QĐND - Gần như suốt cuộc đời quân ngũ làm công tác chính trị, tôi luôn cảm nhận, báo chí cách mạng có tác dụng đặc biệt trong việc xây dựng, bồi đắp lý tưởng, tình cảm, tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng cho bộ đội.

Thời kỳ Trường Sĩ quan Hậu cần trực thuộc Tổng cục Hậu cần (1980-1996), chúng tôi từng tổ chức điều tra xã hội học về vấn đề “Những gì là thiết yếu trong đời sống tinh thần của bộ đội?”. Kết quả, 100% cán bộ, giáo viên, học viên và hầu hết chiến sĩ, công nhân viên được hỏi đều nói đến báo chí. Các đồng chí làm CTĐ, CTCT, hoặc giảng dạy các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn khẳng định: Báo chí cách mạng là nguồn thông tin chính thống, kịp thời nhất, giúp họ cập nhật đường lối chính sách, quan điểm, chủ trương mới của Đảng và Nhà nước, những tấm gương thi đua yêu nước… để nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật của mình và truyền thụ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cách mạng cho học viên. Cán bộ và học viên ở các đại đội thì nêu vấn đề khá lý thú: Báo chí là người bạn đồng hành tin cậy trong công tác quản lý tư tưởng, giúp định hướng tư tưởng đúng đắn, là căn cứ để tự liên hệ, điều chỉnh hành vi, hướng tới và làm theo cái đúng, cái tốt.

"Món ăn tinh thần" hằng ngày với cán bộ cơ quan Tổng cục Hậu cần.

Quá trình công tác và tìm hiểu ở các cơ quan, đơn vị, tôi càng thấy rõ tác dụng của báo chí đối với đời sống tinh thần bộ đội, được thể hiện phong phú và sinh động trong những môi trường thực tiễn đa dạng. Báo chí cung cấp nhanh nhạy thông tin người tốt, việc tốt, phê phán cái xấu, hướng dẫn xây dựng và thúc đẩy cho cái mới, cái tiến bộ phát triển; hỗ trợ tư liệu, “chất sống” thực tiễn giúp cán bộ xử lý những vấn đề tư tưởng thường nhật cũng như trong giáo dục chính trị đối với bộ đội. Chiến sĩ lấy báo chí làm căn cứ để đối chiếu những ưu, khuyết điểm của bản thân để trau rèn mình. Báo chí tham gia uốn nắn sai lệch trong hoạt động tập thể. Tôi còn nhớ, năm 2008, khi biết một vài doanh nghiệp quân đội tổng kết phong trào thi đua, những cá nhân được đề nghị cấp trên khen thưởng đều tập trung hết ở ban chỉ huy, nhiều người đã lập luận: "Nếu một đơn vị không có, hoặc có nhưng với tỷ lệ quá thấp người lao động trực tiếp là “người tốt” được khen thưởng, thì những cán bộ ở nơi đó phải được xếp vào loại tồi mới đúng!”. Ý kiến đó lập tức có tác dụng khi mục “Ý kiến chiến sĩ” trên Báo Quân đội nhân dân đề cập vấn đề này.

Trong bài viết thu hoạch nhận thức chính trị hằng năm, hoặc các cuộc thi tìm hiểu về những vấn đề thời sự, như một bộ luật mới được ban hành, tình hình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo…, bộ đội đã vận dụng kiến thức, sự kiện có được từ báo chí để lý giải và minh họa vấn đề đặt ra rất hiệu quả. Đại tá Nguyễn Văn Hào, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Kho 708 (Cục Quân y), cho biết: Trong các cuộc thi tìm hiểu truyền thống quân đội do đơn vị tổ chức, có tới hơn một nửa số bài viết, tiết mục được kiến tạo từ những “tứ” nảy sinh qua việc đọc các chuyên mục, chuyên trang trên các ấn phẩm báo chí quân đội, nhất là trên Báo Quân đội nhân dân, như “Tiếp lửa truyền thống”, “Chân dung người lính”, “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, “Nghệ thuật quân sự”... Người dự thi thường liên hệ cuộc sống xây dựng và chiến đấu gian khổ, anh dũng của các chiến sĩ trên mặt trận kháng chiến, kiến quốc năm xưa… để răn mình và phấn đấu vươn lên.

Thông qua những chuyên mục về văn hóa, thể thao…, báo chí bồi đắp lý tưởng, tình cảm, đạo đức cách mạng và năng lực thẩm mỹ chính trị đúng đắn cho chiến sĩ. Bộ đội tiếp nhận và xử lý thông tin theo hướng hấp thụ cái tốt, cái hay, cái đẹp, biến chúng thành giá trị chân-thiện-mỹ trong tâm hồn mình, thành “thuốc miễn dịch” chống lại tư tưởng xấu độc và những thói hư tật xấu xâm nhập từ bên ngoài. Thật thú vị khi có những cán bộ, chiến sĩ lưu các bài tùy bút của Đại tá, nhà báo Mạnh Hùng, như: “Ánh sáng trước bình minh” nói đến cái bếp đun than tổ ong trong những năm đầu “sản xuất bung ra” của thời kỳ đổi mới, hay “Trong tiếng quân reo” với những vòng đua, chặng đua xe đạp xuyên Việt, như một dịp báo công… trong những dịp cả nước rộn rã kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, quân đội.

Đọc báo “tích cực” với những thông tin chính thống là một trong những cách đầu tư hiệu quả và nhanh nhất để tạo lập những suy nghĩ đúng đắn, điều chỉnh hành vi của bộ đội. Ở nhiều đơn vị, cán bộ, nhân viên tuyên huấn đều đặn theo dõi, “trích yếu” các tin, bài trên báo liên quan đến đơn vị mình, thống kê vào sổ chuyên dùng để chỉ huy đơn vị, tùy theo tính cấp thiết của thông tin mà chuyển tải nội dung chi tiết, định hướng cho bộ đội. Trước giờ đọc báo theo chế độ, nhiều cán bộ chính trị còn đọc và đánh dấu những tin, bài hay, cần đọc để nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa cho bộ đội. Nhiều đồng chí cán bộ có thói quen xếp những tờ báo đã đọc thành tập, chờ có chuyến đi công tác ra đảo xa thì mang theo tặng anh em. “Tin tức có thể đã lạc hậu, nhưng còn nhiều thứ hữu ích, chẳng hạn như văn hóa, nghệ thuật quân sự, kinh nghiệm đấu tranh chống diễn biến hòa bình…”, một cán bộ tâm sự. Lữ đoàn 649 (Cục Vận tải) tập hợp các bài ở chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên Báo Quân đội nhân dân, đóng thành tập, nhân ra nhiều bản. Đó là một trong những tài liệu được bộ đội quan tâm đọc nhiều. Việc đọc về Bác trên báo được chuyển hoá thành tư tưởng, giúp bộ đội học tập và làm theo đạo đức của Người một cách hiệu quả.

Như dòng sông bồi đắp phù sa màu mỡ cho những vùng đồng bằng châu thổ, báo chí cách mạng Việt Nam tham gia hiệu quả giáo dục chính trị, xây dựng tư tưởng cách mạng và bồi dưỡng tâm hồn bộ đội để hằng ngày, hằng giờ những tích lũy đó trở thành "vũ khí xung kích", góp phần vào công cuộc bảo vệ và chấn hưng đất nước.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG