QĐND - Sau khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam và Cam-pu-chia lần thứ hai, thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương về tăng cường phối hợp, đẩy mạnh kháng chiến, bộ đội hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia đã tăng cường đoàn kết chiến đấu chống thù chung, góp phần bảo vệ nền độc lập của mỗi dân tộc.
Tháng 10-1948, Khu 7 cử một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 305 sáp nhập với đơn vị Ít-xa-rắc (tỉnh Svây-riêng) và một đại đội thuộc Trung đoàn 311 thành đơn vị hỗn hợp Khơ-me - Việt Nam, mang tên Bộ đội Si-vô-tha, với quân số khoảng 600 cán bộ, chiến sĩ. Tiếp đó, Khu 9 lần lượt cử một số đơn vị sang phối hợp với lực lượng vũ trang (LLVT) bạn xây dựng thành những đơn vị hỗn hợp Miên - Việt như đơn vị 302, 305 hoạt động ở tỉnh Cam-pốt và đơn vị 632 ở tỉnh Tà-keo. Năm 1949, Khu 9 tiếp tục điều Trung đoàn 131 sang khu căn cứ vùng Tây Nam giúp cách mạng Cam-pu-chia... Được sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của bộ đội Việt Nam, cách mạng Cam-pu-chia từng bước được củng cố vững chắc, dần hòa vào dòng chảy chung của cách mạng ba nước Đông Dương.
 |
Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng cách mạng Cam-pu-chia phối hợp tiến công giải phóng thủ đô Phnôm Pênh năm 1979. Ảnh tư liệu. |
Trên cơ sở tình đoàn kết chiến đấu được gây dựng, trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam đã đưa Quân tình nguyện sang giúp cách mạng Cam-pu-chia giành thắng lợi quyết định. Đầu tháng 4-1954, Trung đoàn 101 (Đại đoàn Bộ binh 325) cùng với Đại đội 200 Quân tình nguyện Việt Nam ở Hạ Lào tiến xuống phối hợp với các đơn vị bộ đội vùng Đông Bắc Cam-pu-chia mở cuộc tiến công, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn và một số thị xã (gồm 1/2 diện tích và 1/6 dân số cả nước Cam-pu-chia), góp phần đánh bại chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Sau thắng lợi này, cùng với Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, hòa bình lập lại trên đất nước Cam-pu-chia. Cam-pu-chia tuyên bố đi theo con đường hòa bình, độc lập, trung lập. Tuy nhiên, không để nhân dân Cam-pu-chia tự do đi theo con đường đã lựa chọn, ngày 18-3-1970, Lon-non - Xi-rích Ma-tắc, thành viên trong Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia tiến hành đảo chính lật đổ Quốc trưởng Nô-rô-đôm Xi-ha-núc, thành lập chính phủ mới do Cheng-heng làm Quốc trưởng, Lon-non làm Thủ tướng.
Chỉ 5 ngày sau khi nổ ra đảo chính, Chính phủ đoàn kết dân tộc Cam-pu-chia, Mặt trận Thống nhất dân tộc và Quân đội giải phóng dân tộc Cam-pu-chia được thành lập. Từ đây, tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia tiếp tục phát triển, từng bước đánh bại âm mưu, thủ đoạn xâm lược đối với cách mạng hai nước.
Ngày 30-4-1970, Mỹ huy động lực lượng tiến công xâm lược Cam-pu-chia, đưa Cam-pu-chia vào quỹ đạo của Mỹ; đồng thời bao vây, uy hiếp cách mạng miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định cử một bộ phận Quân tình nguyện Việt Nam sang phối hợp với lực lượng cách mạng Cam-pu-chia chiến đấu chống xâm lược. Theo đó, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với LLVT cách mạng Cam-pu-chia mở chiến dịch phản công ở vùng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia và các tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia, đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh ra toàn Bán đảo Đông Dương. Cũng trong năm 1970, bộ đội Việt Nam và LLVT cách mạng Cam-pu-chia phối hợp chiến đấu đánh bại cuộc hành quân Chen-la I; năm 1971, phối hợp mở Chiến dịch phản công Đông Bắc Cam-pu-chia và Chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Chen-la II. Theo đà thắng lợi, với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, năm 1974, LLVT cách mạng Cam-pu-chia lần lượt bẻ gãy các cuộc hành quân của địch. Ngày 17-4-1975, Quân giải phóng Cam-pu-chia tiến công làm chủ hoàn toàn Phnôm Pênh. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Cam-pu-chia kết thúc thắng lợi.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Cam-pu-chia vừa giành thắng lợi cũng là lúc cách mạng Cam-pu-chia bị phản bội. Tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri đã lợi dụng thành quả cách mạng Cam-pu-chia để thiết lập “Nhà nước Cam-pu-chia dân chủ”, thi hành đường lối đối nội, đối ngoại phản động, đặc biệt là kích động thù hằn dân tộc chống Việt Nam. Thực hiện âm mưu đó, chính quyền Pôn Pốt - Iêng Xa-ri khước từ mọi nỗ lực ngoại giao hòa bình của Đảng và Nhà nước Việt Nam, ráo riết xây dựng lực lượng quân sự, chuẩn bị chiến tranh, đưa một lực lượng lớn quân đội áp sát biên giới Tây Nam Việt Nam, gây ra các vụ xung đột, lấn chiếm, làm cho tình hình biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia ngày càng căng thẳng. Đáng chú ý, ngày 23-12-1978, chúng huy động 10 trong số 19 sư đoàn đang bố trí ở biên giới mở cuộc tiến công toàn tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam. Kiên quyết đánh trả các hành động lấn chiếm của địch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương lệnh cho các đơn vị tổng phản công, tiến công trên toàn tuyến biên giới, quyết tâm tiêu diệt quân địch, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam. Tiếp đó, theo yêu cầu của nhân dân và Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Cam-pu-chia, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với LLVT yêu nước Cam-pu-chia tiến hành tổng tiến công, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (7-1-1979) và toàn bộ đất nước Cam-pu-chia (17-1-1979), cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Sau khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa-ri bị đập tan, căn cứ vào tình hình thực tế, lãnh đạo Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia và Chính phủ Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia chính thức yêu cầu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam ở lại một thời gian. Nhân ngày bộ đội Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia về nước, Báo Prochiachuôm (Nhân dân), cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia viết: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pôn Pốt, trên thế giới này không biết bao nhiêu là kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc chúng ta mà thôi”.
Trải qua suốt dặm dài lịch sử, tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia được củng cố, vun đắp và phát triển không ngừng. Tình đoàn kết ấy là nhân tố quan trọng góp phần đánh bại quân xâm lược cũng như giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng, hồi sinh đất nước. Ngày nay, trước tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết, việc phát huy những bài học kinh nghiệm của tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia được đúc kết từ lịch sử là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, qua đó góp phần phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia lên một tầm cao mới, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước.
LÊ VĂN PHONG (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)