Bâng khuâng đỉnh núi chân ngàn/ Khói tuôn khí uất, sóng cuồn trận đau (Phan Bội Châu), cũng không bi quan đến mức Đời người đến thế còn gì/ Nước non đến thế còn gì nước non (Phạm Tất Đắc). Những tấm lòng vì nước đáng quý và đáng kính nhưng lạc nẻo, không phương hướng thì quả là sự cứu nước không thành là dĩ nhiên. Bác cũng nói đến hồn nước, đến quốc hồn… nhưng trong cảm nhận và tư duy tỉnh táo, theo Bác, hồn nước là ở chính trong từng người, là tình yêu Tổ quốc sâu nặng, là hành động dũng cảm cứu nước, là khối đời chung mà mọi người cùng lo.
Tất cả phải cùng chung vai gánh vác, đồng tâm hiệp lực. Đó là cách nhìn, là quan điểm của người chiến sĩ cách mạng trong bước chuyển thời đại. Bác còn sử dụng một số hình tượng truyền thống rất đậm, được nhấn đi nhấn lại, đó là những hình tượng: Con Rồng cháu Tiên, con cháu Lạc Hồng, giang sơn Tiên Rồng, nước non Hồng Lạc, Bác nhắc đến những hình tượng này với một niềm tôn kính, thiêng liêng, tự hào.
Trong thơ Bác, khi nói đến nước, bao giờ Bác cũng gắn nước với dân: Dân là con nước, nước là mẹ chung, cho nên trách nhiệm cao cả của mỗi người dân là phải giữ gìn, bảo vệ đất nước. Khi về nước trực tiếp lãnh đạo công cuộc giải phóng đất nước, thơ Bác tập trung cho chủ đề tập hợp lực lượng, tuyên truyền, vận động, động viên mọi tầng lớp nhân dân chuẩn bị khẩn trương cho cuộc cách mạng đánh đổ thực dân phong kiến, cứu nước, cứu dân:
Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già
Đoàn kết vững bền như khối sắt
Để cùng nhau cứu nước Nam ta
(Thơ đề tranh cổ động Báo Việt Nam độc lập)
Việc chi lợi nước thì làm,
Cứu dân, cứu nước há cam kém người
(“Ca binh lính”)
Mấy chữ “cứu nước”, “cứu dân” trong thơ Bác thật khẩn thiết. Đặc biệt, trong thời kỳ này, Bác viết hai bài diễn ca “Địa dư nước ta” và “Lịch sử nước ta” để mọi người dân Việt Nam tỏ tường về đất nước, lịch sử Việt Nam. Có thể nói, “Địa dư nước ta” là tấm bản đồ Việt Nam bằng thơ đầy đủ các tỉnh, thành phố, vùng, miền từ Lạng Sơn đến Cà Mau với những đặc trưng địa lý tiêu biểu. Mục đích viết “Địa dư nước ta”, Bác nói rõ ngay từ hai câu mở đầu:
Dân ta phải biết nước ta,
Một là yêu nước, hai là trí tri
Và, cũng có thể nói, “Lịch sử nước ta” là cuốn lịch sử bằng thơ về nước Việt Nam từ năm 2979 trước Công nguyên, tức là từ thời Hồng Bàng: Hồng Bàng là tổ nước ta / Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang đến đầu năm 1942, sau các cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và Đô Lương. “Lịch sử nước ta” đã ghi lại và thể hiện sinh động, đầy đủ các mốc son lịch sử, các vị anh hùng cứu nước và vai trò của dân ta giữ vững non sông nước nhà. “Lịch sử nước ta” cũng được mở đầu:
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
Và kết thúc là một tương lai:
Mai sau sự nghiệp hoàn thành
Rõ tên nước Việt, rạng danh Lạc Hồng
Sau này, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng chống thực dân Pháp, chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Tổ quốc Việt Nam hiện ra trong thơ Bác càng cụ thể và nhiều chiều, khi là lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc cùng với những âm thanh vang dậy giục giã mọi người lao vào cuộc chiến đấu giải phóng và bảo vệ đất nước: Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông (“Chúc năm mới”-1947); khi là quang cảnh tươi đẹp của chiến khu, đầu nguồn cách mạng: Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay (“Cảnh rừng Việt Bắc”), Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi (“Đi thuyền trên sông Đáy”); khi là cuộc cách mạng ruộng đất cho người cày có ruộng: Cải cách ruộng đất là công việc rất to/ Dần dần làm cho người cày có ruộng, khỏi lo nghèo nàn (“Thơ chúc Tết Giáp Ngọ”-1954); khi là phong trào thi đua yêu nước: Miền Bắc thi đua xây dựng/ Miền Nam giữ vững thành đồng (“Thơ chúc mừng năm mới”-1956); khi là quyết tâm của toàn quân, toàn dân: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào (“Thư chúc mừng năm mới”-1969); khi là niềm tự hào về non sông, về con đường đi lên của Tổ quốc: Non sông gấm vóc có ngày nay (“Thăm lại hang Pác Bó”), Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh (“Thơ mừng năm 1961”).
Có hai biểu tượng khắc sâu trong tâm trí người đọc về Tổ quốc trong thời kỳ tiến hành hai cuộc kháng chiến vĩ đại trong thơ Bác là hình ảnh lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc và tư tưởng độc lập, tự do. Như ta biết, lá cờ nền đỏ với ngôi sao vàng chính giữa xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đã đi vào thơ Bác, phấp phới trong bài “Chúc năm mới”-1942: Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới, tung bay trong bài thơ “Chúc năm mới”-1947: Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, rồi cả nước là một rừng cờ, rực rỡ màu hồng đem đến niềm vui, niềm tin, niềm tự hào cho mọi người, cho mọi nhà: Đưa tin thắng trận cờ hồng tung bay (“Thơ Trung thu gửi các cháu nhi đồng”-1953), Đưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao (“Điện chúc Tết các đồng chí cán bộ đang công tác tại Pa-ri”-1969). Lá cờ Tổ quốc đã trở thành biểu tượng của độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc:
Nước nhà ta, ta làm người chủ,
Vận mệnh ta, ta giữ trong tay
Nước non vẫn nước non này
Treo cờ độc lập, nền xây hòa bình
(“Chinh phụ ngâm” mới).
Ngay từ năm 1942, Bác đã viết:
Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi,
Chiếu lên cờ độc lập, tự do.
(“Nhóm lửa”)
Một Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do đã hiện ra ngày càng rõ và đậm trong thơ Bác. Mỗi khi nói về Tổ quốc, nói về con người, bao giờ Bác cũng nói đến độc lập, tự do. Độc lập, tự do là lý tưởng, là khát vọng lớn của Bác và của toàn dân tộc. Bác đã từng nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn nói, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”; “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Sau này, Bác gói gọn trong một câu nói giản dị: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Câu nói đó đã trở thành chân lý phổ biến, một tư tưởng lớn định hướng, một mục tiêu lớn được xác định, cổ vũ cho hành động cách mạng của mỗi người, của những dân tộc đang đấu tranh cho độc lập, tự do. Toàn bộ thơ Bác là biểu hiện sinh động tư tưởng độc lập, tự do, là tiếng nói đấu tranh cho độc lập, tự do.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết định, quân dân ta đang thắng lớn, thơ như lời hịch thúc giục mọi người xông lên, xốc tới:
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc-Nam sum họp, Xuân nào vui hơn.
(“Thư chúc mừng năm mới”-1969)
Chẳng bao lâu, mấy năm sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, giang san quy về một mối, độc lập, tự do từ nay vĩnh viễn nắm chắc trong tay. Quân và dân ta nhất định thực hiện thành công lời Bác dạy, xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đọc những vần thơ Bác viết về Tổ quốc, mỗi chúng ta sẽ được thấm sâu hơn về tình yêu Tổ quốc.
LÊ XUÂN ĐỨC