QĐND - Cố Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Cù Văn Chước, từng có 13 năm phụ trách Hành chính-quản trị trong Văn phòng Phủ Chủ tịch. Từ năm 1962, khi sức khỏe của Bác Hồ giảm sút nhiều, các ông Cù Văn Chước và Lê Hữu Lập giúp Bác mỗi ngày 3 lần (sáng, trưa, tối) điểm báo trong nước, đề xuất xử lý vấn đề báo nêu. Qua đây, Bác chỉ ra nhiều kinh nghiệm về nghề làm báo-phương tiện hiệu quả trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Nhận rõ tác dụng to lớn của nghề báo đối với công tác tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn tổ chức, động viên hành động trong mọi hoạt động xã hội theo lời dạy của Bác Hồ, trong những năm trước khi thành lập Hội Cựu thanh niên xung phong, ông Cù Văn Chước thường chuẩn bị, sưu tầm các bài viết về Bác Hồ làm báo để phát cho anh em dự hội nghị Ban vận động thành lập Hội. Đến nay tôi vẫn lưu giữ những tài liệu quý này, xin chia sẻ cùng bạn đọc.

Bác Hồ tự đánh máy các bài viết của mình tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, đi qua nhiều nước và trở lại Pháp năm 1917. Người bắt đầu hoạt động xã hội bằng việc tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ và viết báo để tuyên truyền về nước ta. Không viết được chữ tiếng Pháp, Nguyễn Tất Thành mạnh dạn làm quen, đề nghị Tổng biên tập Báo Sinh hoạt công nhân giúp đỡ. Đồng chí tổng biên tập nói: “Có tin gì anh cứ viết, tôi biên tập cho, miễn là tin đúng sự thật; 3 dòng, 5, 7 dòng cũng được”. Viết rồi, Nguyễn Tất Thành chép làm hai bản, một bản gửi cho báo, một bản giữ lại. Vui sướng vô cùng khi lần đầu tiên mình có bài được đăng báo, Nguyễn Tất Thành đem so sánh với bản gốc xem báo sửa thế nào để rút kinh nghiệm. Ít lâu sau, đồng chí tổng biên tập nói: “Anh viết tin ngắn được rồi đó, nay kéo dài dần ra, tính theo số dòng, số cột, tổng số chữ”.

Nguyễn Tất Thành tranh thủ hằng ngày đi làm, rẽ qua thư viện ở Pa-ri để đọc báo, học cách thể hiện cùng nội dung xem báo nào phản ánh hay hơn. Anh tập viết báo còn để học thêm ngoại ngữ… Những từ mới đọc được, nghe được, anh thường viết vào mảnh giấy, vào lòng bàn tay, chép vào “sổ từ”.

Sau này, Bác Hồ thường nói, còn một "thầy" dạy viết báo nữa là quần chúng. Bài báo viết xong nên đưa anh em đọc góp ý, nghe, sửa lại, không tự ái giấu dốt thì mới tiến bộ được. Bác kể, trong đời Bác có 3 lần vui sướng nhất từ việc viết báo và luôn nhớ mãi, là tin đầu tiên được đăng, truyện ngắn đầu tiên được Báo Nhân đạo sử dụng và bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 được Chính phủ lâm thời góp ý thông qua.

Với khoảng 50 năm cầm bút, Bác Hồ đã viết hơn 2.000 bài báo, hơn 270 bài thơ, hơn 500 trang truyện ký với rất nhiều bút danh. Bác là tấm gương mẫu mực về việc kiên trì học viết báo, là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam.

TRỊNH TỐ LONG