QĐND - Bộ đội Cụ Hồ - tên gọi bình dị nhưng vô cùng cao quý mà nhân dân đã dành cho quân đội ta. Đó là niềm tự hào, là di sản tinh thần vô giá đồng thời là thước đo, chuẩn mực đạo đức đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến nói lên niềm vinh dự, tự hào ấy.

Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện

Bộ đội Cụ Hồ là danh xưng, danh hiệu cao quý mà nhân dân dành cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Xây dựng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ chính là mục tiêu giáo dục, rèn luyện đạo đức người quân nhân cách mạng, luôn trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại tá, TS Nguyễn Văn Thanh (Phó chủ nhiệm Khoa Triết học, Học viện Chính trị)

Muốn làm được điều đó, mỗi quân nhân phải tự tu dưỡng, rèn luyện trong cuộc sống, học tập và công tác, đề cao tự phê bình và phê bình theo tấm gương  đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ".

Đại tá, TS Nguyễn Văn Thanh (Phó chủ nhiệm Khoa Triết học, Học viện Chính trị)

-----------------

Bồi đắp niềm tin yêu quân đội anh hùng trong học sinh, sinh viên

Từ nhiều năm nay, việc giáo dục truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cho học sinh, sinh viên luôn được ngành giáo dục-đào tạo đặc biệt quan tâm. Trong chương trình tiểu học và trung học cơ sở, nội dung này được lồng ghép vào các môn học Lịch sử, Địa lý, Tiếng Việt, Giáo dục công dân. Còn ở bậc trung học phổ thông, nội dung này được tổ chức trong một môn học riêng, trong đó chú trọng đến việc giáo dục nhận thức về quốc phòng; giáo dục lịch sử truyền thống của đất nước, dân tộc, các LLVT nhân dân và của địa phương. Đối với các trường trung cấp, cao đẳng và đại học, chương trình giáo dục truyền thống đã được nâng cao hơn với những nội dung về nghệ thuật quân sự Việt Nam, về phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”... Nhiều nhà trường còn thường xuyên tổ chức cho học sinh, sinh viên đi tham quan các khu di tích, bảo tàng lịch sử, giao lưu kết nghĩa với các đơn vị quân đội.

Thiếu tướng, TS, NGND Nguyễn Thiện Minh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Hun đúc trong các em niềm tin, niềm tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cũng chính là cách bồi đắp lòng yêu nước hiệu quả.

Thiếu tướng, TS, NGND Nguyễn Thiện Minh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo)

-------------

Luôn là chỗ dựa của đồng bào vùng biên giới

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 145km đường biên giới, 137km tuyến biển. Những năm qua, cùng với việc bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh còn tích cực tham gia phòng, chống thiên tai, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Thượng tá Võ Trọng Hải (Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Hà Tĩnh)

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống của đơn vị hai lần được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, chúng tôi thường xuyên quán triệt tới mọi cán bộ, chiến sĩ phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, tích cực, chủ động tham gia các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong chương trình “BĐBP Hà Tĩnh chung tay xây dựng nông thôn mới”, chúng tôi đã kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp được hơn 14 tỷ đồng để giúp đỡ các địa phương; trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ xã Sơn Kim 1 thuộc huyện Hương Sơn đạt tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2014... Những hoạt động đó giúp hình ảnh người lính quân hàm xanh trở nên gần gũi, là chỗ dựa của đồng bào biên giới.

Thượng tá Võ Trọng Hải (Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Hà Tĩnh)

---------------

Tự hào là người lính của Sư đoàn Quân Tiên Phong

Chúng tôi rất vinh dự, tự hào được công tác ở Sư đoàn 308 (tiền thân là Đại đoàn Quân Tiên Phong, thành lập ngày 28-8-1949), sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Với lịch sử chiến đấu, xây dựng vẻ vang, Sư đoàn 308 thực sự là trường học lớn, giáo dục rèn luyện nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ trung thành, mưu lược, dũng cảm, gương mẫu; nhiều cán bộ, chiến sĩ vinh dự được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân…

Thượng úy Đặng Quang Dương (Chính trị viên phó Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 308)       

Hiện nay, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, tham gia phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh tăng gia sản xuất; quản lý, bảo quản vũ khí trang bị, xe máy… Sư đoàn còn được Đảng, Nhà nước, Quân đội tin tưởng giao nhiệm vụ “làm điểm, làm mẫu” thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quân sự. Đầu tháng 12-2014, sư đoàn vinh dự được đón Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN và Đoàn đại biểu Hội nghị Hạ sĩ quan Quân đội các nước ASEAN đến tham quan đơn vị.    

Cán bộ, chiến sĩ chúng tôi rất vinh dự và tự hào về truyền thống “Tiên phong, anh dũng, đoàn kết, kỷ luật, thần tốc, quyết chiến, quyết thắng” và nguyện mãi xứng danh là người lính của Sư đoàn 308.

Thượng úy Đặng Quang Dương (Chính trị viên phó Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 308)       

KIM DUNG, HUYỀN TRANG, KIÊN THÁI, ĐỨC THỊNH (ghi)