QĐND - Chẳng phải ngẫu nhiên nghệ thuật truyền thống lại được chú trọng trong đời sống hiện đại. Xã hội càng phát triển, con người càng dành nhiều mối quan tâm cho nghệ thuật truyền thống. Một trong những phương tiện hữu hiệu thể hiện điều này chính là truyền thông và báo chí.

Không dưng ở một nơi cách xa nửa bán cầu như Việt Nam mà rất nhiều người lại biết tới những thứ văn hóa âm nhạc của một lớp người bình dân ở Mỹ, như: Hip hop, Jazz, R&B… và nắm được đa dạng thông tin từ nguồn gốc cho tới sự phát triển, thậm chí chi tiết đến từng nghệ sĩ và tài năng của họ thông qua tác phẩm âm nhạc; hay biết tới những lễ hội đường phố Carnival ở Bra-xin với màn hóa trang khổng lồ của hàng vạn diễn viên cùng điệu nhảy Samba rực lửa trong ánh nắng rực rỡ của xứ sở Nam Mỹ. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều người lại biết tới một Kinh kịch kinh điển của Trung Quốc, biết tới tinh thần võ sĩ đạo cùng văn hóa uống trà của người Nhật Bản, hay biết tới sự đơn giản mà quyến rũ trong điệu múa Lăm-vông cùng bài dân ca Lăm-tơi, là những biểu trưng văn hóa của các bạn Lào. Thử hỏi, mấy ai trong số đông chúng ta đã được trực tiếp đến những nơi ấy để khám phá, mà tại sao nó lại trở nên gần gũi như vậy? Câu trả lời đương nhiên, đó là nhờ sức mạnh của báo chí. Ở khía cạnh khác, báo chí làm được những điều tưởng chừng phi thường này chính là nhờ vào nhu cầu của người đọc, rộng hơn nữa là nhu cầu của xã hội.

Nhóm xẩm Hà thành lưu diễn tại Pháp. Ảnh: TUYẾT HOA

Mối quan hệ giữa báo chí với người đọc trong đề tài nghệ thuật truyền thống xuất phát từ nhu cầu thông tin và cung cấp thông tin như ở trên có thể coi là sự vận động tự thân. Song không chỉ có vậy, trong mối nhân duyên giữa báo chí và nghệ thuật truyền thống còn có nhiều cấp độ khác nhau, nghiễm nhiên báo chí mang trong mình sứ mệnh cao cả, thậm chí mang tính chiến lược khi nó cùng tham gia trong chiến dịch “đánh bóng” thương hiệu. Trường hợp tiêu biểu cho vai trò của báo chí trong lĩnh vực này không thể không kể tới, đó chính là nghệ thuật giới thiệu cây đàn cổ cầm (Gu Qin) của Trung Quốc.  Đơn giản, một cây đàn xuất hiện từ rất lâu, có thể tới cả ngàn năm, có hình dáng gần giống với cây đàn thập lục (đàn tranh) ngày nay và những âm thanh có hơi hướng thiên về tự sự nội tâm. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng cách mà người Trung Quốc làm là nâng tầm cây đàn này lên thành giá trị văn hóa, văn hóa đó thể hiện một trong những cốt cách của người Trung Quốc và tuyên truyền mạnh mẽ cho điều ấy. Họ đã rất thành công khi cây đàn được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại.

Ở Việt Nam ta, mối quan hệ giữa báo chí với nghệ thuật truyền thống, tầm quan trọng của lĩnh vực này đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị cổ truyền của dân tộc trong đời sống đương đại được thể hiện rất rõ. Vai trò của văn hóa hết sức quan trọng đối với nền tảng và sự phát triển của một dân tộc; trong đó nghệ thuật là một biểu hiện sinh động và sáng tạo, cũng như mang lại những hiệu quả cao nhất trong việc phổ biến, lan tỏa những giá trị văn hóa nền tảng. Trong nhiều năm qua, rất nhiều người biết tới những nghệ thuật quý của dân tộc như: Ca trù, quan họ, hát Xoan, nhã nhạc, cồng chiêng, bài chòi, đờn ca tài tử… phần lớn qua các kênh báo chí như truyền hình, phát thanh, báo giấy và báo mạng. Không chỉ có vậy, mối quan hệ giữa báo chí và nghệ thuật truyền thống còn có tác dụng đáng kể, đó là mang tính phát hiện để góp phần tích cực trong việc bổ sung những chính sách mới đi vào thực tiễn cuộc sống. Điển hình như việc vừa mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có đề cập tới cả vấn đề chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, một phần xuất phát từ những phát hiện và đề xuất của báo chí trong nhiều năm qua. Cũng thông qua báo chí còn góp phần giới thiệu nhiều gương mặt nghệ nhân tiêu biểu với những đóng góp cho loại hình di sản nghệ thuật mà họ nắm giữ, để rồi được xã hội tôn vinh và tri ân. Như vậy có thể nói, giữa báo chí với nghệ thuật truyền thống là một mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời.

Nhà nghiên cứu âm nhạc NGUYỄN QUANG LONG