QĐND Online - Tiếp chúng tôi tại tư gia (58 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Anh hùng LLVT nhân dân, Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giúp chúng tôi hiểu hơn giá trị của tình đồng đội, tình ‘quân dân cá nước”. Dẫu thời gian trôi đi, tóc đã bạc, da mồi nhưng kỷ niệm về sự hiệp đồng giữa các phi công cùng biên đội trong cuộc không chiến với máy bay giặc Mỹ và ân tình của người dân xứ Nghệ dành cho vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông.
Đó là trận chiến đấu bảo vệ bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hoá) vào ngày 4-4-1965. Hôm đó, Biên đội bay gồm 4 người, đó là: Trần Hanh, Lê Minh Huân, Phạm Giấy và Trần Nguyên Năm, xuất phát từ sân bay Nội Bài do phi công Trần Hanh chỉ huy. Trung tướng Trần Hanh bồi hồi nhớ lại: “Đúng 10 giờ 53 phút ngày 4-4, biên đội chúng tôi được lệnh cất cánh, bay về hướng Tây, dọc theo dãy Trường Sơn. Khi đội hình chúng tôi cách phía Tây cầu Hàm Rồng khoảng 30km đã thấy hai bên đầu cầu hỏa lực phòng không của ta rực lửa. Xa xa, 20 chiếc máy bay F105 của địch bay theo đội hình hàng dọc, kéo dài. Lúc đó máy bay của biên đội đang ở độ cao 4km, chúng tôi nhanh chóng giảm độ cao còn 3,5km. Ngay sau đó, tôi báo về sở chỉ huy và lệnh cho các thành viên trong biên đội sẵn sàng vứt dầu phụ, vào công kích”.
 |
Phi công Trần Hanh trước giờ xuất kích. Ảnh: Do nhân vật cung cấp. |
Chiếc máy bay MiG-17 do phi công Trần Hanh điều khiển bất ngờ cua gấp, rồi ngóc từ dưới lên phía sau, khi máy ngắm hiện cự ly cách máy bay đầu tiên của địch 200m, thì ông dùng hai khẩu pháo 23mm bắn loạt dài. Phi công Trần Hanh chỉ kịp thấy một luồng lửa lớn lao vút trong không trung chạm vào khoang lái chiếc máy bay F105 của địch đi đầu, làm nó bốc cháy. Ngay sau đó, ông kéo cần lái cho máy bay vọt lên cao 4km, rồi lật máy bay chìm xuống còn 1km để tránh 2 quả tên lửa của máy bay địch phía sau bắn tới và bay thẳng hướng Tây. Sau cú lật mạnh, chiếc la bàn bị gẫy trục nằm chổng ngược, trong khi đó đồng hồ báo nhiên liệu sắp hết. Ông điều khiển máy bay luồn lách qua các dãy núi để tránh sự truy kích của máy bay địch. Mất phương hướng, nhiên liệu không đủ để quay về sân bay và không còn liên lạc được với các đồng đội, Trần Hanh chỉ còn nước tìm vị trí hạ cánh. Ông báo về sở chỉ huy thì được lệnh nhảy dù. Quyết tâm không để mất máy bay, ông quyết định hạ độ cao. Quan sát thấy xa xa phía trước có một cánh đồng lúa, ông điều khiển máy bay hạ cánh xuống ruộng. Đang hạ độ cao để tiếp đất thì ông phát hiện phía trước có một con suối vắt ngang và bờ đất ruộng bậc thang cao, ông liền cho máy bay bay chếch sang phía bên phải. Một cánh máy bay ngoắc vào bụi tre làm cho chiếc may bay xoay tròn và khựng lại. Sau cú hạ cánh trượt bụng, phi công Trần Hanh bất tỉnh ngay trong buồng lái. Đến khi tỉnh dậy, ông thấy trán mình chảy máu, những cục bùn đất trên cánh máy bay vẫn tong tong nhỏ xuống ruộng. Lúc này ông lấy thông nòng súng kéo cuộn phim ghi hình tự động cất vào túi áo rồi bước ra khỏi máy bay. Đang ngơ ngác không biết mình đang ở đâu thì có rất đông người đang hò hét chạy tới. Ông nhìn thấy phía con đường nhỏ có câu khẩu hiệu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, lòng mừng thầm vì mình đang ở đất Việt Nam. Thấy người lạ và chiếc máy bay hạ cánh “bất đắc dĩ”, những người dân ở đây vẫn nghĩ là Việt Nam chưa có máy bay, mà chỉ giặc Mỹ mới có, nên bắt ông. Sau khi giải thích cho đồng bào nghe và biết ông là phi công Bộ đội Cụ Hồ gặp nạn, bà con bản Kẻ Tằm đã đưa ông về nhà đồng chí xã đội trưởng sơ cứu và cho ăn uống, nghỉ ngơi. Biết tin đồng chí phi công Bộ đội Cụ Hồ gặp nạn, bà con kéo nhau đến thăm và mang theo trứng gà, khoai, ngô để tặng và còn gọi ông là “Khăm cờ lơi” - tức là “con trời”. Nhận được tin báo, phi công Trần Hanh vẫn còn sống và được bà con bản Kẻ Tằm (bản Bình 1 ngày nay), xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cưu mang, đích thân đồng chí tỉnh đội trưởng Nghệ An đến tận nơi đón. Sau đó, đồng chí Thượng tá Phan Khắc Huy, Chính ủy Binh chủng Không quân đến đón phi công Trần Hanh về đơn vị. Đồng chí Trần Hanh trở về anh em đơn vị vui mừng khôn xiết, vì trước đó, sau hai ngày mất liên lạc, đơn vị nhận được thông báo của các địa phương 4 đồng chí đã hy sinh trên bờ biển Thanh Hóa, Nghệ An. Trận chiến đấu đó, biên đội của ông đã bắn rơi 2 máy bay F105 của giặc Mỹ, trong đó phi công Trần Hanh bắn rơi 1 chiếc và phi công Lê Minh Huân bắn rơi 1 chiếc.
 |
Trung tướng Trần Hanh cùng vợ ôn lại những kỷ niệm thời chiến tranh. Ảnh: Thảo My |
Chiến tranh đã lùi xa, chiến tích năm nào phi công Trần Hanh cùng đồng đội bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng vẫn còn ghi dấu ấn lịch sử. Với Trung tướng Trần Hanh, kỷ niệm trận chiến đấu đó ông không thể nào quên. Ông bảo rằng, nếu không có các đồng đội yểm trợ, anh dũng hy sinh và được người dân bản Kẻ Tằm bảo vệ, cứu sống, thì ông không có được như ngày hôm nay. Bởi vậy, mỗi dịp kỷ niệm ngày Thương binh-liệt sĩ ông lại cùng gia đình đến thắp hương tưởng nhớ các đồng đội-những người đã cùng ông vào sinh ra tử. Mới đây, năm 2010, nhân dịp 27-7, dù tuổi già, sức yếu nhưng ông vẫn vượt hàng trăm cây số cùng gia đình, đồng đội thăm lại bản Kẻ Tằm. Không chỉ vậy, ông còn vận động con cháu dành dụm được hơn 50 triệu đồng để giúp bà con bản Kẻ Tằm sửa sang nhà văn hoá, mua loa đài... Dịp đó, ông kêu gọi các tổ chức, cá nhân, hội CCB quyên góp, ủng hộ xây dựng nhà đồng đội, trường mầm non ở xã Châu Phong được hơn 1 tỷ đồng.
Đó là cái nghĩa, cái tình mà người CCB này vẫn luôn đau đáu. Và cách bày tỏ ấy như mội lời tri ân của ông với đồng đội và bà con bản Kẻ Tằm.
DUY HỒNG