QĐND - Câu chuyện của cán bộ UBND xã và các nhân chứng lịch sử xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, kể về sự kiện cán bộ, chiến sĩ Đại đội tự vệ cứu quốc địa phương cùng người dân trong xã cắt máu xin thề quyết tâm cùng Đội Cứu quốc quân 2 tiêu diệt bốt đồn địch và tài liệu thu thập được, chúng tôi đã hình dung ra khí thế sục sôi của những ngày tiền khởi nghĩa trên quê hương cách mạng.
Từ buổi cắt máu xin thề
Đồng chí Bế Văn San, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Na Mao, bộc bạch với chúng tôi: “Trong thời gian này, Đảng ủy, UBND xã đang tích cực làm công tác chuẩn bị xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Na Mao. Tuy nhiên, công tác biên tập còn gặp nhiều khó khăn vì sự kiện lịch sử của xã tỷ lệ nghịch với độ dài cho phép của cuốn sử”. Đồng chí Bế Văn San lấy ví dụ, trong giai đoạn cách mạng 1930-1945, Lịch sử Đảng bộ xã Na Mao dự thảo lần đầu lên tới 364 trang, sau nhiều lần biên tập rút xuống còn 230 trang. Ban soạn thảo dự kiến sẽ tiếp tục rút ngắn lại, nhưng phải giữ được nội dung chi tiết, bản chất của sự kiện. Nói rồi anh San đưa cho chúng tôi xem cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Na Mao đã biên tập giai đoạn 2. Tôi đọc và dừng lại ở trang 63 vì thắc mắc với chi tiết: “Ngày 28-3-1945, xã Na Mao có gần 500 người cắt máu và uống máu ăn thề, quyết tâm cùng Đội Cứu quốc quân 2, Đại đội tự vệ cứu quốc địa phương đánh chiếm phủ Đại Từ”. Nếu làm một phép so sánh, thời gian này, xã Na Mao có hơn 1000 người dân, tính ra có tới gần 50% dân số cắt máu và uống máu ăn thề.
 |
Ông Lưu Tiên Long kể chuyện với con cháu về kỷ niệm và thành tích đạt được trong thời gian tham gia Đại đội tự vệ cứu quốc xã Na Mao.
|
Đoán được thắc mắc của chúng tôi, đồng chí Bế Văn San giải thích: “Từ cuối năm 1939, cán bộ của Đảng đã đến địa phương tuyên truyền và giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân, sau đó là Đội Cứu quốc quân 2 đến xây dựng cơ sở, nên mọi người trong xã đều muốn theo Việt Minh, theo Cứu quốc quân và tự vệ địa phương đánh đuổi thực dân, phong kiến”. Để hiểu rõ vấn đề này, anh San đã mời chúng tôi tới nhà cụ Lưu Tiên Long ở xóm Khuôn U. Cụ Lưu Tiên Long đã hai lần cắt máu ăn thề quyết tâm đánh đuổi thực dân, phong kiến. Anh Âu Văn Đoàn, cán bộ văn hóa xã Na Mao, còn cho biết thêm: “Năm nay cụ Lưu Tiên Long đã bước sang tuổi 94, chân tay đã yếu nhưng rất minh mẫn. Vừa rồi, cụ còn đề nghị Đảng ủy xã bổ sung cụ vào Ban biên tập Lịch sử Đảng bộ xã Na Mao”.
Biết chúng tôi là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, lại được cán bộ UBND xã dẫn tới để nghe cụ kể về lịch sử kháng chiến của xã và sự kiện cắt máu, uống máu ăn thề của Đại đội tự vệ cứu quốc và nhân dân để tuyên truyền trên báo nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, cụ rất vui và niềm nở nói: “Tôi chỉ mong muốn sau này, các cháu thanh niên, thiếu niên của xã hiểu và phát huy truyền thống, cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương tươi đẹp hơn”. Rồi cụ hào hứng kể về những năm tháng người dân cả xã hoạt động cách mạng, kỷ niệm các lần cắt máu xin thề. Chuyện của cụ đã tái hiện không khí sôi nổi của những ngày tiền khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.
Chuyện là, vào đầu năm 1939, hai đồng chí cán bộ cách mạng là Đường Nhất Quý và Phúc Quyền (sau này, vào năm 1941 có thêm đồng chí Hoàng Xuân, đồng chí Nông Văn Uyên) tới địa phương theo nhiệm vụ bí mật do Đảng phân công để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho người dân và thanh niên. Qua đó xây dựng cơ sở hoạt động sau này, bởi xã Na Mao nằm ở phía Bắc huyện Đại Từ, địa hình phức tạp, đồi núi nhiều, xa đường quốc lộ, phía Tây Bắc giáp núi Hồng, có thể cơ động sang huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), lên huyện Định Hóa (Thái Nguyên), thuận lợi cho cán bộ cách mạng hoạt động.
Cụ Lưu Tiên Long nhớ lại, vào thời gian đó, đồng chí Đường Nhất Quý và đồng chí Phúc Quyền thường nói chuyện với các thanh niên trong xã về tình hình thế giới và phong trào cách mạng trong nước, điều lệ Việt Minh, bên bờ suối Vực Tròn chảy qua địa bàn xã, rất hay và dễ hiểu. Một hôm, vào khoảng trung tuần tháng 2-1942, sau buổi nói chuyện về cách mạng Đông Dương, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, đồng chí Phúc Quyền có hỏi các thanh niên: “Các em có muốn theo cách mạng đánh đuổi phong kiến và đế quốc thực dân không?”. Mọi người đều đồng thanh hô “Có!”. Chàng thanh niên Lâm Văn Hợp cho sáng kiến: “Để cách mạng tin tưởng chúng tôi, thanh niên xã Na Mao cắt máu xin thề”. Dưới ánh trăng sáng, mọi người lấy mảnh bát cắt đầu ngón tay nhỏ máu vào rượu uống và cùng hô vang: “Chúng tôi-thanh niên xã Na Mao xin nguyện một lòng theo cách mạng, ai đổi lời sẽ bị trừng phạt”. Buổi cắt máu xin thề đó có khoảng 20 người. Sau đó, thanh niên Lưu Tiên Long và những người bạn cắt máu xin thề được phân công nhiệm vụ bảo vệ cán bộ hoạt động cách mạng và nhân dân trên địa bàn.
Đến cắt máu tế cờ khởi nghĩa
Đầu năm 1944, đồng chí Chu Văn Tấn (bí danh là Tân Hồng) chỉ huy Đội Cứu quốc quân 2 về xã Na Mao và xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, xây dựng Chiến khu Nguyễn Huệ (sau này, vào cuối tháng 4-1945, Chiến khu Nguyễn Huệ phát triển thành Chiến khu Hoàng Hoa Thám). Tháng 11-1944, thực dân Pháp và Tri phủ huyện Đại Từ lập bốt ở Đèo Khế (huyện Đại Từ) để dò la tin tức của Việt Minh. Tại đây, chúng thường xuyên bắt bớ, đánh đập người dân. Trước tình hình đó, để củng cố lực lượng và động viên tinh thần quần chúng, tháng 12-1944 đến đầu tháng 3-1945, đồng chí Song Hào và cán bộ Đội Cứu quốc quân 2 mở lớp huấn luyện cách đánh du kích, điều tra tin tức địch cho thanh niên ba xã: Na Mao, Yên Lãng, Phú Xuyên. Sau khi huấn luyện, những thanh niên này được bổ sung vào Đại đội tự vệ cứu quốc của các xã.
Ngày 28-3-1945, tại xóm Con (nay là xóm Cầu Hoàn), Đội Cứu quốc quân 2 và Đại đội tự vệ cứu quốc xã Na Mao, Đại đội tự vệ cứu quốc xã Yên Lãng cùng người dân hai xã: Na Mao, Yên Lãng tổ chức buổi Lễ “cắt máu ăn thề” tế cờ khởi nghĩa và phát động quần chúng tham gia giải phóng huyện Đại Từ. Buổi lễ có các đồng chí là chỉ huy Đội Cứu quốc quân 2, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Đại đội tự vệ cứu quốc xã Na Mao, xã Yên Lãng và gần 400 người dân xã Na Mao, 200 người dân xã Yên Lãng tham gia. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm, sau khi đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy Đội Cứu quốc quân 2 nói ngắn gọn về âm mưu của địch, quyết tâm của ta. Sau đó, đại diện LLVT địa phương là đồng chí Chu Văn Sủi (tức ông Tân Sàng), Đại đội trưởng Đại đội tự vệ cứu quốc xã Na Mao, đã lấy mảnh chum sành cắt máu ở đầu ngón tay nhỏ vào chum rượu. Các chiến sĩ Đại đội tự vệ cứu quốc xã Na Mao, xã Yên Lãng đều cắt máu và tất cả mọi người có mặt trong buổi lễ cùng uống máu được hòa trong rượu và thề dưới cờ khởi nghĩa: “Quyết tâm tiêu diệt hết bốt đồn địch trên quê hương”.
Chiến sĩ Lưu Tiên Long và nhiều người trong Đại đội tự vệ cứu quốc xã Na Mao do quá căm phẫn trước hành động áp bức, bóc lột dã man của thực dân, phong kiến đã rạch ngón tay quá sâu nên máu chảy nhiều, phải băng bó và rửa vết thương bằng nước chè xanh. Cụ Lưu Tiên Long cho hay: “Lúc đó, tôi không thấy đau đớn gì, chẳng qua buộc vết cắt lại cho máu đỡ chảy để kịp đi đánh đồn”.
Ngay trong đêm 29-3-1945, quân, dân xã Na Mao, xã Yên Lãng tiến về huyện Đại Từ cướp chính quyền. Đại đội tự vệ xã Na Mao phối hợp với Đại đội tự vệ xã Yên Lãng công đồn bảo an và Dinh tri phủ huyện Đại Từ. Đội Cứu quốc quân 2 đánh địch ở Đèo Khế, đồng thời ngăn chặn không cho chúng tiếp ứng từ Sơn Dương (Tuyên Quang) sang. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí quyết tâm cao, nên chỉ sau một thời gian ngắn, Đại đội tự vệ cứu quốc xã Na Mao đã đánh chiến được Dinh tri phủ huyện Đại Từ, tịch thu toàn bộ vũ khí của lính khố xanh, bộ máy chính quyền tay sai ở phủ Đại Từ tan rã. Đến ngày 31-3-1945, đồng chí Chu Văn Tấn tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, kêu gọi nhân dân đứng lên kháng Nhật, cứu quốc, sau đó, nhân dân xã Na Mao cùng Đại đội tự vệ cứu quốc tiến đến phá kho thóc của địch vận chuyển về căn cứ cách mạng ở núi Hồng. Đội Cứu quốc quân 2 do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy tiến lên xã Định Biên (lúc đó là tổng Định Biên Thượng), huyện Định Hóa (Thái Nguyên) tham gia Lễ hợp nhất giữa Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân và các LLVT, vào ngày 15-5-1945, thành Việt Nam Giải phóng quân. Trong thời gian này, Đội tự vệ cứu quốc và nhân dân xã Na Mao phối hợp với quân, dân xã Phú Xuyên, Yên Lãng phục kích đánh tan quân Nhật tiến đến Đại Từ…
Buổi cắt máu xin thề tham gia cách mạng của thanh niên xã Na Mao và buổi Lễ “cắt máu ăn thề” tế cờ khởi nghĩa của quân, dân xã Na Mao, xã Yên Lãng đã thúc đẩy phong trào cách mạng của địa phương lên cao, tạo động lực, quyết tâm để quân, dân xã Na Mao đoàn kết lập nhiều chiến công, góp phần để cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Với những chiến công hiển hách trong thời kỳ tiền khởi nghĩa giành chính quyền, nhân dân xã Na Mao được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng 29 bằng có công với nước, một bằng khen của Ủy ban Hành chính Bắc Bộ và được tặng thưởng gần 200 huân chương, huy chương các loại.
Phát huy truyền thống đó, ngày nay, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Na Mao luôn có nhiều chương trình hành động thiết thực phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh; quyết tâm vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương cách mạng ngày càng văn minh, giàu đẹp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh: MÈ QUANG THẮNG