QĐND - Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từng bước đánh bại kẻ thù xâm lược có sức mạnh hơn mình gấp nhiều lần, viết nên truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng”, trở thành Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Có nhiều nhân tố góp phần vào sự lớn mạnh và trưởng thành của QĐND Việt Nam, trong đó sự ủng hộ, giúp đỡ từ Chính phủ, Quân đội và nhân dân Trung Quốc là một dấu ấn quan trọng.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam bùng nổ, nước CHND Trung Hoa chưa ra đời, hai nước Việt-Trung chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc chưa có điều kiện giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam, thì ngay từ những năm 1948-1949, Việt Nam đã giúp lương thực, thực phẩm và súng đạn cho biên khu Điền Quế (Vân Nam-Quảng Tây), phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc mở rộng khu giải phóng biên khu Việt Quế (Quảng Đông-Quảng Tây). Các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc đã ghi nhận và cảm kích trước sự giúp đỡ của Việt Nam. Năm 1950, trong buổi tiếp đại diện Đảng và Chính phủ Việt Nam, đồng chí Chu Ân Lai xúc động nói: “Trong lúc Việt Nam vừa nghèo vừa phải gian khổ kháng chiến, lẽ ra phải được Trung Quốc giúp đỡ, thế mà các đồng chí đã hết lòng giúp đỡ Trung Quốc”.

Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18-1-1950, mặc dù còn khó khăn về mọi mặt, nhưng Trung Quốc đã dành cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ thiết thực.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp Đoàn thân nhân gia đình các đồng chí cố vấn quân sự Trung Quốc tại Hà Nội ngày 24-4-2014. Ảnh: QUANG THÁI.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, tháng 4-1950, hai trung đoàn của Đại đoàn 308 sang Mông Tự, Vân Nam, tiếp đó một trung đoàn của Đại đoàn 312 sang Quảng Tây nhận vũ khí. Trung Quốc cũng nhanh chóng chở vũ khí sang Cao Bằng để trang bị tiếp cho hai trung đoàn khác đang phải đối phó với địch trên chiến trường. Để giải quyết công tác đảm bảo hậu cần cho bộ đội Việt Nam trên đất Trung Quốc và tăng cường công tác vận chuyển vật tư viện trợ Việt Nam, ngày 6-8-1950, Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã thành lập Văn phòng ở Nam Ninh.

Nhờ có sự giúp đỡ của Trung Quốc, tính đến tháng 6-1950, số cán bộ Việt Nam sang Trung Quốc học tập là 3.100 người. Theo thống kê của Việt Nam, đến hết năm 1950, Việt Nam đã tiếp nhận của Trung Quốc 3.983 tấn hàng viện trợ, trong đó có 1.020 tấn súng đạn, 161 tấn quân trang, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 71 tấn hàng quân giới, 30 xe vận tải Mô-lô-tô-va, 2.634 tấn gạo. Số hàng viện trợ này tuy chỉ chiếm 18,5% tổng số vật chất mà QĐND Việt Nam sử dụng trong năm 1950, nhưng đã góp phần trang bị và làm tăng sức mạnh chiến đấu của một số đơn vị chủ lực trên chiến trường chính Bắc Bộ.

Trong hai năm 1951 và 1952, viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Trung Quốc, cho Việt Nam được duy trì thường xuyên và tương đối đều đặn.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, với tinh thần và ý chí quyết chiến quyết thắng, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, quân-dân Việt Nam đã giành thắng lợi vang dội. Góp phần vào thắng lợi to lớn đó, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc. Trung Quốc đã chi viện cho chiến dịch 3.600 viên đạn pháo 105mm, là số đạn đi theo 24 khẩu pháo viện trợ đưa về Việt Nam từ cuối năm 1953, chiếm 18% tổng số đạn pháo sử dụng trong chiến dịch. Trong những ngày cuối chiến dịch, Trung Quốc còn giúp thêm một tiểu đoàn ĐKZ 75mm và 12 dàn hỏa tiễn (cachiusa) 6 nòng. Đây là hỏa lực mạnh nhất mà Việt Nam có được lúc bấy giờ và kịp thời tham gia đợt tổng công kích cuối cùng diễn ra chiều 6-5-1954, phát huy tác dụng rất lớn cho trận đánh quyết định ở Điện Biên Phủ.

Ngoài ra, Trung Quốc còn cử đoàn cố vấn quân sự và chính trị sang Việt Nam. Để giữ bí mật, đoàn cố vấn quân sự lấy tên là Đoàn công tác Hoa Nam gồm 79 người do đồng chí Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn. Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc cử một đoàn cố vấn quân sự ra nước ngoài. Ngoài đoàn cố vấn quân sự, Trung Quốc còn cử đồng chí Trần Canh (nguyên Phó tư lệnh cánh quân Tây Nam, Tư lệnh Quân khu Vân Nam) cùng một số cán bộ quân sự, trực tiếp làm cố vấn trong một số chiến dịch của QĐND Việt Nam. Ghi nhận công lao này, ngày 2-9-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đến nơi ở của đoàn cố vấn Trung Quốc để trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng các đồng chí: Vi Quốc Thanh, La Quý Ba, biểu dương tinh thần quốc tế vô sản của các đồng chí trong đoàn cố vấn, cảm ơn sự giúp đỡ mà Đảng Cộng sản, Chính phủ Trung Quốc đã dành cho Việt Nam trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ cuối năm 1954, đầu năm 1955, ngay khi miền Bắc vừa được giải phóng, nhân dân Việt Nam gặp khó khăn về mọi mặt, Tổng hội Cứu tế Trung Quốc đã kịp thời gửi 10.000 tấn gạo, 5 triệu thước vải cho nhân dân Việt Nam. Đó là nguồn động viên và trực tiếp góp phần giúp nhân dân miền Bắc vượt qua những ngày đầu khó khăn sau giải phóng.

Cùng với sự giúp đỡ về lương thực, phát huy tình đoàn kết trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung Quốc đã nhận đào tạo ngắn hạn và dài hạn hàng nghìn học viên Việt Nam tại các cơ sở đào tạo của Trung Quốc. QĐND Việt Nam còn nhận được một khối lượng vũ khí, đạn dược, trang thiết bị kỹ thuật và hậu cần tương đối lớn từ Trung Quốc. Nguồn vũ khí, trang thiết bị chiến tranh đó đã được khẩn trương bổ sung, trang bị cho các đơn vị trong lực lượng vũ trang, góp phần phục vụ trực tiếp công tác huấn luyện và nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của QĐND Việt Nam.

Sự ủng hộ, giúp đỡ của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đối với QĐND Việt Nam đến nay vẫn là dấu ấm sâu đậm của tình hữu nghị Việt-Trung. Đó cũng là tài sản quý giá cần được gìn giữ, phát huy trong giai đoạn cách mạng mới.

LÊ NGUYÊN AN