QĐND - Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7 nhiều lần nhắc đến hai chữ “tường minh” trong cuộc trò chuyện với chúng tôi về vai trò của Tổng cục Chính trị (TCCT) trong định hướng, chỉ đạo, tổ chức hoạt động CTĐ, CTCT toàn quân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng. Theo ông, tính tường minh biểu hiện ở sự sáng suốt, tường tận, cụ thể, rõ ràng, cả ở tầm chỉ đạo vĩ mô và trong những hoạt động cụ thể.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, chúng tôi được biết, những năm qua, Quân khu 7 là một trong những đơn vị điển hình về tiến hành hiệu quả CTĐ,CTCT?

Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Không chỉ riêng Quân khu 7 mà ở các đơn vị trong toàn quân, hiệu quả CTĐ, CTCT chính là kết quả của việc giải quyết hài hòa giữa hai yếu tố có tính biện chứng, đó là sự chỉ đạo nhất quán của TCCT, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng và tính chủ động của các đơn vị trong triển khai, thực hiện. Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta, mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước và nhiệm vụ của quân đội, chúng ta đều có sự chỉ đạo nhất quán, kịp thời bằng những chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp, bảo đảm cho quân đội luôn là một đội quân đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân. Dù trong hoàn cảnh nào, sự chỉ đạo CTĐ,CTCT toàn quân của TCCT cũng thể hiện tính tường minh, tập trung xây dựng, củng cố lòng tin tuyệt đối và vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Trung tướng Phạm Văn Dỹ đối thoại với chiến sĩ Ban CHQS huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận). Ảnh: Lại Thế Hiền

PV: Là một cán bộ chính trị trưởng thành từ các đơn vị cơ sở trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, chắc đồng chí có nhiều dấu ấn và kỷ niệm khó quên?

Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Đầu năm 1988, tôi là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 250, Mặt trận 479. Lực lượng Quân tình nguyện của ta ở Cam-pu-chia đang chuẩn bị cho đợt rút quân cuối cùng vào năm sau. Chúng tôi nhận được chỉ đạo từ trên, dừng việc bổ sung chiến sĩ mới mà giữ lại lực lượng hiện có làm nhiệm vụ cho đến ngày rút quân. Việc này khiến anh em không khỏi băn khoăn, hoang mang, vì phần lớn chiến sĩ ở các đơn vị đều đã đến hạn xuất ngũ. Chúng tôi nhận được chỉ đạo về nội dung, biện pháp làm công tác tư tưởng cho bộ đội. Cuộc chiến tranh đang bước vào giai đoạn cuối. Nếu bổ sung lực lượng chiến sĩ mới vào chiến trường, sự hy sinh, mất mát sẽ lớn hơn rất nhiều. Sử dụng lực lượng đã có kinh nghiệm chiến trường, làm chủ địa bàn, sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất sự đổ máu. Lựa chọn cái mất mát ít nhất, tổn thất ít nhất chính là chủ trương hết sức nhân văn. Chúng tôi đã tổ chức giáo dục, quán triệt sâu sắc tinh thần đó, nên cán bộ, chiến sĩ đều an tâm tư tưởng, thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Một dấu ấn khác, những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, hệ thống CNXH ở Liên Xô và Đông Âu thoái trào và sụp đổ. Giai đoạn này tôi lần lượt giữ các cương vị: Phó chủ nhiệm Chính trị, Chủ nhiệm Chính trị, Phó sư đoàn trưởng về Chính trị Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4). Chúng tôi nhận được sự chỉ đạo rất kịp thời, quyết liệt và sâu sát của TCCT về nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác dân vận, nhằm củng cố lòng tin, tạo động lực mới. Hồi đó, Đại tá Trần Văn Tảo, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 4 sau khi đi họp ở TCCT về truyền đạt lại: “Các thế lực thù địch đang rêu rao rằng, cây cổ thụ (Liên Xô) đã đổ rồi, tất yếu nó sẽ kéo, đè, làm đổ hết những cây xung quanh, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rõ, cái cây ấy đổ không chỉ vì bão táp từ bên ngoài, mà nó đã bị mục ruỗng từ bên trong rồi. Mỗi quốc gia có một vị thế khác nhau. Chúng ta nhất định đứng vững, bởi chúng ta không bị mục ruỗng và kiên quyết giữ để cho nó không mục ruỗng…”. Đó, cách nói dân dã như vậy, bộ đội và nhân dân rất dễ tiếp thu.

Lấy những dẫn chứng như vậy để thấy, sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện CTĐ, CTCT trong toàn quân của TCCT luôn nhất quán về chủ trương, sinh động về hình thức, uyển chuyển về phương pháp.

PV: Những kinh nghiệm đó có ý nghĩa như thế nào đối với đồng chí trên cương vị Chính ủy Quân khu 7 hiện nay?

Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về chỉ đạo, định hướng CTĐ, CTCT của TCCT, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo TCCT qua các thời kỳ, kết hợp với kinh nghiệm bản thân tích lũy qua những năm tháng làm cán bộ các cấp ở đơn vị cơ sở, để hình thành phương pháp, tác phong công tác trên cương vị được giao. Mới đây, đồng chí Thượng tướng Bùi Văn Huấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm TCCT ghé thăm tôi. Khi tôi trao đổi về tình hình Biển Đông, đồng chí nghe rất chăm chú và có những góp ý chân thành, thẳng thắn về cách thức giáo dục, tuyên truyền về biển, đảo hiện nay. Đó là những bài học thực tiễn rất quý, xuất phát từ tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của những người đã gắn bó một phần cuộc đời binh nghiệp ở TCCT.

PV: Vậy với LLVT Quân khu 7, đâu là những nét tiêu biểu về hoạt động CTĐ, CTCT trong LLVT quân khu?

Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và giải quyết chính sách hậu phương quân đội để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự địa phương là những vấn đề trọng tâm của CTĐ, CTCT mà chúng tôi đã và đang làm. Chúng tôi huy động, phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị các cấp cùng tham gia. Làm quyết liệt, ráo riết. Đây cũng là sự cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo về CTĐ, CTCT của TCCT trong LLVT Quân khu 7. Kết quả đạt được cho thấy và khẳng định hướng đi đúng, cách làm đúng.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

PHAN TÙNG SƠN (thực hiện)