Vợ chồng cựu nhà báo niềm nở: “Sang Xuân, anh em phải đến vui “Tết 70” với vợ chồng mình đấy! Đinh Dậu này, nhà tôi có những 2 bảy mươi nhé. Ông Hợi của tôi tròn 70 năm ngày nhập ngũ!”. Chúng tôi không giấu nổi sự kính nể người “đồng đội vong niên”. Gần 90 tuổi rồi mà ông Hợi vẫn minh mẫn và rất “hồn nhiên”. Ông kể: “Giữa năm 1947, tôi vừa học qua Đệ tam trung học phổ thông thì vào Tỉnh đội Quảng Yên. Thấy tôi có năng khiếu tuyên văn, cấp trên giao cho làm anh nhân viên cờ-đèn-kèn-trống, vận động quân-dân tham gia kháng chiến. Tôi thuộc làu bài thơ chúc Tết năm ấy của Bác Hồ và cứ lấy thơ Bác ra vận dụng. Tôi nói với các chiến sĩ, Bác Hồ đã khẳng định: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng... Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập nhất định thành công! Ai nghe cũng phấn chấn...”.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng cựu chiến binh Trần Duy Hợi 

Tiến sĩ, cựu chiến binh Bùi Văn Võ-chuyên gia quản lý bay Hàng không dân dụng Việt Nam, vốn cùng quân chủng với vợ chồng ông Hợi, thích thú hỏi: “Thế còn thứ hai ạ?”. Bà Nhung trỏ mình: “Cũng đúng năm 1947 thì tôi ra đời. Tết này là cổ lai hy”. Chúng tôi còn đang bất ngờ vì sự hóm hỉnh của bà thì ông nắm tay bà, tiếp lời: “Kém chồng có... 17 tuổi. Khổ! Vợ đẹp chỉ tổ đau lưng/ Hưu mà vẫn tửng từng tưng như thường”. Khách lại được phen cười... Bà nguýt ông một cái dài vô tận: “Gần 90 tuổi rồi mà cứ hay móc máy với vợ như thế đấy!”. Bà lại vừa lườm ông, vừa cười...

“Từ khi ông ấy nghỉ hưu, tôi đặt cho ông một tên phụ là ông 331. Không biết Trái Đất này có ai như ông chồng tôi không nhỉ? Ba có, ba không, một lập lờ”. Bà giải thích: “Cứ 1 có đi kèm với 1 không. Hồi mới nhập ngũ, ông ấy ở đơn vị bộ binh nhưng là lính tuyên văn nên không bắn. Sau trận Sông Lô 1947, ông ấy ở trong Ban Nghiên cứu Thủy quân Sông Lô-Đoan Hùng, nhưng làm công tác chính trị nên không bơi, mà cũng không biết bơi. Về sau ông ấy chuyển sang không quân, đã từng làm Trạm trưởng sân bay Lạng Sơn, nhưng cũng không bay”.

“Thế còn một lập lờ là sao ạ?”-khách sốt ruột lại hỏi. “Là thế này, hằng ngày, cứ lúc tôi chuẩn bị nấu cơm thì ông ấy “mũ ni che tai”. Đến lúc cơm đã bày sẵn, thơm phưng phức thì tai ông ấy lại thính lắm. Vợ mời khẽ như gió thoảng ông ấy cũng nghe thấy”. Ông liếc bà, thủng thẳng: “Tôi về hưu hôm trước, hôm sau bà ấy đăng ký luôn cho sinh hoạt Câu lạc bộ Ba Đình. Té ra là, trong chương trình hoạt động hằng ngày của câu lạc bộ có mục bơi 7 vòng tại hồ. Thế là ngày chủ nhật đầu tiên của đời hưu, tôi được vợ kéo xuống hồ nước. Vừa kèm tôi bơi, bà ấy vừa nói: Em muốn anh vui khỏe được lâu. Cho nên em sẽ dạy anh bơi... Tôi biết bơi từ hôm đấy”.

Trong tâm trạng đầy cảm mến hai người cựu chiến binh cao tuổi, chúng tôi hỏi ông bà về kỷ niệm cuộc đời. Ông Hợi thổ lộ: “Kỷ niệm thì nhiều. Nhưng sâu sắc nhất là tôi được chụp ảnh Bác Hồ với Đoàn Không quân Sao Đỏ 921 ngày 9-11-1964 tại Sân bay Nội Bài trước ngày đoàn xuất kích diệt địch. Ngày 10-1-2016, nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, bức ảnh lịch sử ấy đã được in tem và phát hành lần đầu tiên. Trước đây nó còn được các bạn Liên Xô, bằng kỹ thuật hiện đại, phóng rộng 20m2, trưng bày ở Bảo tàng Phòng không-Không quân trên đường Trường Chinh (Hà Nội) nhiều năm”. Ông chỉ cho chúng tôi bức ảnh treo cao trên tường nhà, cạnh tấm huy hiệu 65 năm tuổi Đảng (ông nhận năm 2013). Cả gia đình ông ngồi dưới bức ảnh lớn ấy. “Ngày ngày, bức ảnh vẫn khích lệ chúng tôi phát huy truyền thống Quân chủng Phòng không-Không quân anh hùng và ngành Hàng không dân dụng Việt Nam”-ông bà Hợi tâm đắc nói.

Tạm biệt vợ chồng cựu chiến binh yêu đời, chúng tôi ra tới ngõ còn nghe ấm áp tiếng bà: “Nhớ nhé! Tết 70 nhé!”.

Bài, ảnh: PHẠM XƯỞNG