QĐND - Sáng 13-11, Tổng cục Chính trị (TCCT) tổ chức Lễ khánh thành, trao tặng nhà văn hóa thôn Thâm Tắng, xã Định Biên (Định Hóa, Thái Nguyên). Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm TCCT cùng lãnh đạo Quân khu 1, tỉnh Thái Nguyên… đến dự, cắt băng khánh thành công trình. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ cơ quan TCCT đối với xã Định Biên-nơi có “đại bản doanh” của TCCT trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Thượng tướng Ngô Xuân Lịch cùng lãnh đạo Quân khu 1 và chính quyền địa phương cắt băng khánh thành Nhà văn hóa thôn Thâm Tắng.

Mạch nguồn tình cảm quân dân

Mờ sáng 13-11, Đoàn công tác Cơ quan TCCT lên đường về An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên, khi phố phường Hà Nội còn sáng ánh đèn. Đồi núi dần hiện ra với những nương ngô, sắn, đồi cọ thấp thoáng qua ô kính cửa xe. Định Hóa thêm gần! Đoàn công tác đến thôn Thâm Tắng khi mặt trời vừa nhô lên khỏi những ngọn đồi. Sau vụ mùa bội thu, cán bộ, nhân dân xã Định Biên càng thêm phấn chấn đến dự Lễ khánh thành và bàn giao Nhà văn hóa thôn Thâm Tắng, do TCCT trao tặng. Trong khoảng sân rộng phía trước công trình khang trang, sáng màu sơn mới, có những vạt hoa đỏ thắm bao quanh, nhân dân địa phương và nhiều cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thi công công trình và lực lượng “tiền trạm” của TCCT vui vẻ chuyện trò; tình cảm ấm nồng, vẹn đầy như 64 năm trước, thời điểm Cơ quan TCCT về đây đóng quân và làm việc… Cách xưng hô gần gũi giữa quân-dân như thể họ là những người thân thiết trong ngày gặp mặt.    

Xe dừng bánh, quân-dân địa phương đón Thượng tướng Ngô Xuân Lịch và đoàn công tác bằng những cái bắt tay thật chặt, ánh mắt, nụ cười ấm áp nghĩa tình. Sau khi kiểm tra các hạng mục công trình nhà văn hóa, đồng chí Chủ nhiệm TCCT cùng đoàn công tác đi bộ ngược con dốc được trải bê tông bằng phẳng, hướng về một điểm di tích lịch sử cách đó không xa. Giữa thoang thoảng hương rừng, đứng bên tấm bia đề “Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp”, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch nghe một số vị cao niên của địa phương kể lại những năm tháng đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm TCCT đầu tiên của QĐND Việt Nam cùng Cơ quan TCCT từng sống và làm việc tại đây trong kháng chiến chống Pháp.

Ông Ma Thịnh Kế (73 tuổi), người thôn Đồng Rằm (xã Định Biên) có bố đẻ là cụ Ma Lăng Tương, Trưởng thôn Đồng Rằm trong những năm Cơ quan TCCT về ở và làm việc tại đây. Ông kể: “Ngày ấy bộ đội và nhân dân địa phương gắn bó, giúp đỡ nhau rất nhiệt tình. Nhân dân giúp bộ đội ngụy trang khu làm việc để tránh máy bay địch trinh sát, rồi giúp chất đốt, rau xanh... Các anh bộ đội thì giúp dân gặt lúa, đặc biệt là những gia đình neo người. Những năm ấy, hầu như gia đình nào ở đây cũng nhận một hai chú bộ đội làm con nuôi, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhau yên tâm công tác và lao động sản xuất”.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Huy, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Xí nghiệp 7, Công ty Duyên Hải (Quân khu 3) - đơn vị được giao xây dựng nhà văn hóa luôn bám sát công trình. Theo anh, dù đã nhiều năm trong nghề, đặt chân đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng anh luôn có ấn tượng, tình cảm đặc biệt sâu sắc với bà con nhân dân vùng ATK này. “Có nhiều hôm anh em mải thi công mà chưa kịp nấu ăn, bà con lại sốt sắng mang cơm nước ra tận chân công trình giục anh em ăn để lấy sức làm tiếp” - Thiếu tá Nguyễn Quốc Huy chia sẻ.

Dù đã 64 năm đã trôi qua kể từ ngày Cơ quan TCCT về lập “đại bản doanh” tại vùng đất cách mạng này, cho đến hôm nay những người lính về khảo sát, thi công, trao tặng Nhà văn hóa thôn Thâm Tắng, vẫn thấy tình quân-dân nồng ấm, vẹn nguyên, như dòng chảy lịch sử nối dài theo năm tháng…

Thượng tướng Ngô Xuân Lịch cùng các đại biểu tại Lễ khánh thành Nhà văn hóa thôn Thâm Tắng.

Công trình nặng nghĩa tri ân

Được khởi công xây dựng từ cuối tháng 8-2014, sau gần 3 tháng thi công nỗ lực và trách nhiệm, Nhà văn hóa thôn Thâm Tắng được hoàn thành trên diện tích 430m2, với tổng trị giá gần 1,1 tỷ đồng. Đây là công trình được thiết kế điển hình cho một trung tâm văn hóa nông thôn mới, có kiến trúc đẹp, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Công trình gồm hội trường có diện tích 150m2, quy mô 80 chỗ ngồi, trang bị hệ thống bàn ghế, khánh tiết, âm thanh, ánh sáng hiện đại và đồng bộ; hệ thống sân đường lát gạch kết hợp với thảm cỏ, cây xanh, tường rào, hệ thống cấp nước sạch, cùng các công trình phụ trợ...

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào công trình khang trang trong ngày khánh thành, thì có lẽ khó thấy hết sự quyết tâm, nỗ lực và tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ Cơ quan TCCT, các đơn vị thi công cùng bà con nhân dân địa phương. Đại tá Phạm Nghĩa Tình, Cục trưởng Cục Hậu cần (TCCT) chia sẻ: “Vì thi công trên nền đất yếu, nên móng của nhà văn hóa được thiết kế, thi công rất chắc chắn, bảo đảm bền vững lâu dài; một con suối nhỏ cũng được đơn vị thi nắn dòng để lấy đất xây dựng công trình”. Xác định đây là công trình văn hóa tiêu biểu của tình đoàn kết quân dân giữa TCCT và cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu thi công đặt mục tiêu chất lượng, tiến độ lên hàng đầu.

Đứng trước nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp, anh Lý Văn Thư, Trưởng thôn Thâm Tắng nói với tôi: “Trước đây, thôn từng có nhà văn hóa, song xa khu dân cư, thường xuyên bị ngập úng, nên đã bị hư hỏng nặng. Khi được TCCT đầu tư xây tặng nhà văn hóa, bà con rất phấn khởi, hăng hái đóng góp ngày công xây dựng công trình. Đây sẽ là nơi tổ chức hội họp, tuyên truyền, sinh hoạt văn hóa văn nghệ và đọc sách báo của bà con nhân dân trong thôn”. Cùng chung niềm vui, niềm phấn khởi ấy, ông Ma Thịnh Tình, Phó chủ tịch UBND xã Định Biên, cho biết: “Nhà văn hóa được TCCT trao tặng địa phương lần này khang trang, hiện đại, tiện nghi hơn nhiều so với 12 nhà văn hóa của các thôn trong xã. Món quà ý nghĩa này mang lại niềm vui rất lớn cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương”.

Không chỉ hỗ trợ nhân dân xây dựng nhà văn hóa mà theo Đại tá Nguyễn Đức Cương, Trưởng phòng Bảo vệ-an ninh-dân vận, Cục Chính trị, TCCT: Trong 5 năm gần đây, các cơ quan, đơn vị thuộc TCCT đã xây dựng 8 nhà đồng đội và 10 nhà tình nghĩa; làm 1km đường bê tông dẫn vào Khu di tích Hầm 5 cửa (nơi đồng chí Nguyễn Chí Thanh từng sống và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp), tổng trị giá gần 3 tỷ đồng.

Nhân dịp này, Thủ trưởng TCCT đã trao quà tặng các đối tượng chính sách trên địa bàn xã. Trước khi Đoàn công tác của TCCT chia tay bà con nhân dân địa phương, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch bày tỏ niềm vui, niềm xúc động, bởi Cơ quan TCCT thêm một lần được tri ân vùng đất lịch sử-cách mạng từng chở che, đùm bọc, giúp đỡ Cơ quan TCCT trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ. Đồng chí Chủ nhiệm TCCT mong rằng, cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương sẽ quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả công trình nhà văn hóa, góp phần từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, xây dựng vùng căn cứ cách mạng ATK ngày càng văn minh, giàu đẹp .

Bài và ảnh: HOÀNG HÀ – DUY THÀNH