QĐND - Chủ tịch nước vừa ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất cho tập thể Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) vì thành tích đặc biệt xuất sắc cho công trình ghép đa tạng (ca ghép tụy-thận đầu tiên ở Việt Nam do bệnh viện thực hiện ngày 1-3-2014). Đó thực sự là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi, tiên phong đi đầu của một bệnh viện quân đội trong lĩnh vực ghép tạng-lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật, trình độ rất cao và còn nhiều khó khăn ở Việt Nam.

Đối với nền y học trong nước, Bệnh viện Quân y 103 (sau đây gọi là Bệnh viện 103) thực sự là những người tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng, lần lượt là ghép thận, ghép gan, ghép tim và mới nhất là ghép tụy-thận. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc bệnh viện, cho biết: Ghép tạng là một kỹ thuật mới, một công nghệ cao và phức tạp. Trong thế kỷ XX, ghép tạng là 1 trong 10 thành tựu khoa học lớn của nhân loại. Để có được thành công của những ca ghép tạng đầu tiên tại Học viện Quân y, Bệnh viện 103 đã phải tiến hành nhiều đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước về ghép tạng. Bệnh viện cũng đã thực nghiệm ghép trên động vật hàng trăm lượt, cử nhiều kíp đi học tập, tham quan về ghép tạng ở những nước có nền y học tiên tiến, ứng dụng các kỹ thuật trên lâm sàng, đồng thời có sự hợp tác của nhiều cơ sở y tế trong và ngoài nước.

Ban giám đốc Bệnh viện 103 chụp ảnh cùng bệnh nhân Phạm Thái Huyên (thứ tư, từ trái sang), người được ghép tụy-thận đầu tiên ở Việt Nam, ngày ra viện. Ảnh: Đỗ Trung

Hiện nay, ở Việt Nam đã có nhiều trung tâm thực hiện được ghép thận, tuy nhiên, ít ai biết rằng, nơi tiên phong trong lĩnh vực này là một bệnh viện quân đội-Bệnh viện 103. Ngày 4-6-1992 đánh dấu một mốc quan trọng, bệnh viện đã tiến hành ca ghép thận trên người đầu tiên tại Việt Nam. Người được ghép thận là quân nhân Vũ Mạnh Đoan, công tác tại Quân đoàn 3, bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối, có chỉ định ghép thận. Từ đó đến nay, bệnh viện đã tiến hành 179 ca ghép thận, có những ngày ghép 2-3 ca cùng lúc và hoàn toàn có thể ghép cùng lúc 3-4 ca an toàn. Đặc biệt, kỹ thuật ghép thận ở Bệnh viện 103 đã trở thành thường quy, được bộ môn-khoa tự thực hiện, Ban giám đốc chỉ giám sát.

 Trong số các trung tâm trên cả nước đã ghép được thận hiện nay, rất nhiều trong số đó đã được Bệnh viện 103 chuyển giao kỹ thuật này. Có thể kể đến những cái tên như: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), Bệnh viện 198 (Bộ Công an), Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec…, mới đây nhất là Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên.

Một bước đột phá trong kỹ thuật ghép tạng chính là ngày 31-1-2004, Bệnh viện 103 tiến hành ca ghép gan trên người đầu tiên ở Việt Nam. Bệnh nhân được ghép gan là cháu Nguyễn Thị Diệp, 10 tuổi, quê ở Nam Định, bị bệnh teo đường mật bẩm sinh, gan xơ, đã có biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và chảy máu tiêu hóa nhiều lần, nếu không được ghép gan sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Người cho gan là bố đẻ của cháu Diệp. Đây là ca phẫu thuật lớn tiến hành kéo dài gần 17 giờ liên tục với hơn 100 giáo sư, bác sĩ tham gia.

Tiếp theo sự phát triển thành công của kỹ thuật ghép tạng, ngày 17-6-2010, bệnh viện tiến hành thành công ca ghép tim trên người đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân được ghép tim là anh Bùi Văn Nam quê Nam Định, bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ 4. Và mới đây nhất, ngày 1-3-2014, bệnh viện đã tiến hành ca ghép tụy-thận đầu tiên từ người cho chết não. Bệnh nhân là anh Phạm Thái Huyên, công tác tại Bộ CHQS tỉnh Sơn La, bị đái tháo đường tuýp 1, tụy không hoạt động, suy thận độ 2. Ca ghép tụy-thận được thực hiện kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ, huy động hơn 150 các y sĩ, bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia. Hiện nay, bệnh nhân Phạm Thái Huyên đã được ra viện.

Chia sẻ về thành công của ca ghép tụy-thận cho bệnh nhân Phạm Thái Huyên, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Sử, Chính ủy bệnh viện, cho biết: Đối với ca ghép tụy-thận, bệnh viện đã chuẩn bị ba phương án. Phương án thứ nhất là mời các nhà khoa học nước ngoài cùng tham gia. Phương án thứ hai là liên kết với các trung tâm có uy tín về ghép tạng ở Việt Nam để tiến hành. Phương án thứ ba là đội ngũ cán bộ, nhân viên của bệnh viện tự tiến hành. Ở ca ghép này, do người hiến tạng chết não diễn ra bất ngờ trong đêm nên việc mời các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng tham gia sẽ kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn cho việc duy trì sự sống của tạng. Do đó, Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện đã xin ý kiến và được lãnh đạo Học viện Quân y nhất trí tiến hành. Và phương án thứ ba đã được tiến hành. Sự thành công của ca ghép này đã khẳng định bản lĩnh, trình độ của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, cũng như nền y học trong nước. Nếu tính về giá trị kinh tế thì một ca ghép tạng trong nước có chi phí thấp hơn rất nhiều so với thực hiện ở nước ngoài.

Có thể khẳng định, thực hiện thành công kỹ thuật ghép tạng là một thành tựu khoa học có ý nghĩa to lớn về kinh tế-xã hội và ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, mở ra cơ hội mang lại sự sống cho hàng trăm bệnh nhân bị bệnh lý tạng giai đoạn cuối, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh mà trong đó, đáng kể nhất là chất lượng cuộc sống, đồng thời là động lực thúc đẩy một loạt chuyên khoa phát triển. Từ những ca ghép tạng đầu tiên đến nay, ở nước ta đã có gần 20 bệnh viện tiến hành ghép thận, có 4 trung tâm thực hiện ghép gan và có 3 bệnh viện tiến hành ghép tim.

Để trở thành một trong những viện đi đầu trong nhiều lĩnh vực, có thể nói là sự nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, y sĩ, bác sĩ, nhân viên bệnh viện-những anh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận chữa bệnh, cứu người. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Sử nhấn mạnh, hai vấn đề tâm đắc, mà có thể khẳng định là quyết tâm cao của toàn bệnh viện, đó là xây dựng và triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, trong đó có hai nghị quyết chuyên đề có tính đột phá. Một là Nghị quyết về xây dựng bệnh viện vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực, y đức. Hai là Nghị quyết về phát triển chuyên môn kỹ thuật. Hai nghị quyết đặc biệt này như hai mũi tên tạo nên sức mạnh đột phá trong điều trị. Hiện mỗi năm, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện 103 tăng 20%, đây là sự khẳng định niềm tin của người bệnh đối với bệnh viện, nhưng cũng là áp lực rất lớn đối với cán bộ, y sĩ, bác sĩ để làm sao xứng đáng với y đức của người thầy thuốc, hài lòng với bệnh nhân.

Dù rất quan tâm đến phát triển chuyên môn kỹ thuật, nhưng một trong những vấn đề Ban giám đốc bệnh viện đặt rất nhiều quyết tâm đó là xây dựng y đức cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ. Bệnh viện đã ban hành các quy ước về giao tiếp, văn hóa ứng xử với người bệnh; không ngừng cải tiến các thủ tục khám, chữa bệnh để khắc phục kẽ hở có thể phát sinh tiêu cực, đồng thời lập đường dây nóng đến Ban giám đốc. Tất cả những việc làm đó để xây dựng được một tập thể bệnh viện vững mạnh, anh hùng.

NGUYỄN TUẤN