Bài 2: “Nêu gương” để tạo thành công và khác biệt
QĐND - Sau 5 năm tổ chức Phong trào Thi đua Quyết thắng (2009-2014), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đúc rút nên nhiều bài học quý, khẳng định: Vai trò người đứng đầu nói chung, sự nêu gương của cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp nói riêng quyết định việc “thành-bại” của hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời chi phối mạnh mẽ đến hiệu quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Bài học này còn chỉ rõ, trong quá trình thi đua, “sự nêu gương” của đội ngũ lãnh đạo chính là “đầu kéo” đưa "con tàu Viettel" chạm đích các mục tiêu, tiến nhanh, tiến mạnh ra biển lớn.
Thực hiện “3 trong 1” để xây dựng đội ngũ, cổ vũ phong trào
Trước trụ sở của Viện Nghiên cứu và Phát triển (NC&PT) Viettel có đặt hai bức tượng khá đặc biệt. Bức tượng bên trái lột tả chân dung nhà hiền triết, tay cầm sách, vẻ mặt minh tuệ. Bức tượng bên phải mô tả vóc dáng người công nhân trẻ khỏe, đang cầm búa lao động, vẻ mặt phấn chấn, lạc quan, tin tưởng... Viện trưởng, Đại tá Nguyễn Đình Chiến giải thích:
- Hai bức tượng là biểu trưng cho chiến lược phát triển của đơn vị; thể hiện quyết tâm thực hiện phương châm “gắn nghiên cứu với ứng dụng” của Viettel. Đây cũng là mệnh lệnh không lời nhắc nhở cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị luôn quyết tâm học tập, rèn luyện để có kiến thức của nhà khoa học, đồng thời có trình độ thao tác thủ công, kỹ năng thực hành của người lao động. Đây chính là cách đơn vị cụ thể hóa chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ “3 trong 1” của Viettel. Tức là, cán bộ phải vừa là người lãnh đạo, vừa là quản lý điều hành, vừa là chuyên gia.
 |
Kỹ sư Viettel đào tạo, hướng dẫn nhân viên là người Mô-dăm-bích về kỹ thuật hàn cáp quang. |
Nhiều năm qua, Viettel thực hiện chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm yêu cầu “3 trong 1”. Khi được hỏi về lý do Viettel đặt ra yêu cầu khắt khe đối với đội ngũ cán bộ theo tiêu chuẩn “3 trong 1”, Thượng tá Đỗ Minh Phương, Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel không đi thẳng vào nội dung mà chủ động chia sẻ về phương thức quản lý vận hành của Viettel. Anh Phương nói về một triết lý của Viettel có tên “Triết lý Tôn Ngộ Không”, đại ý: Ví như bộ máy của Viettel chỉ có 100 người, thì ban giám đốc chỉ lựa chọn, đặt ra yêu cầu cao với 5 người và không yêu cầu cao với 95 người còn lại. Thực chất, 5 người được chọn chính là những cán bộ lãnh đạo, quản lý; những cá nhân ưu tú. Họ được chọn để Viettel tập trung đào tạo, bồi dưỡng và đặt ra yêu cầu là phải đáp ứng được vai trò trở thành bộ não trung ương, vận hành, điều hành 95 người còn lại.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ “3 trong 1”, Viettel đặt lên hàng đầu việc thực hiện chiến lược xây dựng con người, trong đó đặc biệt coi trọng việc khuyến khích cán bộ tự học và xác định lấy tự học làm giải pháp trọng yếu trong xây dựng đội ngũ. Theo quan điểm của lãnh đạo Viettel thì “không có tự đào tạo thì không có đào tạo”. Từ chủ trương đó, nhiều năm qua, phong trào thi đua tự học ở Viettel diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Chúng tôi hết sức ấn tượng khi biết đồng chí Viện trưởng Viện NC&PT Viettel có khả năng sử dụng thuần thục 4 ngoại ngữ; giao tiếp thông thường một số ngoại ngữ khác đều bằng cách tự học. Đại úy Vũ Tuấn Anh, Phó giám đốc Viện NC&PT Viettel cho biết thêm, đội ngũ cán bộ chủ trì ở đơn vị cơ bản thành thạo 2-3 ngoại ngữ. Hiện nay, cán bộ, nhân viên của đơn vị có khả năng sử dụng hơn 10 ngoại ngữ khác nhau phục vụ công tác nghiên cứu và thương thảo với các đối tác.
Từ việc nêu gương của cán bộ, việc tự học vốn là công việc tự giác của mỗi người Viettel càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Hiện tại, trong số 27.000 cán bộ, nhân viên có đến 60% lao động có trình độ đại học và trên đại học. Đặc biệt, Viettel đã thu hút và đào tạo được hơn 4000 kỹ sư, trong đó có hơn 100 kiến trúc sư, kỹ sư đầu ngành có khả năng nghiên cứu, sản xuất, khai thác, làm chủ thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin và thiết bị quân sự. Theo Trung tá Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm đào tạo Viettel thì đây là lực lượng nòng cốt góp phần giữ gìn đội ngũ cán bộ có chất lượng cho quân đội và đất nước.
Khai phá sức mạnh tổng lực bằng “3 cùng”
Để việc nêu gương của cán bộ xuống tận cơ sở, Viettel triển khai thực hiện phong trào “3 cùng" (cùng thâm nhập, cùng phát hiện, cùng làm). Trung tá Hồ Chí Dũng, Trưởng phòng Kỹ thuật Tập đoàn Viettel, nói: Làm kỹ thuật không thể làm nháp trong đầu, mà phải trực tiếp tìm hiểu, vận hành hệ thống; nếu không “3 cùng” thì chính cấp trên sẽ bị “lụt nghề”. Theo đó, ý nghĩa cao nhất của “3 cùng” là huy động trí tuệ tập thể, xây dựng tình đoàn kết trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Thực hiện chủ trương “3 cùng”, Phòng Kỹ thuật Tập đoàn thường xuyên cử cán bộ đi cơ sở để thâm nhập, phát hiện và cùng làm. Có thời điểm, hơn 50% lực lượng của phòng tỏa khắp các đầu mối, giúp cơ sở tháo gỡ vướng mắc, giải quyết việc khó, việc mới. Ví như Tiến sĩ Triệu Tiên Hoàng, chuyên viên Phòng Kỹ thuật Tập đoàn trực tiếp vào Chi nhánh Viettel TP Hồ Chí Minh giải quyết vấn đề lỗi mạng cố định băng rộng, mà trước đó cơ sở chưa thể giải quyết triệt để... Thực tế cho thấy, 1 trong 8 giá trị cốt lõi văn hóa Viettel là “lấy thực tiễn để kiểm nghiệm chân lý”, “Điều chỉnh theo thực tiễn” được Viettel thực hiện trong suốt quá trình phát triển.
Tổng giám đốc, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Người đứng đầu một tổ chức phải luôn ý thức được nhân viên của mình có phù hợp với môi trường công việc hay không? Nếu cố tình dùng người không phù hợp thì vô hình trung chính mình đang làm hại người đó. Do vậy, phải thực hiện “3 cùng” để nắm bắt được “thực lực” của từng con người, để lựa chọn phương án sử dụng hợp lý, hiệu quả.
“3 cùng” để giải quyết công việc là một câu chuyện, nhưng “3 cùng” để thấu hiểu, chia sẻ, yêu thương, xây dựng một Viettel đoàn kết là công việc đầy sáng tạo. Gần đây, Viettel triển khai ứng dụng ý tưởng “Tôi xây ngôi nhà mơ ước của tôi”, xây dựng “Ngôi nhà chung Viettel”. Theo đó, từ tập đoàn đến các đơn vị thành viên đều thực hiện, “Mỗi ngày có một Happy Time” (15 phút giải trí cá nhân, giao lưu sáng tạo); “Mỗi tuần có một Happy Day” (ngày hạnh phúc vật chất, tinh thần); “Mỗi tháng có một Happy Dinner” (gặp gỡ, liên hoan); “Mỗi quý có một Happy Event” (sự kiện, câu lạc bộ). Đó là những hoạt động để “3 cùng” đi vào đời sống, chứ không chỉ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
“Khuyến khích trải nghiệm”
Mấy năm trước, khi Viettel đã phát triển lớn mạnh, bộ máy có sự cồng kềnh và bị ràng buộc bởi quá nhiều quy định. Đã có lúc nhiều cá nhân trong tập đoàn không dám sáng tạo vì lo sợ sai lầm dẫn đến thất bại. Điều này khiến bộ máy tổ chức của Viettel bắt đầu vận hành ì ạch và thụ động bởi những quy định bó cứng. Tuy nhiên, gần đây Viettel đã ý thức được điều đó và khởi động một chương trình “khuyến khích trải nghiệm”. Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn trải lòng:
- Chúng tôi yêu Viettel bởi chúng tôi thuộc thế hệ sinh ra nó. Thế nhưng, với các thế hệ tiếp sau e rằng tình yêu đó sẽ phai nhạt dần đi. Do vậy, người lãnh đạo cần tạo ra những công việc mới để thế hệ sau được chứng tỏ, được trải nghiệm như thể chính họ đã sinh ra đứa con Viettel của ngày hôm nay và những ngày hôm sau. Để họ có thể yêu Viettel như chính chúng tôi đã yêu. Tôi cho rằng, trải qua thất bại nhưng có sự định hướng sẽ dẫn đến thành công. Điều này giúp Viettel xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên kế cận xứng đáng.
 |
Lãnh đạo Viettel Đông Timor tặng điện thoại cho người nghèo. |
Ban lãnh đạo Tập đoàn Viettel đều cho rằng, một doanh nghiệp, đơn vị hình thành, phát triển từ “con số 0” để đến với thành công nhiều khi còn dễ hơn là đi từ thành công này đến thành công khác. Việc đi từ thành công đến thành công là một quá trình khó, chắc chắn sẽ gặp những thất bại xen kẽ trong quá trình đó. Nếu không có những thất bại nhỏ, thất bại về chiến thuật để rút ra kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh thì sẽ dẫn đến nguy cơ sai lầm về chiến lược. Và những sai lầm mang tính chiến lược có thể dẫn đến sự diệt vong của một tổ chức. Do đó, Viettel khuyến khích mọi ý tưởng; có cơ chế thoáng với những người “mắc lỗi” không cố ý, lỗi nhỏ, lỗi xuất phát từ đam mê, khát vọng, hoài bão xây dựng Viettel phát triển; thậm chí, trước những sai lầm của cấp dưới, lãnh đạo tập đoàn và các đơn vị còn trực tiếp giúp đỡ, định hướng để cùng nhau tháo gỡ.
Chúng tôi gặp Đại úy Nguyễn Cảnh Hòa, Giám đốc Công ty Viettel Đông Ti-mo khi anh dẫn đoàn cán bộ, nhân viên về dự hội thảo của Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel. Hòa vốn là kỹ sư vô tuyến và trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau trước khi đảm nhiệm vị trí “thuyền trưởng” Viettel tại quốc đảo Đông Ti-mo. Anh bảo 3 năm, 3 quyết định, luân chuyển ở Viettel là văn hóa rồi. Cốt lõi của Viettel là kinh doanh kỹ thuật, nên nghề giám đốc phải “3 trong 1”, có kỹ thuật, có kinh doanh mới làm chuyên gia được. Người Viettel đi kinh doanh ở nước ngoài đều là chuyên gia, xây dựng, vận hành bộ máy kỹ thuật, kinh doanh, rồi bàn giao dần cho người sở tại. Ra nước ngoài, anh được “trải nghiệm” ngoại giao kinh tế, “đại sứ” của Viettel trong quan hệ với chính phủ nước sở tại.
Sự khuyến khích trải nghiệm, mắc lỗi theo cách của Viettel không đồng nghĩa với việc “bao che khuyết điểm”. Thi đua là để sáng tạo, sáng tạo là nhằm tạo ra giá trị, lợi ích. Tuy vậy, Viettel không chấp nhận, không “bắt tay” với những “ý tưởng” tạo ra lợi ích không minh bạch, không chính đáng, trái với quy luật thị trường, gây phương hại đến lợi ích khách hàng, ảnh hưởng đến thương hiệu và văn hóa Viettel. Thực tế cho thấy, khi phát hiện những dấu hiệu như vậy, Viettel kiên quyết chấn chỉnh, nghiêm khắc xử lý theo quy định.
------------------------------
Bài 1: “Dệt sóng” thi đua, đưa Viettel tiến ra biển lớn
Bài 3: Chiến lược “Đại dương xanh” trong thi đua
Bài và ảnh: LONG TUÂN - THÀNH PHƯỢNG