QĐND - LTS: Mới đây, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Đại học Chính trị tổ chức Hội thảo khoa học: “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân: Giá trị lịch sử và hiện thực to lớn đối với sự nghiệp xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. 120 đại biểu là tướng lĩnh, nhà khoa học, cán bộ chủ trì các trung tâm nghiên cứu, đơn vị, nhà trường trong và ngoài quân đội đến dự. Tham luận của các đại biểu đã tiếp cận nghiên cứu Chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân dưới nhiều góc độ. Báo Quân đội nhân dân lược ghi, giới thiệu đến bạn đọc một số ý kiến từ hội thảo.
Trung tướng, PGS, TS PHẠM QUỐC TRUNG, Hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị:
Cương lĩnh quân sự của Đảng
Thực tiễn cách mạng giúp chúng ta nhận thấy: Việc lãnh tụ Hồ Chí Minh ban hành chỉ thị và sự kiện ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) là dấu mốc lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Nội dung Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ là sự kết tinh, kế thừa có tính nhất quán, sáng tạo tư tưởng, đường lối, chủ trương xây dựng LLVT cách mạng của Đảng ta từ khi thành lập (3-2-1930). Chỉ thị tuy ngắn gọn, chỉ 318 chữ, nhưng theo đánh giá của đồng chí Trường Chinh, đó là một Cương lĩnh quân sự của Đảng, trực tiếp góp phần chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, xây dựng LLVT cách mạng, quân đội cách mạng.
 |
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cùng các đại biểu tham quan sản phẩm trưng bày tại hội thảo khoa học.
|
Trong chỉ thị, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”. Chỉ dẫn của Người đã định rõ nguyên tắc tổ chức, hoạt động của đội quân chủ lực ngay từ ngày đầu thành lập; nhất là việc chỉ rõ nguyên tắc lấy “chính trị làm gốc”, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Những định hướng, chỉ dẫn đó đã đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, khắc phục những biểu hiện nóng vội, chủ quan, phiến diện trong xây dựng LLVT cách mạng và đấu tranh cách mạng thời kỳ cả nước chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Những chỉ đạo của Người về việc tổ chức Đội VNTTGPQ và những chỉ dẫn trong bản chỉ thị đặt nền móng, gợi mở những nguyên tắc xây dựng, tổ chức và hoạt động của đội ngũ cán bộ chính trị (CBCT) trong quân đội, trước hết là thế hệ CBCT đầu tiên của quân đội ta. Ở thời điểm đó, việc đặt lên hàng đầu yêu cầu xây dựng về mặt chính trị không chỉ có ý nghĩa bảo đảm cho đội quân chủ lực đầu tiên đi đúng đường lối chính trị của Đảng, mà còn để thực hiện vai trò là lực lượng hạt nhân, nòng cốt phát triển LLVT địa phương vững mạnh về chính trị, trực tiếp góp phần giác ngộ quần chúng, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Đảng, xây dựng cơ sở cách mạng, mở rộng căn cứ địa cách mạng, xây dựng các đội tự vệ, đội du kích vũ trang, bán vũ trang, các đội tuyên truyền, chuẩn bị cho toàn dân tiến tới tổng khởi nghĩa; trên cơ sở đó, phát triển lực lượng của đội quân chủ lực; phát triển những thế hệ cán bộ đầu tiên của quân đội ta.
70 năm đã đi qua, nhưng Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; tiếp tục soi rọi cho sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại nói riêng; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Thiếu tướng PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Nhân văn Quân sự:
Xác định phương thức tuyển chọn, huấn luyện cán bộ quân đội
Tại Điểm 1 của Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ, Bác viết: “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”.
Như vậy, tiêu chuẩn chọn lựa cán bộ, du kích thành lập Đội VNTTGPQ được Bác Hồ nhấn mạnh hai điểm. Trước hết, phải chọn những cán bộ, du kích “kiên quyết nhất” - tức là những người có tác phong quân sự mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; biết nắm bắt và xử lý linh hoạt, mau lẹ, dứt khoát, hiệu quả mọi tình huống mới nảy sinh, miễn là biết lấy “bất biến” để “ứng vạn biến”, thực hiện tốt phương châm “được người, được việc, được quan hệ”... Tiếp sau việc lựa chọn những người “kiên quyết nhất”, Bác chỉ rõ phải chọn các cán bộ, du kích “hăng hái nhất” - tức là chọn những người tâm huyết, nhiệt tình cách mạng, luôn có chí tiến thủ, tinh thần tiến công, xung kích đi đầu, không sợ khó khăn, gian khổ, không sợ hiểm nguy...
Với hai tiêu chí quan trọng là “kiên quyết nhất” và “hăng hái nhất”, cho thấy tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh là: Trong một tổ chức quân sự đặc biệt tất yếu cần phải có những con người đặc biệt, để thực hiện các công việc đặc biệt quan trọng mà Đảng và Mặt trận Việt Minh tin tưởng giao phó, nhân dân ủy thác. Đó phải là những người ưu tú nhất, những chiến sĩ cách mạng đã được huấn luyện quân sự, chính trị kỹ lưỡng, dân vận khéo, sức khỏe tốt; tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, nắm vững đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, của Mặt trận Việt Minh; có khả năng diễn thuyết, giáo dục, thuyết phục mọi người, để gây lòng tin cậy với nhân dân... Đồng thời, cán bộ, du kích được chọn lựa tham gia Đội VNTTGPQ phải là những người gắn bó máu thịt với nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao... Nhờ cách lựa chọn cán bộ như vậy mà chỉ sau mấy ngày thành lập, Đội VNTTGPQ đã giành ha thắng lợi đầu tiên và to lớn; khi 1 năm tuổi đã cùng với dân tộc giành được chính quyền cách mạng và trở thành lực lượng nòng cốt đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”... xây dựng quân đội ta không ngừng lớn mạnh.
Ngày nay, bài học về công tác lựa chọn cán bộ theo tư tưởng của Bác Hồ được đề cập trong chỉ thị vẫn còn nguyên giá trị: Muốn xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, trước hết phải xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự “vừa hồng, vừa chuyên”, có cả trình độ lý luận và thực tiễn, làm cơ sở để xây dựng tổ chức đảng TSVM, đơn vị VMTD.
Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN MINH KHẢI, Phó giám đốc Học viện Chính trị:
Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo
Nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc và vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ, ngay từ ngày thành lập quân đội đến nay, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc Phòng, Tổng cục Chính trị, cũng như các cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp trong quân đội luôn đặc biệt coi trọng sự nghiệp xây dựng đội ngũ CBCT, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên.
Mục tiêu, chủ trương, quan điểm, cơ chế, giải pháp xây dựng đội ngũ CBCT luôn được phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ. Hệ thống cơ quan chính trị, CBCT trong quân đội luôn được chăm lo kiện toàn theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng. Vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ của CBCT, của chính ủy, chính trị viên luôn được nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của quân đội. Công tác bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện, rèn luyện CBCT ở các nhà trường, các đơn vị trong toàn quân luôn được quan tâm nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng, bảo đảm cho CBCT ở từng cương vị, lĩnh vực công tác hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Sự nghiệp xây dựng đội ngũ CBCT đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, nâng cao hiệu lực CTĐ, CTCT, bảo đảm cho mọi hoạt động xây dựng, chiến đấu, công tác của quân đội ta trong suốt 70 năm qua giữ vững định hướng chính trị, đi đúng con đường chính trị của Đảng.
Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, thành công của sự nghiệp xây dựng đội ngũ CBCT trong quân đội ta, trước hết là nhờ quán triệt, vận dụng trung thành, sáng tạo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ CBCT nói chung, những chỉ dẫn của Người trong Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ nói riêng. Và chính điều đó đã góp phần minh chứng sức sống vĩ đại, giá trị lý luận, thực tiễn lớn lao của chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ.
Trong giai đoạn cách mạng mới, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đặt ra những yêu cầu rất cao về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, phong cách công tác của đội ngũ chính ủy, chính trị viên. Trước yêu cầu đó, đội ngũ CBCT nói chung, chính ủy, chính trị viên cần được đào tạo và đào tạo lại một cách thường xuyên. Hơn lúc nào hết, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCT để đạt được chất lượng, hiệu quả cao, nhất thiết phải nghiên cứu sâu sắc và vận dụng sáng tạo giá trị của bản Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử mới của đất nước và thời đại.
Đại úy, Ths LÊ THỊ HUYỀN, Phó chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Văn hóa Ngoại ngữ, Trường Đại học Chính trị:
Chỉ rõ nguyên tắc hoạt động và phương thức phát triển
Ngay trong chỉ thị, lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định: Đội VNTTGPQ là “đội quân tuyên truyền”. Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền thể hiện bản chất cách mạng của quân đội công nông kiểu mới, phù hợp với truyền thống dân tộc và đáp ứng nhiệm vụ giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Chính nhiệm vụ đó tạo ra một đặc điểm riêng, độc đáo để suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta luôn là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Dù qua các giai đoạn lịch sử, tên gọi của quân đội có khác nhau: Đội VNTTGPQ, Giải phóng quân, Vệ quốc đoàn… hay Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng mục tiêu tuyên truyền, nhiệm vụ tuyên truyền của “đội quân tuyên truyền” thì không hề thay đổi, mà ngày càng được củng cố, phát huy, góp phần khẳng định bản chất cách mạng của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với nhân dân của Quân đội nhân dân.
Sở dĩ, lãnh tụ Hồ Chí Minh coi trọng và chỉ rõ nhiệm vụ tuyên truyền của quân đội, vì Người thấu hiểu một thực tế: Trong cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc, muốn có thắng lợi, trước hết phải phát huy sức mạnh toàn dân, thực hiện chiến tranh nhân dân. Và biện pháp thực hiện công việc đó chính là tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân. Vì vậy, ngay khi thành lập đội quân chủ lực đầu tiên, Người mong muốn đội quân đó trước hết phải là lực lượng “chủ công” của Đảng trong công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân. Đó không chỉ là nguyên tắc hoạt động mà còn là phương thức xây dựng, phát triển quân đội cách mạng của Đảng.
Trải qua 7 thập kỷ phát triển, cùng với thực hiện các nhiệm vụ, các mặt công tác thì công tác tuyên truyền luôn giữ vai trò quan trọng, làm nổi bật bản chất truyền thống của quân đội ta. Kết quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân của quân đội ta trong những thập niên đầu thế kỷ XXI trở thành thứ vũ khí sắc bén làm phá sản nhiều kế hoạch gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch thông qua chiến lược "diễn biến hòa bình". Hiệu quả của công tác tuyên truyền không chỉ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thành hành động thực tiễn xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, mà còn là điều kiện, cơ sở vững chắc để quân đội hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Như vậy, suốt 70 năm qua, chỉ thị của Bác đã soi đường để quân đội ta thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu cao nhất: Vì nhân dân phục vụ!
NGUYỄN TẤN TUÂN (lược ghi)