QĐND - Có một sự đối sánh thú vị giữa những vòng đua xe đạp đang cuốn đi rào rào náo nhiệt quanh Hồ Gươm với mặt hồ sáng mùa đông sương khói, tĩnh lặng. Tiếng reo hò cổ vũ gợi nhớ tiếng quân reo trên những nẻo đường chiến trận. Được cùng Cuộc đua xe đạp “Xuyên Việt-2014, Cúp Quốc phòng Việt Nam” đi suốt từ Cà Mau ra Hà Nội rồi lên Cao Bằng, tôi cảm nhận được những vòng đua, chặng đua như một dịp báo công, như soi mình trong bóng nước Hồ Gươm ngàn năm trong những ngày cả nước rộn rã kỷ niệm lễ lớn của toàn quân, toàn dân.
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai xây dựng nên non nước này.
Bên này hồ, tượng đài vị vua Thái Tổ Lý Công Uẩn-người khai lập nên đô thành Thăng Long-Hà Nội. Bên kia hồ, Tượng đài vua Thái Tổ Lê Lợi cầm thanh gươm cứu nước và giữ nước. Hồ Gươm-huyền tích thánh thần lung linh từ lịch sử một dân tộc trải bao cuộc kháng chiến thần thánh cùng những đợt sóng dựng xây những nền văn minh nối tiếp nhau. Huyền tích ngàn xưa được kế tiếp với những huyền thoại của thế kỷ 20 để đất nước rạng ngời, vang động bốn biển năm châu.
 |
Diễu duyệt đội ngũ trong ngày hội lớn. Ảnh: MINH TRƯỜNG
|
 |
Màn hát múa "Đất nước trọn niềm vui". Ảnh: MINH TRƯỜNG
|
… “Cho con núi rộng sông dài
Cho con thanh kiếm đã mài ngàn năm…”.
Nhà thơ Thu Bồn đã nói hộ nỗi lòng hàng chục triệu đồng bào, chiến sĩ miền Nam như thế trong ngày Bác mất. Câu thơ ấy đã đi cùng các thế hệ đánh giặc trong suốt cuộc trường chinh cứu nước, trong đó có thế hệ “xếp bút nghiên lên đường ra trận” của chúng tôi. Những ngày này, ở Cà Mau, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và suốt dọc dài đất nước nơi đoàn đua chúng tôi được đi qua mảnh đất nào cũng là nơi kết tụ và vang vọng lời Người: “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam”. Ấy chính là thanh gươm Bác trao cho đoàn quân cứu nước.
Đoàn đua đã đến đích Cao Bằng. Tôi đã được đứng trước tấm bia khắc ghi những lời thiêng liêng ấy trong toàn bộ “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” tại Khu di tích đặc biệt quốc gia rừng Trần Hưng Đạo. Hôm nay, khu rừng nguyên sinh ấy vẫn ngút ngát xanh như tự thuở nào bao bọc, chở che cho 34 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên 70 năm trước. Cây sấu già treo lá cờ buổi lễ thành lập vẫn còn đây. Những cây sâu sâu hay sau sau lá đỏ như nhiều miền đất nước vẫn còn đây. Và đỉnh Slam Cao trên kia, cùng mỏ nước giữa lưng đồi như vẫn rì rào, âm vang lời của đồng chí Văn-Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân yêu khi trao nhiệm vụ cho đội quân đầu tiên “Quân giải phóng sẽ tỏ rằng mình là đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng dân tộc”.
Đáp lại niềm tin sắt đá ấy là mười lời thề danh dự, là tiếng hô đồng thanh “Xin thề” từ lồng ngực của 34 chiến binh đầu tiên.
Chiều đông tháng 12, Khu di tích đặc biệt quốc gia rừng Trần Hưng Đạo lao xao tiếng nói, tiếng cười của những tốp thanh niên, học sinh từ các miền quê trong nước hành hương về thăm. Các bạn trẻ hỏi tôi: “Ở giữa rừng núi thế này chắc ngày ấy quân ta gian khổ lắm?”. Tôi kể cho các bạn nghe những điều mình được đọc về bữa cơm đầu tiên chỉ toàn rau để thể hiện sự đồng lòng vượt mọi khó khăn, thiếu thốn của đội quân đầu tiên. Các bạn trẻ lần lượt kể với tôi, vâng, không gia đình nào trong họ không có cụ, có ông, bà hay cha mẹ, chú bác từng tham gia cách mạng, làm chiến sĩ của Cụ Hồ, của Đại tướng. Làm cách mạng, trải đời chiến sĩ, khó khăn, thiếu thốn, gian khổ, hy sinh là điều đương nhiên nhưng Quân đội ta là đội quân của dân và vì dân nên ở đâu, lúc nào cũng có nhân dân đùm bọc, chở che…
Tôi đọc cho đám trẻ câu thơ của bố tôi, người chính ủy-thương binh từ những năm kháng chiến chống giặc Pháp:
“… Tiền trạm báo tin dân bản tốt
Sẵn sàng luộc sắn đón quân ta…”.
Tôi đã kể cho các em, các cháu về những địa chỉ đỏ gắn với những huyền thoại nhiều nơi trên đất nước mà chúng tôi vừa đi qua. Ở một đỉnh đèo cao nhất miền Nam Trung Bộ-Đèo Cả. Đoàn đua của chúng tôi đã tạm dừng trên đỉnh đèo ít phút. Cao trên cả tầng mây mù là tảng đá lớn. Nhân dân Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định gọi đó là Hòn Đá Thề. Hòn đá biểu tượng lời thề của lòng dân bất khuất. Trong những năm quê hương tăm tối, khổ đau dưới ách giặc, những người dân, du kích và bộ đội nơi đây luôn hướng về Hòn Đá Thề để nhủ lòng, sát cánh cùng nhau. Trên đường Quốc lộ 1A đây là cây số 1192km cách Hà Nội. Một bên là đỉnh núi cao có Hòn Đá Thề, một bên là Vũng Rô vụng biển ghi dấu những chiến công kỳ diệu của những con tàu “không số” chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Trung. Chính ở vụng biển này, người Thuyền trưởng, Anh hùng Phan Vinh đã quyết chiến đấu và hy sinh để tàu và chính thân mình không sa vào tay giặc.
Anh là người con của vùng đất Hòn Đá Thề. Và tên anh-Phan Vinh-đã được đặt cho một hòn đảo giữa Trường Sa để những người lính trẻ hôm nay mỗi ngày nhắc tới như một nỗi lòng, một lời thề giữ đảo, giữ biển trời Tổ quốc. Bộ đội Cụ Hồ là vậy, lớp nọ tiếp lớp kia. Năm nay là lứa chiến sĩ thứ bao nhiêu làm nhiệm vụ ở Trường Sa, Biển Đông rồi nhỉ? Lứa đầu giải phóng quần đảo, trồng thêm những cây xanh, gieo cấy những mảnh vườn, những chậu rau, hoa đầu tiên để bây giờ đảo lớn, đảo nhỏ, đảo chìm đâu cũng có màu xanh của quê nhà.
Hướng về nơi xa ấy, tôi nhớ đến câu chuyện một người lính quê ở Sơn Trà, Đà Nẵng trên đảo Song Tử Tây vừa canh đảo vừa ấp ủ giấc mơ giúp đỡ người dân đánh cá. Những bàn tay sần sùi, lở tróc vì kéo dây câu cá biển đã làm trĩu nặng lòng người lính trẻ. Về đất liền, giấc mơ của anh cùng bạn bè đã thành sự thật. Họ đã chế ra chiếc máy tời thu dây câu cho bà con quê mình, quê bạn.
Qua các miền quê đang vươn mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã được gặp bao người nông dân lớp trước, lớp sau tìm cách đổi thay đồng ruộng, xóm làng. Mừng lắm thay trên đất Nam Đàn quê Bác, phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới đã dẫn đầu cả nước. Và hai gia đình hiến đất nhiều nhất lại chính là hai gia đình cựu chiến binh thuận vợ thuận chồng…
Cuộc đua xe đạp từ Nam đến Bắc là cuộc hành quân theo dấu chân của lớp lớp ông cha đạp bằng chông gai, gian khó đánh giặc cứu nước. Đó là cuộc hành quân rộn vang tiếng hát trong lòng mỗi người. Chúng tôi được nghe, được hát những khúc quân hành, được lắng lại cùng những câu ca một thời đất nước bị chia cắt, về những giai điệu vượt Trường Sơn cùng những bài ca của những người lính bảo vệ biên cương, biển đảo, những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Lào, Cam-pu-chia. Một tối Hà Nội thanh bình, người huấn luyện viên trẻ lại cất lên giọng ca cổ Nam Bộ về tình đồng chí, đồng đội, về tình yêu vượt lên mọi chia ly, bão lửa. Và tình mẹ, tình nước non.
… “Mẹ ơi có nghe
Núi sông vang dậy
Tiếng quân reo
Hòa theo ước vọng
Son sắt nguyện thề
Tình non nước
Chẳng bao giờ phai”…
Câu hát đã thân thuộc, nằm lòng trong lớp trẻ lớn lên sau chiến tranh. Bàn chân nối tiếp những bàn chân, câu hát nối dài những câu hát, con đường hành quân không bao giờ ngưng nghỉ để cùng đất nước đi lên phía trước.
Tùy bút của MẠNH HÙNG