Giữa những ngày Chiến tranh thế giới thứ hai đang vào giai đoạn quyết liệt, cha tôi may mắn gặp ông Nguyễn Oanh là đồng hương, cán bộ Thành ủy Sài Gòn. Những ngày cùng nhau bình thơ và luận bàn thế sự, bằng những nhận xét tinh tường về thời cuộc, về trách nhiệm của người cầm bút trước vận mệnh của đất nước, Nguyễn Oanh đã làm lay động trái tim cha tôi và ông đã tự định hướng con đường đi của mình.
Các thế hệ độc giả chụp ảnh kỷ niệm bên tượng Nguyễn Bính trong Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu – Hà Nội, Xuân 2016. Ảnh: Bùi Thu.
Cha tôi đã đi dần về vùng đất gắn liền với tên tuổi của các sĩ phu yêu nước như: Bùi Hữu Nghĩa, Thủ khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị… Đường vào chiến khu cũng lắm ghềnh thác, trò chơi số phận cứ thích trêu đùa cha tôi. Việc ông bị chính quyền tự trị Nguyễn Văn Thinh bắt giam ở bót Giếng Nước (Rạch Giá), vừa được thả ra, một thân một mình lò dò vào vùng kháng chiến, ba bên bốn bề không một người quen biết, lại có biệt tài ăn nói nên đi đến đâu cũng quy tụ được bà con, nhất là các cô cậu nam thanh nữ tú hễ rỗi việc là vây quanh ông để được nghe cha tôi kể chuyện trên rừng dưới biển, kim cổ Đông-Tây, mà câu chuyện nào cũng có sức hấp dẫn. Chính những cuộc tụ tập vui vẻ, lớ quớ thế nào lại bị nghi là gián điệp Pháp cài vào vùng kháng chiến. May thay có người biết được, can gián kịp thời nên cha tôi được minh oan. Có lẽ cũng nhờ vào sự hiểu lầm tai hại này mà cha tôi nối lại liên lạc được với những người kháng chiến.
Đầu năm 1946, cha tôi có mặt ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long - một vùng đất nằm ven bờ sông Hậu. Tại đây cha tôi đã tham gia xây dựng lực lượng Liên khu du kích, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Kháng chiến Liên khu do ông Bùi Văn Bảy làm Chủ tịch, bao gồm 5 xã: Mỹ Hòa, Thạnh Lợi, Mỹ Thuận, Tân Quới, Đông Thành. Cha tôi làm Chính trị viên Liên du kích, ở trọ nhà ông Nguyễn Minh Tâm gần chùa Bồ Đề, ngôi chùa tuy không lớn lắm nhưng có khoảng sân tương đối rộng, đội du kích chọn nơi đây làm trụ sở.
Thị xã Rạch Giá bị giặc Pháp chiếm đóng, LLVT cách mạng lập những tuyến phòng thủ để rút lui dần vào vùng căn cứ U Minh Thượng thuộc Quân khu 9. Cha tôi theo bộ phận tuyên truyền văn nghệ của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Rạch Giá. Đi đến đâu ông cũng làm thơ và thu hút được đông đảo bà con sở tại. Bên cạnh những bài thơ trữ tình và thơ hào hùng còn có những bài ca dao giản dị kịp thời động viên, khích lệ quân-dân… Ông còn sáng tác những vở kịch mới như: “Hội nghị Diên Hồng”, “Nguyễn Trãi”, “Thầy lang chẩn mạch”, “Phi Khanh”… để tập luyện cho anh em trong nhóm tuyên truyền. Điều kiện vật chất thời bấy giờ rất khó khăn, phần lớn trang bị biểu diễn do anh chị em trong nhóm tự bươn chải, chủ yếu là mượn của bà con trong vùng. Ấy vậy mà mỗi vở diễn tự biên tự chế ấy, bất kể là trời mưa hay nắng cũng thu hút hàng trăm người đến xem.
Đầu năm 1948, cha tôi về Ban Tuyên truyền Khu 8. Phòng Chính trị-Bộ tư lệnh Quân khu 8 đã quy tụ được rất nhiều anh em văn nghệ sĩ tên tuổi: Ba Danh, Tám Du, Tư Xe, Triệu An, Hoàng Tuyển, Khương Mễ, Mai Lộc, Hoàng Việt, Mặc Khải, Minh Lộc, Đoàn Giỏi, Huỳnh Văn Gấm… Nhờ sự có mặt của lực lượng này mà phong trào văn nghệ ở Chiến khu Đồng Tháp Mười phát triển rất mạnh.
Giữa năm 1948, ông Huỳnh Thế Phương, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 120 - là người đề xuất và là tác giả kế hoạch Chiến dịch Mộc Hóa, là trận vận động chiến đầu tiên ở Đồng bằng Nam Bộ. Ông Phương đưa Tiểu đoàn 307 vào lực lượng chính, với tinh thần là trận đánh ra quân của tiểu đoàn. Bởi đây là tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu 8, được huấn luyện tại địa bàn Đồng Tháp Mười. Quá trình xây dựng lực lượng cũng là thời gian quân Pháp mở nhiều cuộc đánh phá vào Đồng Tháp. Tiểu đoàn 307 là lực lượng chủ yếu đánh trả chống càn từ bên trong. Cuộc họp triển khai phương án tác chiến trận Mộc Hóa, chỉ ông Mai Lộc được tham dự còn cha tôi thì không. Sau cuộc họp, cha tôi tìm gặp ông Huỳnh Thế Phương để thắc mắc. Ông Phương giải thích vì Mai Lộc phụ trách tổ nhiếp ảnh nên phải theo suốt trận đánh để quay phim chụp ảnh. Ông Phương cũng không quên trêu chọc cha tôi: “Anh có dự cũng toàn nghe chuyện moọc-chê, tàu bay không thôi”. Ý ông Phương muốn “khoèo” chuyện cha tôi sợ máy bay, thường mượn cớ ướp trà để chống xuồng ra đồng sen “ẩn nấp”…
Mãi đến cuối năm 1948, sau chiến thắng La Bang, cha tôi mới có dịp “trả thù” ông Huỳnh Thế Phương. Vì cha tôi biết, trong Chiến dịch Mộc Hóa, ông Phương chỉ tham gia xây dựng kế hoạch chứ không trực tiếp tham gia chiến đấu. Cha tôi móc túi lấy ra bài thơ “Tiểu đoàn 307” vừa làm xong, đưa cho ông Phương xem và nói: “Để xem ông và tôi, ai tham gia trận đánh của Tiểu đoàn 307 nhiều hơn”. Theo hồi ký sau này của ông Huỳnh Thế Phương thì đọc bài thơ xong ông rất vui mừng, nhưng vẫn “trả miếng”: “Trận Tháp Mười, Tiểu đoàn 307 bị động chống càn, công chính là của Trung đoàn 120 và các đơn vị địa phương Mỹ Tho. Ông chỉ nhắc có Tiểu đoàn 307. Trận La Bang đâu có lớn bằng trận Mộc Hóa mà ông cho nó vang tiếng đồn với trận La Bang?”. Cha tôi tuế tóa: “Làm thơ khó thế, thiếu trước hụt sau cũng vì vần điệu. Miễn sao nêu đủ ba trận là được. Vậy là tôi tham dự đủ ba trận đó nghe”.
Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc rất thành công, trở thành bài hùng ca được toàn quân, toàn dân Đồng Tháp Mười nhiệt liệt đón nhận, nhanh chóng bay khắp Chiến khu Nam Bộ rồi cả nước. Và vang mãi đến hôm nay…
Nhà thơ NGUYỄN BÍNH HỒNG CẦU