QĐND - Tại Nhà trưng bày Chiến thắng Đồn Phai Khắt (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) có một hiện vật đặc biệt. Đó là chiếc màn cũ, bị thủng lỗ chỗ nhiều vết đạn. Theo lời giới thiệu của chị Nông Thị Bích, nhân viên nhà trưng bày, đây là chiếc màn mà hai anh em ruột cụ Tô Đình Cắm-một trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) từng sử dụng khi hoạt động bí mật, trước khi đồng chí Tô Đình Cắm trở thành đội viên Đội VNTTGPQ (tháng 12-1944). Chiếc màn được gia đình đồng chí Tô Đình Hải, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tam Kim (là cháu ruột của cụ Tô Đình Cắm) trao tặng Nhà trưng bày Chiến thắng Đồn Phai Khắt-trận thắng đầu tiên của Đội VNTTGPQ.
 |
Ông Tô Đình Hải trao chiếc màn kỷ vật của gia đình tặng Nhà trưng bày Chiến thắng Đồn Phai Khắt.
|
Tìm gặp đồng chí Tô Đình Hải, chúng tôi được đồng chí kể cho nghe câu chuyện cảm động, đầy tự hào về người cha của mình-ông Tô Văn Tung (bí danh là Tô Đình Túy) và chú ruột Tô Tiến Lực (tức Tô Đình Cắm) trong thời gian hai người hoạt động bí mật, tham gia tuyên truyền, gây dựng phong trào cách mạng ở địa phương. Về chiếc màn bị thủng bởi nhiều vết đạn, đồng chí Hải từng được cha mình khi còn sống nhiều lần kể lại. Theo đồng chí Hải, bố và chú Tô Tiến Lực sớm đi theo Việt Minh, tích cực nắm tình hình địch và tuyên truyền vận động nhân dân ủng hộ cách mạng. Bọn lính dõng biết vậy, chúng ngày đêm quyết lùng bắt cho được hai anh em và còn công khai treo thưởng: “Ai lấy được đầu hai anh em Tung-Lực sẽ được thưởng 20 cân muối”. Do vậy, hai anh em phải trốn vào rừng sâu hoạt động và tìm được một hang đá, dựng tạm chiếc lán nhỏ để trú ngụ; hằng ngày, được người nhà tiếp tế cơm nước. Để đề phòng địch vây bắt, hai anh em vẫn mắc màn trong hang đá, nhưng thường đi về, tá túc ở một địa điểm bí mật khác gần đó. Quả nhiên, một lần nhận được tin cấp báo của quần chúng, hai anh em vừa kịp chạy mỗi người một ngả thì bọn lính dõng ập đến. Không tìm bắt được “hai tên Việt Minh”, bọn lính tức tối phá tan chiếc lán và bắn liên tiếp vào chiếc màn rồi bỏ đi. Hai anh em trốn trong rừng gần một tuần mới tìm lại được nhau, cùng trở về hang đá, thu lại được chiếc màn bị thủng nhiều vết đạn.
- Một thời gian sau, chú Tô Tiến Lực được chọn vào Đội VNTTGPQ, còn bố tôi đi làm cán bộ chính trị, hoạt động ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn-đồng chí Hải kể tiếp. Năm 1947, ông được cấp một khẩu súng ngắn. Sau này, ông là Huyện ủy viên, Trưởng phòng Thương nghiệp huyện và đã mất năm 1976. Khẩu súng cùng chiếc màn bị thủng nhiều vết đạn được gia đình cất giữ cẩn thận suốt hàng chục năm qua và cuối tháng 5-2014 đã trân trọng trao tặng Nhà trưng bày Chiến thắng Đồn Phai Khắt.
Bài và ảnh: MINH ANH-ĐỨC TUẤN