Để chính trị viên thực sự là “người chị”, “người anh”, “người bạn”

QĐND - LTS: Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 6-11-2014 đăng bài “Từ bức thư nhòe nước mắt...”. Sau khi bài báo đăng, tòa soạn nhận được các ý kiến, bài viết của bạn đọc, đánh giá cao tình cảm, sự quan tâm, sâu sát cùng những phẩm chất đáng quý và cần có của chính trị viên (CTV), để CTV thực sự là “người chị”, “người anh”, “người bạn” của bộ đội, như lời căn dặn của Bác Hồ. Trong số báo hôm nay, tòa soạn đăng ý kiến của một số cán bộ cơ quan, đơn vị.  

Thấu hiểu tận cùng tâm tư người lính

Câu chuyện hơn 40 năm trước mà CTV Nguyễn Quốc Hoàn kể lại trong bài báo thực sự gây xúc động bao trái tim người lính, nhất là những người đã đi qua chiến tranh, thấm thía hơn ai hết sự tận tâm, tận lực, thấu hiểu đến tận cùng nỗi niềm người lính thuộc quyền của người CTV. Chính vì vậy, lời căn dặn của Bác về người CTV-“người anh”, “người chị”, “người bạn” của chiến sĩ càng có ý nghĩa sâu sắc.

Người CTV trong chiến đấu luôn gắn bó máu thịt với chiến sĩ, thấu hiểu tận cùng tâm tư tình cảm của người lính, bởi người cán bộ, trong đó có CTV biết sức mạnh của người lính, tinh thần chiến đấu dũng cảm của họ không phải chỉ xuất phát từ sự giác ngộ tư tưởng chính trị, tình yêu Tổ quốc một cách chung chung, mà sức mạnh ấy, tinh thần ấy còn xuất phát từ cội nguồn sâu thẳm của họ, là sự gắn kết với quê hương, với những người thân yêu, ruột thịt của mình. Cái cội nguồn sâu thẳm ấy là sức mạnh tiềm tàng, động lực thiêng liêng của họ. Người CTV đã khéo kết hợp cái riêng của người lính với cái chung của đơn vị và rộng hơn là Tổ quốc; biết khơi dậy động lực từ cái riêng để phát huy, trở thành sức mạnh to lớn chiến thắng quân thù...

Từ sự trải nghiệm của bản thân, tôi thấy, bên cạnh những phẩm chất cao quý mà người CTV phải có, đã có, thì một nội dung không kém phần quan trọng là lòng tin với chiến sĩ. Lòng tin ấy làm cho chiến sĩ càng yêu, càng tin người CTV và nguyện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Mùa Xuân năm 1975, khi đất nước chuẩn bị cho trận chiến cuối cùng, đơn vị tôi nô nức phấn khởi chuẩn bị đón Xuân, nhưng nhiều chiến sĩ mới nhập ngũ có tư tưởng muốn “chuồn” về nhà ăn Tết. Càng những ngày giáp Tết, đơn vị càng tăng cường kỷ luật; đã xuất hiện một số trường hợp vi phạm, nên vấn đề quản lý bộ đội được thắt chặt hơn. Tôi cùng CTV Đặng Minh Đán được ở nhà làm báo tường cho đơn vị, nhưng tôi thấy anh luôn bồn chồn, lo lắng vì sơ sểnh là bộ đội có thể vắng mặt... Các chiến sĩ đều được chú ý, “săn sóc” kỹ, kể cả tôi. Biết điều đó, tôi nói với CTV: “Thủ trưởng nên chú ý các anh em khác, còn tôi không bỏ về đâu”. Không biết anh có tin tôi không, nhưng anh đã ra khỏi nhà đi “điểm quân”, quản lý số anh em khác.

Sau này, anh nói với tôi rằng, anh rất tin ở tôi. Cũng từ lòng tin ấy mà mặc dù là một chiến sĩ sức khỏe yếu, thư sinh nhưng tôi không bao giờ để đơn vị phải nhắc nhở trong huấn luyện, hành quân... Tôi nói là tôi làm, nói là CTV tin và chính anh đã giúp tôi làm được nhiều việc. Anh chọn tôi làm những việc quan trọng như thông tin, bảo mật và chính anh đề nghị cho tôi đi đào tạo trở thành cán bộ phục vụ lâu dài trong quân đội. Không phụ lòng tin của anh, tôi ngày càng trưởng thành và cho đến nay, sau 40 năm gặp lại, với quân hàm đại tá, tôi vẫn gọi anh là CTV. Người CTV đầu tiên trong cuộc đời chiến sĩ của tôi, đã biết tin chiến sĩ và từ lòng tin ấy đã động viên, giúp chiến sĩ phấn đấu vươn lên...

 NGUYỄN THÀNH HỮU (Bộ Tổng tham mưu)

Luôn vui, buồn cùng chiến sĩ

Đọc bài “Từ bức thư nhòe nước mắt…” tôi lại thêm một lần vô cùng xúc động trước những mất mát, hy sinh và tinh thần quả cảm của các thế hệ cha anh đi trước; càng thêm khâm phục và tự hào về hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, được khởi nguồn và thể hiện đậm nét trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng thấm thía nhất là được học tập những kinh nghiệm quý báu về tiến hành công tác tư tưởng trong thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với CTV. Theo suy nghĩ của tôi, cách làm tư tưởng để “giải tỏa” vướng mắc của đồng chí Vinh như trong bài viết thì có rất nhiều CTV từng thực hiện. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Mặc dù trận chiến đấu sắp tới có tính chất rất quan trọng, nhưng từ sự thấu hiểu, đồng cảm với hoàn cảnh riêng của gia đình quân nhân, nên CTV vẫn mạnh dạn hội ý cấp ủy, đề xuất điều chỉnh đồng chí Vinh, cán bộ mũi phó, sang vị trí chiến đấu ít nguy hiểm hơn, để giữ “hạt giống” cho gia đình. Đó quả là việc làm hết sức nhân văn, thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội và không hề dễ dàng chút nào, vì hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, trong khi quyết tâm chiến đấu không thể thay đổi.

Trong điều kiện hiện nay, làm công tác tư tưởng ở cơ sở đang xuất hiện không ít những khó khăn mới. Ở đâu đó, thậm chí một vài vụ việc đáng tiếc xảy ra có nguyên nhân do CTV chưa gần, chưa hiểu, chưa chia sẻ khó khăn với chiến sĩ… Vận dụng kinh nghiệm quý trong bài “Từ bức thư nhòe nước mắt…” vào điều kiện cụ thể hiện nay, đòi hỏi người CTV phải luôn hiểu rõ tâm tính, hoàn cảnh của từng chiến sĩ, luôn gần gũi, sống chan hòa với họ, phải rất công bằng trong phân công công việc, nhiệm vụ, trong khen thưởng-kỷ luật và trong sinh hoạt. Phải làm sao để chiến sĩ khi buồn, khi vui đều bộc bạch tâm sự với CTV, coi CTV là chỗ dựa tinh thần của mình. Mọi vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của chiến sĩ, CTV phải là người thấu hiểu, động viên, “giải tỏa” và đứng vào hoàn cảnh của họ đề xuất với cấp ủy, chỉ huy giải quyết kịp thời, hợp tình, hợp lý. CTV phải luôn thực hành nêu gương trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tập, noi theo, qua đó uy tín và hiệu quả động viên tư tưởng bộ đội ngày càng tốt hơn.  

TRẦN VĂN KIM, Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên