QĐND Online - Quá trình thực hiện nhiệm vụ trinh sát, đo đạc trên các điểm cao khắp miền Tây Bắc, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn pháo binh 22 (Bộ Tham mưu, Quân khu 2) đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương giúp đỡ nhân dân làm nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa. Cũng nhờ sự đùm bọc, giúp đỡ tận tình của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân các địa phương, đơn vị đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tâm tình chiến sĩ đo đạc
Trung tá Nguyễn Xuân Hải, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Chỉ huy pháo binh 22 đã có 15 năm liên tục làm nhiệm vụ trinh sát đo đạc lập mạng khống chế pháo binh. Bước chân của anh đã in dấu trên khắp các điểm cao Tây Bắc và hình ảnh nhiều địa danh, thôn bản, ngọn núi, mỏm đồi, con suối, bìa rừng của đại ngàn Tây Bắc đều in đậm trong tâm trí anh. Do nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và nguy hiểm, nên mỗi đợt cử bộ đội đi trinh sát địa hình, Tiểu đoàn thường huy động lực lượng từ 25 đến 30 cán bộ, chiến sĩ. Thời gian công tác có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng, tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết và đặc điểm địa hình. Công việc của các chiến sĩ trinh sát pháo binh vốn đã mang tính đặc thù, địa bàn hoạt động của các anh cũng cũng hết sức đặc biệt, chủ yếu là những nơi có núi cao hiểm trở, rừng rậm âm u; cũng có khi họ phải vượt qua những dòng suối sâu với lởm chởm đá nhọn, những con sông rộng, nước chảy xiết...
 |
Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 22 thực hiện nhiệm vụ.
|
Giải thích về nhiệm vụ mang tính đặc thù này, Đại uý Đỗ Văn Binh, Đại đội trưởng Đại đội trinh sát đo đạc chia sẻ: Nhiệm vụ của đơn vị là trinh sát, đo đạc và xác định vị trí cắm mốc khống chế, chuẩn bị cho các tình huống tác chiến pháo binh có thể xảy ra. Sau khi đã xác định trên bản đồ hai vị trí cần phải cắm mốc, theo phương pháp cắt góc phương vị, bộ đội sẽ tiến hành thông tuyến, thông hướng, tức là phải xác định một đường thẳng duy nhất từ vị trí cột mốc A đến cột mốc B. Tiếp đó là giai đoạn thi công cột mốc, đây có thể coi là một trong những công đoạn vất vả nhất của người lính trinh sát pháo binh.
Do hầu hết các mốc cắm đều được đặt ở các vị trí núi cao hiểm trở, vì vậy, việc vận chuyển các trang thiết bị máy móc, vật liệu như xi măng, cát sỏi, nước để tiến hành đổ bê tông chân cột luôn là một thử thách đối với mỗi người lính trinh sát pháo binh. Đặc biệt, vào những ngày thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, hay những khi mưa lớn gây sạt lở đất, lũ lụt, cán bộ nhân viên, chiến sĩ các tổ vẫn phải bám trụ địa bàn, cùng nhau khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ được giao.
Đồng chí Binh cho biết thêm, trung bình một tổ làm nhiệm vụ chỉ có 4 đến 5 cán bộ, chiến sĩ, trong khi phải vận chuyển rất nhiều trang thiết bị và vật liệu nặng. Riêng chiếc cột khống chế đã nặng ngót 70kg, anh em phải thay nhau khiêng bằng đòn, khi thì phải vượt lên các đoạn đồi dốc trơn trượt, lúc lại phải “chui” qua những vạt rừng rậm rạp um tùm, đầy gai và muỗi vắt; vừa đi vừa tiến hành mở đường, thông tuyến. Nhiều khi có tổ không xác định được phương hướng, không có sóng điện thoại, nên phải ngủ lại giữa rừng chờ trời sáng…
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Dũng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 22 chia sẻ, quá trình cán bộ chiến sỹ đơn vị làm nhiệm vụ gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ ở những địa hình phức tạp. Như vào tháng 8 - 2011, đơn vị thực hiện nhiệm vụ tại khu vực núi Pao, thuộc huyện Mường Lói, tỉnh Điện Biên, sau khi xác định được điểm đặt mốc, anh em cán bộ, chiến sĩ phải thay phiên nhau hành quân bộ gần 10km vận chuyển vật liệu từ đường lớn vào vị trí cắm mốc, vừa đi vừa phát lối, mở đường bởi suốt quãng đường đi đều là rừng rậm, cỏ dại mọc quá đầu người. Hay tại một điểm cao khác thuộc xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, Lào Cai, do thời tiết mưa nhiều, lại sương mù, bộ đội phải hành quân lên xuống tới 5 lần mới hoàn thành nhiệm vụ đổ cột mốc khống chế.
Dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, thời gian công tác dài ngày, tuy nhiên, do biết dựa vào dân, được nhân dân tích cực giúp đỡ, nên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 22 đã khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
 |
Quân y Tiểu đoàn 22 khám chữa bệnh cho đồng bào tại điểm dừng chân thuộc huyện Mường Lói, tỉnh Điện Biên.
|
Do đặc thù nhiệm vụ, nên 100 % cán bộ, chiến sĩ đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều phải liên hệ ở nhờ nhà dân. Thiếu tá QNCN Hà Minh Đức, nhân viên lái xe, đã có nhiều năm đưa cán bộ, chiến sĩ đơn của vị đi thực hiện nhiệm vụ trên các điểm cao Tây Bắc. Trong anh, những tình cảm mà nhân dân các dân tộc Tây Bắc dành cho bộ đội pháo binh Quân khu 2 trong mỗi chuyến công tác vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ. Dù thời gian trôi qua đã hơn 3 năm, nhưng anh vẫn còn ấn tượng mãi với tình cảm mà gia đình ông Lù Văn Choi, dân tộc Thái, ở bản Sà Choong, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu dành cho bộ đội. Theo lời anh kể, trong lần hành quân đến địa bàn xã Tả Phìn, tổ của anh gồm 5 cán bộ, chiến sĩ, được phân công đến ở nhờ gia đình ông Choi. Đó là một căn nhà sàn nhỏ, khá chật chội, có một chái nhỏ bên sườn dùng làm kho chứa. Khi đón bộ đội đến ở, hai vợ chồng ông vội dọn sạch cái chái rồi chuyển vợ con sang đó ở tạm, nhường chiếc giường lớn và căn nhà cho bộ đội. Thiếu tá Hà Minh Đức và anh em chiến sĩ thấy không đành lòng nên nhất định từ chối, chỉ xin ở nhờ bên căn chái, nhưng ông Choi kiên quyết: “Vợ chồng mình chịu rét một tý cũng được. Bộ đội dưới xuôi lên không quen khí hậu đâu, nhỡ mà ốm ra đấy thì sao làm nhiệm vụ được. Cứ ở đây đi, một vài ngày nào có đáng kể gì…”.
Nhà ông Lò Văn Choi nằm ngay gần bờ suối Nậm Na. Gọi là suối, nhưng thực tế dòng Nậm Na có đoạn rộng cả đến trăm mét, nước chảy cuồn cuộn. Tổ đo đạc của anh Đức lại thực hiện nhiệm vụ đúng thời điểm nơi đây vừa qua những ngày mưa lớn kéo dài, vì vậy, nước dòng Nậm Na dềnh cao hơn mức bình thường, trong khi đó, vị trí đặt mốc được xác định ở bên kia bờ suối. Đang loay hoay, tính toán cách vượt qua dòng suối hung dữ thì ông Lò Văn Choi đề xuất: “Để mình đưa bộ đội sang suối, mình vẫn hằng ngày bắt cá ở con suối này, quen thuộc với nó rồi”. Thế là, bất chấp những dòng nước xoáy nguy hiểm, ông Choi dùng chiếc thuyền độc mộc duy nhất của gia đình đưa từng cán bộ, chiến sĩ cùng toàn bộ các trang thiết bị vượt qua con suối dữ, kịp hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian.
Đại uý Nguyễn Đăng Khoa, Chính trị viên Tiểu đoàn 22 không thể quên những kỷ niệm trong lần đơn vị dừng chân làm nhiệm vụ ở xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Anh kể, một lần đơn vị đi trinh sát địa hình qua điểm Trường Tiểu học xã Huổi Lèng đúng vào ngày mưa lớn. Khi trú chân trong ngôi trường dột nát, các anh chứng kiến cảnh nước đọng thành vũng từ ngoài sân đến trong lớp học; đặc biệt, khi chứng kiến các cháu học sinh chân trần lội bùn bì bõm trong sân trường, các anh không khỏi xót xa.
Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, Ban chỉ huy Tiểu đoàn đã nhanh chóng họp bàn, quyết định quyên góp ủng hộ các cháu học sinh điểm trường Huổi Lèng số tiền 5 triệu đồng. Vận động địa phương ủng hộ thêm 15 triệu đồng nữa. Toàn bộ số tiền này được “quy ra” vật liệu, gồm xi măng, cát, sỏi, kết hợp với 40 ngày công của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, các anh cùng với lực lượng dân quân xã tiến hành đổ bê tông đường nội bộ cho điểm trường với tổng chiều dài hơn 100m, tu sửa lại toàn bộ mái các lớp học, đào đắp gần 1km đường dẫn vào trường cho các cháu đi học được thuận lợi. Khi chia tay các anh bộ đội, cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trưởng Tiểu học Huổi Lèng xúc động bày tỏ: “Các chú đúng là Bộ đội Cụ Hồ, đi đến đâu cũng thấu hiểu lòng dân, tận tình giúp đỡ nhân dân. Nếu không có các chú bộ đội thì không biết đến bao giờ các cháu học sinh nhà trường mới có đường đi lối lại phong quang, sạch sẽ như thế này…”.
Theo Trung tá Nguyễn Xuân Hải, Tiểu đoàn trưởng, một lần đơn vị hành quân qua xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Do nắm không chắc địa bàn, nên cán bộ, chiến sĩ đã đi qua khu rừng cấm (hay còn gọi là rừng ma) của đồng dân tộc bào La Chí. Đến giữa rừng, bộ đội bị bà con chặn lại và bắt đền, phạt con lợn…một tạ. Trước tình hình đó, chỉ huy đơn vị đã đứng ra xin lỗi đồng bào, đồng thời nhờ địa phương giúp đỡ. Đồng chí Hoàng Văn Đông, Trưởng bản Lùng Vai, xã Thanh Bình được cử đến giải thích cho bà con nhân dân hiểu về nhiệm vụ bộ đội đang làm. Và điều đặc biệt là nhân dân không những không bắt đền bộ đội nữa mà còn mang nhiều hoa quả, quà bánh động viên các anh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khiến ai cũng bất ngờ, xúc động…
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG