QĐND - Một chiều mùa hè năm 1963, nghe tin buổi tối Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị (TCCT) biểu diễn vở “Chị Nhàn” tại thị xã Hải Dương, chú tôi là Phạm Huy Dần sắp lên đường nhập ngũ, đã quyết định "khao" mọi người. ông mời chú Tráng, chú Du và mấy đứa cháu, trong đó có tôi, cùng lên xe ngựa của ông Vượng, đi từ phố Bỉnh Di (huyện Tứ Kỳ) lên thị xã xem kịch.

Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị lên đường đi phục vụ chiến trường miền Nam, năm 1968. Ảnh tư liệu

Vở diễn khắc họa sinh động hình ảnh chị Nhàn-một nữ du kích chống Pháp. Chị yêu anh Đức-chàng trai hiền hậu, chất phác. Sau khi anh Đức đi bộ đội, chị càng hăng say đánh giặc. Theo nhiệm vụ tổ chức giao, chị phải “lấy” tên Phú là lính ngụy để hoạt động tình báo. Tên Phú là cháu ruột của tên Chánh Tòng rất gian ác… Trong đợt bộ đội về làng phối hợp cùng du kích hạ bốt giặc, chị Nhàn bị tên Chánh Tòng bắn lén. Anh Đức nâng thi hài chị trên tay, nghẹn ngào… Xem đến đấy, khán giả vừa xúc động trước hình ảnh hy sinh anh dũng của chị Nhàn, vừa sôi sục căm thù giặc.

Trên đường về, chúng tôi đã nổ một cuộc “tranh luận”: Chị Nhàn có phải là “chị Nguyễn Thị Chiên tay không bắt giặc” trong sách “Tập đọc lớp hai” không? Tác giả Đào Hồng Cẩm là đàn ông hay đàn bà?...

Hôm sau, đoàn diễn tiếp vở “Chị Nhàn” tại sân kho ở xã Kỳ Sơn, thanh niên đi xem rất đông. Các cô, các chị sụt sùi trước cảnh chị Nhàn hy sinh. Kết thúc vở diễn, chú Dần tìm hỏi cô diễn viên đóng vai chị Nhàn và được cô cho biết: “Hình tượng chị Nhàn trong vở kịch là hiện thân của những nữ du kích ở Đồng bằng Bắc Bộ hồi đánh Pháp, như chị Phan Thị Nhật ở Hà Đông, chị Nguyễn Thị Chiên ở Thái Bình… Còn chú Đào Hồng Cẩm là Đoàn trưởng Đoàn Kịch nói TCCT, tên thật là Cao Mạnh Tủng”.

Mấy hôm sau, thanh niên thôn tôi bắt chước, tập diễn vở “Chị Nhàn”, nhưng có cải biên một chút. Lúc đầu, chị Duyên đẹp nhất làng đóng vai chị Nhàn. Khi tập đến đoạn anh Đức bế chị Nhàn trên tay thì có người về mách mẹ chị Duyên, thế là bà cụ không cho chị Duyên diễn nữa; cuối cùng phải chọn anh Sơn người nhỏ nhắn, mặt tròn tròn để đóng vai chị Nhàn. Còn lão Chánh Tòng thì bị dân làng mang ra xử tội, chứ không giống như trong vở của đoàn kịch. Thế là, vở kịch của thanh niên làng tôi được trình diễn tại sân đình để tiễn tân binh lên đường nhập ngũ, trong đó có chú Dần. Chú Dần vào tới Quảng Nam, viết thư về cho gia đình và dặn tôi, nếu lần sau Đoàn Kịch nói TCCT về biểu diễn thì nhớ đi xem để hiểu biết thêm về các chú bộ đội...

Thanh niên làng tôi lần lượt tòng quân. Lứa chúng tôi học lên cấp II, còn được xem vở kịch “Nổi gió” cũng do Đoàn Kịch nói TCCT về diễn tại xã Kỳ Sơn. Ai cũng ca ngợi bộ đội diễn kịch giỏi. Nhất là vai chị Vân, bị quân giặc đốt hết 10 đầu ngón tay vẫn kiên cường đấu tranh ngay trước mặt kẻ thù. Năm 1967, khi tôi học lớp 7, thầy giáo Trần Viết Doanh dạy chúng tôi phân tích nhân vật chị Vân trong vở kịch “Nổi gió”. Trong bài làm, tôi đã so sánh hình tượng chị Vân với chị Nhàn, chị Sứ (trong tiểu thuyết “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức) và chị Nguyễn Thị Chiên, chị Trần Thị Lý ở ngoài đời, để chứng minh chủ nghĩa anh hùng cách mạng ngày càng thấm sâu trong con cháu Bà Trưng, Bà Triệu qua câu nói “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

Học xong cấp III, tôi nhập ngũ. Trong môi trường quân đội, cùng với ấn tượng từ các vở kịch “Chị Nhàn”, “Nổi gió”, tình cảm của tôi dành cho Đoàn Kịch nói TCCT càng được nhân thêm lên khi tôi được xem các vở diễn sau đó của đoàn, như “Đại đội trưởng của tôi”, “Tổ quốc”, “Lời thề thứ chín”... Tình cảm sâu nặng và những kiến thức tôi có được thông qua các vở diễn của đoàn đã góp phần nâng bước tôi trong quá trình công tác, nhất là với việc tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ mà tôi từng đảm nhiệm ở một số đơn vị trong quân đội. 

PHẠM XƯỞNG