QĐND Online - Sau chiến dịch Bình Giã, nguy cơ thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Việt Nam cộng hòa ngày càng rõ rệt; tinh thần, ý chí quân đội Sài Gòn ngày càng sa sút. Tháng 3-1965, Mỹ điều hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ số 1 và số 3 thuộc lữ đoàn hải quân viễn chinh số 9 đổ bộ vào Đà Nẵng. Mùa Hè năm 1965, Mỹ gấp rút đưa vào miền Nam lữ đoàn dù 173, lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 3, số 4 thuộc sư đoàn 3 thủy quân lục chiến, nâng tổng số quân Mỹ trên chiến trường miền Nam lên 82.000 tên vào cuối tháng 5. Qua đây, Mỹ tham vọng tạo ra một thế chiến lược mới thay cho “chiến tranh đặc biệt” sắp bị đổ vỡ, tiếp tục nuôi hy vọng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Đối với ta, sau chiến dịch Bình Giã, ta hiểu rằng chỉ có bằng sức mạnh lực lượng quân sự kết hợp với cuộc đấu tranh chính trị to lớn của hàng triệu quần chúng mới có thể giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở đó, không những chỉ có phong trào du kích chiến tranh mạnh mà phải có quả đấm rất mạnh ở vùng chiến trường quan trọng nhất của địch, quả đấm đó phải đấm vào chủ lực địch từ tổng trù bị đấm xuống. Nhận thức rõ vấn đề này, ở Nam Bộ ta xây dựng thêm 2 trung đoàn (3 và 4), bộ đội chủ lực Miền được trang bị thêm súng AK, súng chống tăng B40; trên chiến trường Khu 5, khối chủ lực cũng tăng lên đến 5 trung đoàn. Nhiệm vụ chiến lược đặt ra lúc này cho Quân giải phóng là phải nhanh chóng thực hiện thêm những đòn đánh tiêu diệt lực lượng tinh nhuệ của quân đội Sài Gòn làm cho chúng suy sụp hơn nữa, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Sơ đồ Chiến dịch Đồng Xoài.

Trên địa bàn Đồng Xoài và hai tỉnh Bình Long, Phước Long (Đông Nam Bộ), quân đội Sài Gòn với quân số rất đông, trang bị mạnh, chúng có 9 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn biệt động, 1 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn và 7 đại đội bảo an, 21 đại đội biệt kích, 1 chi đoàn thiết giáp. Với lực lượng đông đảo này, chúng tiến hành chương trình bình định nông thôn tại đây, tạo sự căm phẫn sâu sắc trong bộ phận quần chúng nhân dân yêu nước.

Trong bối cảnh đó, Trung ương Cục, Quân ủy Miền quyết định mở chiến dịch Đồng Xoài với quy mô cấp tương đương sư đoàn tăng cường, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn các tỉnh Phước Long, Bình Long và phía Bắc tỉnh Bình Dương; phối hợp trên địa bàn bốn tỉnh Lâm Đồng, Bình Tuy, Long Khánh, Biên Hòa.

Tham gia chiến dịch Đồng Xoài, ta huy động 3 trung đoàn bộ binh (271, 272, 273), và tiểu đoàn 840 cùng lực lượng vũ trang địa phương có nhiệm vụ mở màn chiến dịch. Hướng phối hợp ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Tuy, Long An, Biên Hòa, Bà Rịa, tại đây ta sử dụng 1 trung đoàn (thiếu 1 tiểu đoàn) và 1 tiểu đoàn của Quân khu 6, có nhiệm vụ đánh phá giao thông, phân tán lực lượng địch.

Để tổ chức chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch, Trung ương Cục quyết định thành lập Bộ tư lệnh chiến dịch gồm: Tư lệnh Lê Trọng Tấn, Chính ủy Trần Độ, Phó tư lệnh Hoàng Cầm và Tham mưu trưởng Nguyễn Thế Bôn. Chiến dịch Đồng Xoài diễn ra từ ngày 10-5 đến ngày 22-7-1965, được chia làm 3 đợt:

Đợt 1, từ 10 đến 31-5-1965.

Với mục tiêu đánh điểm để kéo viện, đêm 10, rạng sáng 11-5, tiểu đoàn bộ binh 1/e271 cùng tiểu đoàn bộ binh 840 và đặc công tiến công thị xã Phước Long. Đồng thời tiểu đoàn 1/e272 được pháo binh chi viện, tiến công tiêu diệt chi khu quân sự Phước Bình. Địch đưa 4 tiểu đoàn đến giải tỏa (đổ bộ đường không, đường bộ). Do ta nắm địch chưa chắc, chuẩn bị phương án chưa chu đáo, nên không tiêu diệt được tiểu đoàn nào của địch.

Trên hướng phối hợp, ta tổ chức đánh địch trên đường số 2, 13 và 14.

Đợt 2, từ  ngày 9 đến 20-6-1965.

Với quyết tâm cao, ta lập thế để đánh trận then chốt, tiêu diệt sinh lực địch, đặc biệt khi chúng tổ chức ứng cứu.

Rút kinh nghiệm đợt 1, Bộ tư lệnh chiến dịch đã sử dụng trung đoàn 272 cùng tiểu đoàn 2/e273 được pháo binh chi viện, đêm 9-6 tiến công tiêu diệt chi khu Đồng Xoài. Sau đó, ta liên tiếp đánh quân địch đến ứng cứu, giải tỏa. Tiêu diệt gọn 3 tiểu đoàn địch trong khu vực Đồng Xoài, Thuận Lợi, Phú Riềng.

Trên hướng phối hợp, ta đánh địch trên đường số 2, 13, 14; đồng thời tiến công trại huấn luyện biệt kích ở Gia Ray. Khiến lực lượng địch bất ngờ, bị động, lòng quân rệu rã, nhuệ khí giảm sút nhanh chóng.

Đợt 3, từ 24-6 đến 22-7-1965.

Ta tiếp tục tiến công quân địch ở Bù Đốp, tập kích cụm quân địch ở Bàu Bàng và đánh địch trên đường số 13, 15.

Binh lính của tiểu đoàn kỵ binh số 52 - Quân Lực Việt Nam cộng hòa bên trái và 1 cố vấn quân sự Hoa Kỳ bên cạnh xác một chiếc trực thăng bị quân Giải phóng bắn rơi. Ảnh tư liệu.

Đến ngày 22-7-1965, ta chủ động kết thúc chiến dịch.

Sau hơn 2 tháng chiến đấu oanh liệt, quân ta đã tiêu diệt 4 tiểu đoàn (d7 dù, d1, d2/e7, d4/e1), 24 đại đội, 6 chi đội cơ giới, 4 phân đội kỹ thuật, loại khỏi vòng chiến đấu 4.459 tên, thu 1.652 súng các loại, phá 390 súng và 60 xe cơ giới, bắn rơi 34 máy bay các loại, phá 76 ấp chiến lược, giải phóng 56 ngàn dân, tổ chức được 180 du kích, vận động được 350 thanh niên tòng quân, góp phần thúc đẩy chiến tranh du kích tại địa bàn lên một bước mới.

Tuy có những hạn chế như chiến dịch mở trên địa bàn quá rộng so với quy mô lực lượng, nên tổ chức hệ thống thông tin chỉ huy chưa vững chắc, tổ chức nắm địch chưa chặt chẽ, liên tục, lại bị động khi địch đổ quân, chỉ huy lúng túng dẫn đến lỡ thời cơ, làm hạn chế kết quả chiến dịch.
 
Nhưng chiến dịch Đồng Xoài đã cho thấy bước phát triển cao hơn chiến dịch Bình Giã, bộ đội chủ lực Miền đã có nhiều tiến bộ trong đánh tiêu diệt, đánh công kiên. Trình độ tổ chức và điều hành chiến dịch của đội ngũ cán bộ đã có tiến bộ rõ rệt, ta đã tiêu diệt được một bộ phận sinh lực trong đó có các đơn vị tinh nhuệ (tiểu đoàn 7 và 4). Trình độ hiệp đồng trong tác chiến vận động đã có tiến bộ nhất là lần đầu tiên ta đã đánh công kiên giành thắng lợi. Chiến dịch Đồng Xoài là sự phát triển của nghệ thuật chiến dịch tiến công, trong đó phải kể đến nghệ thuật mở màn và câu viện. Trong chiến dịch này, ta đã khéo kéo kết hợp giữa đánh điểm và diệt viện, giữa đánh địch trong công sự với diệt địch ngoài công sự. Vai trò đánh điểm đã thể hiện cả hai chức năng: Vừa câu viện vừa diệt sinh lực địch trong công sự vững chắc.

Thắng lợi của chiến dịch Đồng Xoài đã làm cho tình hình Việt Nam cộng hòa vốn đã phức tạp, nay ngày càng thêm rối loạn. Cùng với chiến thắng ở Việt An, Đèo Nhông, Dương Liêu, Ba Gia, chiến thắng Đồng Xoài đã góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tổ chức chuẩn bị và tác chiến tập trung tiêu diệt chiến đoàn quân đội Sài Gòn của lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam Việt Nam.

NGUYỄN NGỌC TOÁN (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)