QĐND -  Đội văn nghệ có 7 người thì 6 người đã vào độ tuổi U.60 nhưng tâm hồn rất trẻ trung. Đội trưởng Nguyễn Gia Nhi tuổi Mậu Tý-1948, nguyên cán bộ kế hoạch Bộ Tham mưu Tổng cục Hậu cần. Diễn viên gồm cặp đôi giọng nữ cao: Nguyễn Thị Đai, hạt nhân văn nghệ phường Phúc Đồng và Tố Nga, cựu ca sĩ-chiến sĩ thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân. Giọng nam trung Nguyễn Gia Bính, từng là công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Đôi giọng dân ca Minh Khanh và Thanh Xuyên ở phường Việt Hưng. Riêng “em-xi” Thanh Huyền trẻ nhất, còn “đương đông buổi chợ”, vì cảm phục tình yêu văn nghệ của các cô các bác, nên lúc nào cũng sẵn sàng dẫn chương trình cho đội.

Phương châm hoạt động của đội được xác định “Vui là chính”, sẵn sàng phục vụ dân sinh, hội hè trên địa bàn quận Long Biên (TP Hà Nội), lúc cần cũng vươn ra ngoại thành. Tùy chủ đề mà có chương trình phù hợp. Đội trưởng Nhi nói rất vui:

- Diễn viên của đội khi đã phục vụ thì không lăn tăn “vấn đề kinh tế”, bởi anh chị em đều chung quan niệm: Ca hát là thuốc bổ tâm hồn. Tuổi cao mà vẫn được người ta ngồi nghe mình hát, vẫn có cơ hội để trình diễn tức là mình đã được lãi! Cứ vui hết mình. Vui nó chui vào ruột, nó tuột vào gan, nó lan ra phổi, nó thổi lên miệng. Thế là hát. Hát mở đầu hội hè. Hát xen kẽ chương trình. Hát “chữa cháy” những trường hợp đến giờ khai hội mà “đại biểu VIP” chưa hiện diện. Vừa liên hoan vừa hát. Ăn xong, nếu điều kiện cho phép vẫn hát nữa. Diễn viên cũng nhiều khi cùng với chủ hội vui múa hát, như xuân về hoa nở.

Đội văn nghệ “Vui là chính” luyện giọng trước giờ biểu diễn.

 Do có vốn sống qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiều năm quân ngũ nên thế mạnh của nhóm là hát ca khúc cách mạng, dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Tâm sự với chúng tôi, ca sĩ Tố Nga thổ lộ: “Có lẽ do đã một thời sống cùng “tiếng hát át tiếng bom”, đánh giặc bằng cả tiếng hát, nên các cựu chiến binh rất thích ca hát. Nhưng các bác thường chỉ nhớ giai điệu bài hát nên hát được ít câu mở đầu là lại chệch choạc vì quên lời. Lúc ấy, anh em mình ra tay “kéo xe bò”, mọi người sẽ tiếp tục hát đến hết bài. Ai cũng hồ hởi”.

Được biết, những ngày kỷ niệm về quân đội, Quốc khánh, ngày lễ lớn của dân tộc…, toàn đội thường gác mọi việc nhà để "chạy sô"... diễn giúp. Trong dịp kỷ niệm 22-12, chỉ riêng phục vụ cựu chiến binh ngành pháo cao xạ cũng hai buổi diễn. Trung tuần tháng 12 này, đội biểu diễn chương trình phục vụ gặp mặt truyền thống tổ cựu cán bộ Tổng cục Hậu cần số 22, thật là sống động, với những tiết mục: Hợp ca “Tiến bước dưới quân kỳ”, đơn ca nữ “Nổi lửa lên em”, tốp nam nữ “Hát mãi khúc quân hành”... Kết thúc lại gửi em một khúc dân ca “Người ở đừng về”, thế là dùng dằng đến hết giờ Ngọ vẫn không dứt ra được. Cuối cùng trưởng nhóm phải “xin”, các bác mới đồng ý “Chào tạm biệt và hẹn gặp lại”…

Đại tá Nguyễn Văn Thuận, cựu cán bộ chính trị Tổng cục Hậu cần xem xong chương trình của đội, đưa ra nhận xét chí lý: “Nếu trong chiến tranh có “tiếng hát át tiếng bom” góp phần làm nên chiến thắng thì bây giờ cũng rất cần đẩy mạnh phong trào hát cho nhau nghe “Bài ca xây dựng” trong từng làng bản, phố phường. Có câu “Đàn ngọt hát hay, dẻo tay cày cuốc”. Vậy thì hình thức hoạt động như của đội văn nghệ “Vui là chính” này thật bổ ích”.                                                    

Bài và ảnh: KỲ LIÊM