QĐND - Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, biên cương luôn được xem là thành lũy gắn liền với sự an-nguy của Tổ quốc. Do vậy, ngay sau thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới năm 1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập 3 lực lượng, gồm: Công an Biên phòng, Cảnh sát Vũ trang và các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ (gọi là Bộ đội Bảo vệ) làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, ngày 3-3-1959, Chính phủ thống nhất các đơn vị quân đội đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát Vũ trang thành lực lượng chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang (CANDVT). Từ đó, ngày 3-3 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CANDVT, ngày nay là Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, lực lượng CANDVT trước đây, BĐBP ngày nay liên tục được điều chuyển cấp quản lý từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và ngược lại để phù hợp với từng giai đoạn cách mạng của đất nước. Tháng 8-1995, Bộ Chính trị (khóa VII) ra Nghị quyết về “Xây dựng lực lượng BĐBP trong tình hình mới” đã quyết định chuyển quyền quản lý trực tiếp đối với lực lượng CANDVT từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng với tên gọi mới là BĐBP.

Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên luyện tập phương án đánh bắt tội phạm.  Ảnh: PHAN ANH

Ngay từ khi mới thành lập, với khẩu hiệu hành động “Chỉ biết còn Đảng là còn mình”; coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ CANDVT đã nỗ lực vượt mọi khó khăn vừa bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, vừa tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ở miền Bắc, các đơn vị CANDVT kiên cường bám trụ ở những điểm địch đánh phá ác liệt nhất, tích cực tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chi viện cho lực lượng an ninh vũ trang miền Nam. Từ 1965 đến 1975, toàn lực lượng đã trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ, phối hợp với các đơn vị bạn bắn rơi 225 chiếc, bắn bị thương 128 chiếc, bắt sống nhiều phi công địch. Ngoài ra, các đơn vị CANDVT miền Bắc còn cử nhiều đội công tác đặc biệt sang giúp bạn Lào xây dựng cơ sở chính trị, vận động nhân dân tham gia quân đội, ủng hộ cách mạng Lào và tổ chức tuyên truyền đặc biệt, tiến công chính trị, chiến đấu vũ trang, phá nhiều cụm phỉ...

Trên chiến trường miền Nam, tháng 7-1960, Trung ương Cục miền Nam thành lập “Ban An ninh Miền” trong đó nói rõ thành lập bộ phận “An ninh vũ trang” lúc đầu là Đại đội 180, sau này phát triển thành Trung đoàn 180, làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Cục ở chiến khu Đ, chiến khu C. Lực lượng an ninh vũ trang được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, đánh địch đổ bộ, càn quét, đánh biệt kích, thám báo để bảo vệ an toàn tuyệt đối Trung ương Cục, các khu ủy, tỉnh ủy, thành ủy. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được sự chi viện của CANDVT miền Bắc, lực lượng An ninh vũ trang miền Nam đã phối hợp với các lực lượng khác trực tiếp tham gia chiến đấu, bắt sống, tiêu diệt nhiều tên gián điệp, ác ôn nằm vùng, tiêu hao sinh lực địch, tổ chức dẫn đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn vào trưa 30-4-1975.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã mở ra giai đoạn mới, giai đoạn cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thế lực phản động trong nước vẫn ráo riết cấu kết với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch triển khai kế hoạch “hậu chiến”; lôi kéo người Việt Nam vượt biên; sử dụng tàn quân FULRO, tổ chức lực lượng phản động xâm nhập vào biên giới, móc nối xây dựng cơ sở ngầm hòng chống phá cách mạng Việt Nam. Trước tình hình đó, toàn lực lượng tập trung cao độ, khẩn trương triển khai hệ thống đồn, trạm, vận động nhân dân xây dựng phòng tuyến bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên chiều dài gần 8000km biên giới, bờ biển, thuộc địa bàn của 1.078 xã, phường, thị trấn; 227 quận, huyện, thị xã; 44 tỉnh, thành phố có biên giới, bờ biển. Thực hiện chủ trương của Đảng “giúp bạn là tự giúp mình”, BĐBP đã triển khai 9 trung đoàn phối hợp với các đơn vị quân đội và công an, kề vai sát cánh cùng LLVT và nhân dân Cam-pu-chia đấu tranh chống Khơ-me Đỏ, xóa bỏ chế độ diệt chủng, giúp nước bạn bảo vệ chủ quyền biên giới trên các tuyến. BĐBP cũng đã cử nhiều đội công tác giúp nước bạn Lào đấu tranh chống phỉ và bọn phản động, góp phần giành độc lập, chủ quyền, củng cố hòa bình, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân nước bạn.

Từ năm 1986 đến nay, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điều chỉnh lực lượng, xây dựng hệ thống các đồn biên phòng theo hướng bảo đảm phòng thủ, nắm vững địa bàn, phục vụ tốt công tác giao lưu, đối ngoại và giữ gìn an ninh biên giới quốc gia. BĐBP đã thành lập mới và nâng cấp một số cơ quan, đơn vị, đủ sức đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và các địa phương hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới với Trung Quốc; tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới với Lào và tiếp tục thực hiện công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới giáp với Cam-pu-chia.

Những năm qua, BĐBP tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo trên dọc tuyến biên giới. Trong cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo; nhiều phong trào hiệu quả, như: Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc”, phong trào “Cả nước hướng về biên giới, hải đảo”... góp phần quan trọng xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới. Lực lượng BĐBP cũng có nhiều mô hình, chương trình có ý nghĩa thiết thực như: “Thầy giáo quân hàm xanh’, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Cán bộ xã quân hàm xanh”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”; “Quỹ hiếm muộn”; “Chương trình bò giống cho người nghèo nơi biên giới”…

Trong suốt 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có sự đóng góp to lớn của BĐBP. Những cống hiến, hy sinh của BĐBP trong cả thời chiến và thời bình đã góp phần tô thắm thêm truyền thống của Quân đội ta nói chung và của BĐBP nói riêng. Ngày nay, BĐBP vẫn tiếp tục ngày đêm bám trụ nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.

Trung tướng VÕ TRỌNG VIỆT, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP