Chiều cuối năm, CCB Huỳnh Phương Bá đã kể cho tôi nghe câu chuyện tình yêu nồng nàn vượt thời gian của vợ chồng ông. Năm 1954, Huỳnh Phương Bá tập kết ra Bắc, rồi đem lòng yêu nữ sinh Vương Thị Tiệng, quê Nam Đàn, Nghệ An. Hai năm sau, lễ cưới bình dị được diễn ra vào những ngày giáp Tết Canh Tý. Cưới nhau cuối năm 1960 thì đầu năm 1961, Huỳnh Phương Bá bịn rịn chia tay người vợ trẻ bên dòng sông Tây Hiếu để vào miền Nam chiến đấu. Họ đâu ngờ mãi 14 năm sau mới có ngày gặp lại…

leftcenterrightdel
Ông Huỳnh Phương Bá. 

Có lẽ đối với người lính, thời khắc Giao thừa, chuyển sang năm mới là lúc nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ người thân yêu của mình trở nên da diết nhất. Và càng nhớ, càng thương bao nhiêu thì người chiến sĩ càng thêm nung nấu ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược. Trong lá thư đề ngày Mồng Một Tết Quý Mão năm 1963, ông Bá viết: “Em thương yêu. Xuân về, Tết đến, ai chẳng muốn gần nhau. Nhưng vì nghĩa lớn, anh và đồng đội đành phải xa quê hương, xa tổ ấm gia đình. Những người chiến sĩ như anh sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, quyết chiến đấu diệt giặc, để đất nước không còn chiến tranh…”.

Còn đây là bức thư viết sáng mồng 5 Tết Giáp Thìn (17-2-1964) tại chiến trường Quảng Ngãi, dòng tâm sự của ông nồng nàn, tha thiết và lạc quan, tin tưởng vào ngày mai: “Em yêu thương! Đêm nay đồn giặc im tiếng súng, binh lính địch đang hoang mang, dao động nhiều. Ta phải tấn công chính trị thật mạnh mẽ hơn nữa để làm cho chúng tan rã về tinh thần và tổ chức. Đón Xuân giữa rừng sâu, anh càng bồi hồi nhớ về quê hương. Nơi quê nhà em tiến bộ trong sự dìu dắt của Đảng, có sự giúp đỡ của tập thể, bạn bè và gia đình anh em… Gần 4 năm rồi, anh xa ba mẹ yêu dấu, xa người vợ thân yêu nhất của mình mà chưa hẹn ngày gặp mặt, nhưng chắc chắn rằng ngày ấy phải đến với chúng ta…”.

Giữa sự sống và cái chết mong manh, nhưng tinh thần của người chiến sĩ vẫn không hề nao núng. Viết thư cho vợ vào dịp Tết Bính Ngọ (1966), ông nhắn nhủ: “Trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, anh gửi về em những dòng tình cảm chân thành nhất. Hơn 5 năm trời xa nhà, có biết bao nhiêu chuyện đổi thay. Sống ở đây, một cuộc sống sôi nổi, một cuộc chạy đua quyết liệt với quân thù, công việc bề bộn, thấy ngày tháng trôi nhanh. Đặc biệt ở đây không có tuần, có thứ...”.

Nếu như những lá thư ông Bá viết cho bà Tiệng từ nơi chiến trường ác liệt, đầy mất mát, hy sinh nhưng vẫn lạc quan, tin tưởng, thì những cánh thư của bà Tiệng gửi từ hậu phương lớn miền Bắc vào ngày 27 Tết Ất Tỵ (18-2-1965) lại sáng ngời lý tưởng cách mạng: “Anh yêu! Trong khói lửa chiến tranh, chúng ta vẫn giữ trọn niềm tin, lòng tự hào khi cả anh và em biết hy sinh lợi ích riêng tư của mình cho Đảng. Trong khi non sông chưa thống nhất, một nửa đất nước còn bị kẻ thù giày xéo, lẽ nào vì quyền lợi cá nhân mà quên đi nhiệm vụ cao cả đối với Tổ quốc, cũng vì nghĩ như thế nên em đã cố gắng rất nhiều trong công tác, trong tư tưởng để chiến thắng mọi điều kiện…”.

Mất mát, hy sinh trong chiến tranh là điều khó tránh khỏi, song tình yêu cao đẹp, thủy chung đã giúp họ vượt qua những khó khăn, trở ngại. Trong lá thư viết cho chồng vào đêm 30 Tết Đinh Mùi (20-1-1967), bà Tiệng cũng thể hiện rõ lập trường, quan điểm của mình: “Em mong chờ đến giây phút Giao thừa để được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Ở chiến khu anh có được nghe lời chúc Tết của Người không? Giọng nói của Bác ấm áp, hiền từ và nhân hậu. Lời Người là lời của nước non. Liên tục mấy ngày nay được nghe tin chiến thắng ở miền Nam, có lẽ anh và đồng đội cũng đóng góp một phần vào chiến thắng đó…”.

Trong số những bức thư ông Bá viết cho vợ, không có dòng nào ông nhắc đến sự khó khăn, ác liệt ở chiến trường. Thư bà Tiệng gửi cho chồng, cũng không có lá thư nào than thở về nỗi lo “cơm áo gạo tiền” ở hậu phương. Tất cả đong đầy tình yêu thương và nỗi nhớ nhung, cũng như lời động viên nhau trong học tập, công tác và chiến đấu...

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG