QĐND - Phong trào thi đua yêu nước Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam 5 năm qua (2009-2014) phát triển mạnh mẽ, liên tục, toàn diện trên cả 5 nội dung chính của phong trào. Nổi bật là thành tích trên mặt trận xóa đói giảm nghèo (XĐGN), vươn lên làm giàu hợp pháp, đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng xây dựng, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh, xứng đáng với vị thế của một đoàn thể chính trị-xã hội, được Đảng, Nhà nước, nhân dân đánh giá cao và tin yêu.
Kế thừa thành quả kinh nghiệm của các kỳ đại hội, với mục tiêu “Giảm nghèo nhanh, chống tái nghèo và bền vững” các cấp hội đã nhạy bén chủ động đề ra nhiều phong trào và các đợt thi đua nhằm đột kích vào từng việc, trong từng lĩnh vực của cơ sở, như “vườn cây tình nghĩa”, “trái dừa đồng đội”, “mái ấm tình thương”, “hũ gạo nuôi con chữ”…; đặc biệt là phong trào “CCB đoàn kết giúp nhau XĐGN, làm giàu hợp pháp” được gắn với phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” đã lan tỏa rộng khắp các vùng, miền của đất nước.
Điển hình như “Phong trào dồn điền, đổi thửa”, xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” của CCB các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng Bắc Bộ; Phong trào “CCB sản xuất kinh doanh giỏi” đã mang lại hiệu quả tích cực. Các mô hình “5+1” (5 hội viên khá hoặc giàu giúp 1 hội viên nghèo thoát nghèo) của tỉnh Bến Tre; mô hình chuyển đổi vật nuôi, cây trồng từ lúa, ngô sang thảo quả có giá trị kinh tế cao của Hội CCB xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái); mô hình “Chăn nuôi bò 2 tốt” của Tổ hợp tác 2-9 xã Thạnh Thới A, huyện Trần Đề (Sóc Trăng); phong trào “Góp vốn xoay vòng” của Hội CCB tỉnh Kon Tum; mô hình “2 xóa, 3 giúp, 3 mô hình” của Hội CCB tỉnh Gia Lai.…
 |
Lãnh đạo Hội CCB Việt Nam thăm trang trại trồng cam của CCB sản xuất giỏi Lục Minh Thưởng, ở xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Trần Danh Tu
|
Nét mới của phong trào là năm 2013, Hiệp hội doanh nhân CCB Việt Nam được thành lập. Đây là sự phát triển tất yếu khách quan của xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế trong cơ chế thị trường, là tình cảm đồng chí, đồng đội, những người lính mang truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới. Họ là những CCB-doanh nhân đầy tài năng, giàu bản lĩnh và nhiệt huyết, quyết chí làm giàu cho bản thân và xã hội. Điểm chung nhất của các doanh nhân CCB là nỗ lực hết mình, kinh doanh thành đạt, mong muốn được đóng góp cho đất nước, quê hương và giúp đỡ đồng đội khó khăn; tích cực tham gia thực hiện chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, khuyến tài bằng tấm lòng nhân ái, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc. Các doanh nghiệp thuộc hiệp hội mỗi năm đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách đầy đủ và đóng góp vào các hoạt động xã hội-từ thiện hàng trăm tỷ đồng; tạo việc làm cho hàng vạn lao động, trong đó có nhiều con em CCB.
Phong trào đã sử dụng có hiệu quả hơn 19 nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn ưu đãi và từ quỹ Hội do CCB tự đóng góp, xóa được hơn 31.460 nhà dột nát, giải quyết gần 790 nghìn việc làm cho CCB và con em CCB; số hộ CCB nghèo chỉ còn hơn 4%. Đến nay đã có 23 tỉnh, thành hội, 10,8% quận, huyện, 21% số xã, phường, thị trấn cơ bản hết hộ CCB nghèo; hơn 50% số hộ CCB có mức sống khá và giàu; 5.878 doanh nghiệp do CCB làm chủ, có doanh nghiệp doanh thu đến hàng nghìn tỷ đồng, gần 60.000 trang trại, HTX, tổ hợp tác CCB đã tạo việc làm cho hàng vạn CCB và con em các đối tượng chính sách, xây “nhà đồng đội”, “nhà đại đoàn kết”… góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế của địa phương và đất nước.
Những tấm gương điển hình tiên tiến của Phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” nói chung, trên lĩnh vực XĐGN, giúp nhau làm kinh tế, phát triển bền vững nói riêng đều có nét đặc trưng nổi bật là sự khát khao cống hiến, biết vượt lên khó khăn, thương tật, sức khỏe, bằng nghị lực và niềm tin mãnh liệt, không cam chịu đói nghèo. Điển hình như CCB Hoàng Thị Nhâm, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Hoàng Nhâm (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) với tình cảm gắn bó cùng đồng bào các dân tộc miền núi, biên giới, đã dũng cảm kinh doanh ngành nghề khó là xây dựng đường giao thông nông thôn và thủy lợi miền núi. Bà đã đưa công ty ngày một phát triển, tạo việc làm cho hơn 500 lao động, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an ninh biên giới. CCB Hoàng Thị Nhâm vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (AHLĐ) thời kỳ đổi mới; nâng tổng số hội viên được phong tặng danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới của toàn hội lên 22 hội viên. Ngoài ra, còn có hàng nghìn hội viên được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 8 tập thể được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba, hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động, cờ thi đua và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ….
Kinh nghiệm nổi bật rút ra qua Phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” lần thứ V là công tác thi đua, khen thưởng phải thấm nhuần và vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Người đã chỉ rõ mục đích của thi đua “là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hằng ngày”. Người căn dặn: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Công tác thi đua, khen thưởng phải được đặt dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền và các cấp hội. Mục tiêu thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm và các chương trình kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh-quốc phòng; kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua của hội với các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, làm cho phong trào đúng hướng, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của hội và địa phương.
Trong thi đua khen thưởng phải quán triệt tinh thần đổi mới, hướng về cơ sở, vì cơ sở. Mở rộng, đa dạng hóa, cụ thể hóa phong trào thi đua bằng nhiều cuộc vận động, nhiều đợt thi đua đột kích với những nội dung, chỉ tiêu phù hợp và nhiều hình thức, phương pháp sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn mọi người cùng thi đua, lấy hiệu quả hoạt động ở cơ sở để đánh giá kết quả của phong trào...
Cùng với các mục tiêu của phong trào, thi đua giúp nhau làm kinh tế, XĐGN 5 năm qua như làn gió mới thổi vào đời sống của CCB cả nước, tạo động lực, sức sống mới cho phong trào thêm đơm hoa, kết trái, hòa chung trong "rừng hoa thi đua" tươi đẹp, nhiều sắc màu của cả nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trung tướng NGUYỄN VĂN ĐẠO, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam