QĐND Online – 70 năm qua, Công tác Đảng, Công tác chính trị (CTĐ, CTCT) đã góp phần quyết định trong giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; trực tiếp xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị… Đó là một trong những nhận định được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị-70 năm với sự nghiệp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị”, được TCCT tổ chức sáng 21-11 tại Hà Nội…
 |
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Hoàng Hà |
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm TCCT; Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm TCCT, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm TCCT; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí nguyên Phó chủ nhiệm TCCT; các đồng chí Phó chủ nhiệm TCCT; đại diện thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu; đại diện lãnh đạo các quân chủng, quân khu, quân đoàn, binh đoàn, viện nghiên cứu, học viện, nhà trường quân đội; các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch khái quát truyền thống hào hùng, những chiến công chói lọi, những thành tích vẻ vang của quân đội và của TCCT trong 70 năm xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành. Đồng chí Chủ nhiệm TCCT nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo lần này là dịp tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, nhằm vận dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội.
 |
Thượng tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hoàng Hà |
Báo cáo đề dẫn hội thảo, do Trung tướng Lương Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm TCCT khẳng định, trong suốt 70 năm qua, CTĐ, CTCT thật sự là “linh hồn, mạch sống” của quân đội, bởi CTĐ, CTCT đã góp phần to lớn cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng nên sức mạnh chính trị, tinh thần vô địch của quân đội. Đó là cơ sở tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược; là động lực thôi thúc cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Với tiền thân là Chính trị cục (đầu năm 1946), ban đầu quân số rất ít, đến nay TCCT đã phát triển đầy đủ các cơ quan chức năng chuyên ngành, có năng lực công tác tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả CTĐ, CTCT, góp phần quan trọng giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đối với quân đội trong mọi tình huống.
Tại hội thảo, Đại tướng Lê Văn Dũng đã trình bày tham luận “Một số kinh nghiệm CTĐ, CTCT tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của CTĐ, CTCT tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Đại tướng Lê Văn Dũng khẳng định, đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng suốt và nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, linh hoạt, sáng tạo của Đảng trong suốt quá trình tác chiến là nhân tố cơ bản, giữ vai trò quyết định thắng lợi của tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
 |
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Hà |
Đại tướng Lê Văn Dũng cũng nhấn mạnh vai trò của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nói trên: “Bám sát thực tế chiến đấu trên các chiến trường, mặt trận, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong quân đội đã thường xuyên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, xây dựng các tổ chức, lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tăng cường giáo dục, tuyên truyền đường lối quốc phòng, quân sự, đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ quốc tế của quân đội...”.
Đến với hội thảo, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm TCCT có bài tham luận “Nét đặc trưng của “Bộ đội Cụ Hồ””. Trung tướng Phạm Hồng Cư khẳng định, “Bộ đội Cụ Hồ” là một danh hiệu vinh dự do nhân dân khen tặng, là danh hiệu của lòng dân; “Bộ đội Cụ Hồ” là một giá trị văn hóa, là sự kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, “Bộ đội Cụ Hồ” là thành công của Đảng trong việc xây dựng quân đội về chính trị. Đảng đã đem lòng trung thành vô hạn của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân mà giáo dục cho quân đội lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân; đem tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng triệt để của giai cấp công nhân để hun đúc chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho quân đội; đem kỷ luật sắt của Đảng để rèn luyện kỷ luật tự giác, nghiêm minh cho quân đội; đem truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng để đoàn kết cán bộ, chiến sĩ, đoàn kết quân đội với nhân dân, đoàn kết với nhân dân nước bạn trên tinh thần quốc tế vô sản…
 |
Đại tướng Lê Văn Dũng trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Hà |
“Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân với TCCT QĐND trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa”, là tham luận của Trung tướng Lê Văn Đệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an, trình bày tại hội nghị.
Trung tướng Lê Văn Đệ làm rõ một số hoạt động của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa bằng Chiến lược “diễn biến hòa bình”; nêu lên một số giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND với TCCT QĐND trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.
Một trong những tham luận đề cập sâu đến thực tiễn hoạt động CTĐ, CTCT trong quân đội, suốt 70 năm qua, là “Tổng cục Chính trị với việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội”, của Trung tướng Lương Cường, Phó chủ nhiệm TCCT. Tham luận khẳng định, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội được xác định ngay từ những đội vũ trang đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thành lập, và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, để phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn cách mạng. Tham luận đã nêu lên một số vấn đề có tính nguyên tắc nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội cho phù hợp trong giai đoạn cách mạng mới. Tham luận đặc biệt nhấn mạnh một số nội dung như: Bất luận trong hoàn cảnh, điều kiện nào, cũng phải kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt; để hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, nhất thiết phải thiết lập hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị đảm nhiệm CTĐ, CTCT trong quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của cơ quan chính trị cấp trên…
 |
Đoàn chủ tịch chủ trì hội thảo. Ảnh: Hoàng Hà |
Đến từ Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Tiến sĩ Đinh Văn Sùng có bài tham luận “Đảng cộng sản Việt Nam giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt đối với QĐND Việt Nam”. Tiến sĩ Đinh Văn Sùng khẳng định, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, được thể hiện tập trung ở 6 nội dung chủ yếu: Đảng tập trung xác định đường lối và quan điểm quân sự, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng LLVT nhân dân và QĐND; Đảng luôn chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân của quân đội; Đảng lãnh đạo tổ chức xây dựng lực lượng, cơ cấu biên chế của quân đội; Đảng lãnh đạo việc xây dựng và phát triển nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam, làm cơ sở để huấn luyện, chiến đấu giành thắng lợi; Đảng lãnh đạo bảo đảm vũ khí, trang bị và nuôi dưỡng bộ đội; Đảng lãnh đạo tiến hành CTĐ, CTCT trong quân đội.
Hoạt động chỉ đạo công tác tư tưởng trong quân đội của TCCC là nội dung tham luận của Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm TCCT trình bày tại hội thảo. Trung tướng Mai Quang Phấn khẳng định, trong những năm qua, TCCT đã đề xuất những chủ trương, quyết sách đúng đắn, chỉ đạo toàn quân phát huy tốt vai trò của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện, với nhiều chủ trương biện pháp đúng đắn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong quân đội. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ quân đội trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; nhận thức tốt về nhiệm vụ của quân đội và đơn vị; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, kể cả nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, hy sinh. Công tác tư tưởng thực sự góp phần trực tiếp giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội. Trung tướng Mai Quang Phấn cũng nêu lên 6 giải pháp cần thực hiện quyết liệt, triệt để trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác tư tưởng trong quân đội.
 |
Trung tướng Phạm Hồng Cư với tham luận “Nét đặc trưng của “Bộ đội Cụ Hồ””. Ảnh: Hoàng Hà |
Các đại biểu còn ghi nhận những tham luận có nội dung sâu sắc, được trình bày trực tiếp tại hội thảo, như: “Kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức và công tác chính sách trong xây dựng QĐND Việt Nam về chính trị”, của Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Đình Minh, Giám đốc Học viện Chính trị; “Lịch sử quân sự với CTĐ, CTCT, mấy vấn đề đặt ra hiện nay”, của Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, hội thảo lần này ghi nhận tâm huyết, trí tuệ, và thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, TCCT, các đồng chí lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, các nhà khoa học…đối với quá trình hình thành, phát triển của TCCT và sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
Hơn 50 bài tham luận được đăng trong kỷ yếu và các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã thể hiện rõ quan điểm, phương pháp luận khoa học và tầm nhìn, tư duy đổi mới, làm sâu sắc và sáng tỏ hơn một số vấn đề lớn.
Cùng với khẳng định chức năng, vai trò, đóng góp của TCCT và hoạt động CTĐ, CTCT đối với sự lớn mạnh, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của QĐND, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch cũng nhấn mạnh cần phải nghiên cứu, giải quyết tốt một số vấn đề, như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội được xác định trong Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị (Khóa IX); đề cao tính chủ động, nhạy bén, sắc sảo của công tác tư tưởng; coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao, nhất là cán bộ chủ trì về CTĐ, CTCT ở các cấp và cán bộ cơ quan tham mưu chiến lược; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng cơ sở…
Theo Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, những vấn đề nêu trên rất hệ trọng, liên quan đến toàn Đảng, toàn quân và việc giải quyết những vấn đề ấy đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ…
PHẠM HOÀNG HÀ (tổng thuật)