Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, rất nhiều hàng binh Pháp như trung úy Giăng Giắc Bu-clê, có nhận xét rằng, những gì mà ông ta đã trải qua là “điều có một không hai trong biên niên sử tù binh của mọi thời đại”...
Nhằm cung cấp thêm tư liệu để bạn đọc nhìn nhận cuộc chiến này ở một góc độ khác, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những hồ sơ tài liệu lưu trữ về cảm tưởng của hàng binh Pháp đối với những người chiến thắng-Quân đội nhân dân Việt Nam. Những dòng cảm tưởng đều do chính các sĩ quan và binh lính trong quân đội viễn chinh Pháp tự tay viết trong thời gian bị bắt làm tù binh hoặc đầu hàng tại nhiều mặt trận và được trao trả tự do trong nhiều đợt.
Ngạc nhiên trước sự đối đãi khoan hồng, nhân đạo
Khi đối đầu với Quân đội nhân dân Việt Nam, binh lính Pháp liên tục đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong chiến đấu, họ từng hết sức ngạc nhiên vì sao quân đội Việt Nam với những con người nhỏ bé, vũ khí thô sơ lại có thể dũng cảm, kiên cường và tinh thần quyết chiến, quyết thắng đến vậy! Khi bại trận, bị bắt làm tù binh, họ lại càng ngỡ ngàng trước thái độ, cách đối xử và chính sách khoan hồng của Bộ đội Cụ Hồ.
 |
Tù binh Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
|
Một tù binh bị bắt trong trận Điện Biên Phủ đã bày tỏ sự bất ngờ: “Tôi không che giấu cảm giác sợ hãi mà tất cả chúng tôi đều cảm thấy thế khi những người lính đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tới. Nhưng nỗi sợ hãi này đã nhanh chóng tiêu tan. Ngay lập tức, một cán bộ của quân đội đã cho chúng tôi biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có chính sách khoan hồng đối với các tù binh. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nghe thấy những lời nói này. Về sau, chúng tôi phải công nhận rằng sự khoan hồng của Chủ tịch và Chính phủ của Người là sự thật. Đối với tôi, chính sách này được thể hiện bởi: Những biện pháp đúng đắn của các cán bộ và quân đội trong suốt thời gian tôi bị bắt và một chế độ ăn uống giống như chế độ của những người lính”(1).
Còn trung úy Pi-e-ra Lu-xiên tường thuật lại câu chuyện của mình với thái độ đầy kinh ngạc: “Cách đây khoảng 1 giờ, đồn của tôi đã bị chiếm. Tôi ngồi bên chiến hào, hai tay bị trói chặt và khóa sau lưng. Một anh bộ đội canh gác tôi. Tôi là tù binh. Cách đó không xa, một nhóm bộ đội vừa nhìn tôi vừa thảo luận. Tôi thử xin họ nới lỏng dây trói ra nhưng họ đã không làm gì cả. Đôi cánh tay tôi bị trầy da, sưng lên làm tôi đau đớn và tôi nghĩ rằng, đây là bước đầu của sự tra tấn và hành hạ mà chỉ huy đã nói với chúng tôi. Một người lính tách ra khỏi nhóm bên cạnh trong chốc lát rồi trở lại với một chai bia trên tay. Vì anh ta không có gì để mở bia, anh ta đã đập vỡ cổ chai và nó trở thành một cái cổ chai có nhiều chỗ sắc nhọn nham nhở. Rồi tất cả nhóm một lần nữa lại quay về phía tôi. Tôi nghĩ: Họ sẽ rạch mặt tôi với cái chai này. Thực tế, một người đàn ông đi lại phía tôi mang một cái chai cụt. Tôi cố gắng tỏ thái độ bình tĩnh khi nhìn thấy cái cổ chai lại gần mặt mình. Một bàn tay nắm lấy gáy tôi, còn một bàn tay cầm cái chai vỡ đưa sát vào miệng tôi. Bằng một nụ cười, người lính ra hiệu cho tôi uống thoải mái. Khi tôi không còn khát nữa, anh ta mời tôi hút một điếu thuốc lá. Tôi cứ tưởng như đang mơ. Lúc đó tôi chỉ cho anh ta biết tôi bị trói quá chặt và có thể vừa rồi tôi đã làm cho họ hiểu lầm bởi vì anh ta đã nới nút buộc trói cho tôi tới 20cm. Việc này làm cho tôi đỡ đau hẳn”(2).
“... Chúng tôi đã đến một ngôi nhà nơi chúng tôi phải qua đêm. Sự mệt mỏi và cơn mưa đã gây ra cơn sốt rét. Đêm lạnh. Bên ngoài, một anh lính đứng gác mặc một chiếc áo khoác bằng lá cọ. Anh ta trở vào nhà để tìm cái túi của mình và nghe thấy hai hàm răng của tôi đập vào nhau lắc cắc. Anh ta hướng về phía tôi, nhìn tôi một lát và đột nhiên cởi chiếc áo khoác mà anh ta đang mặc che cho tôi một cách cẩn thận. Rồi anh ta trở lại bên ngoài, tiếp tục gác trong gió mưa”(3).
Sự ngỡ ngàng cũng diễn ra tương tự ở nhiều tù binh khác, Trung úy Giê-gô Rê-mi viết rằng: “Trước đây tôi đã có cảm giác rằng đó là một dân tộc sợ sệt, buồn rầu và cam chịu. Phần lớn thời gian những người dân này lẩn tránh cái nhìn của chúng tôi và chúng tôi thường được tiếp đón e dè bởi một vài cụ già run rẩy. Ngược lại, ngay từ cái làng đầu tiên mà chúng tôi đi qua cùng với Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi thấy mọi người tươi cười, phấn chấn mỗi khi có đoàn quân đi qua”(4).
Hạ sĩ Ca-nu Clô-đê viết: “Trước hết là những cảm tưởng của tôi về quân đội Việt Nam mà tôi đã tiếp xúc với họ ở Điện Biên Phủ. Cuộc tiếp xúc đầu tiên của tôi với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thực hiện dưới những làn pháo kích. Đó là những trận đánh lớn mà ở đó họ bị xé lẻ đã cố gắng tổ chức lại trong khi quân đội viễn chinh Pháp bị mất tinh thần. Cuối cùng, tôi đã bị bắt làm tù binh và những tiếp xúc đầu tiên của tôi cũng bắt đầu với Quân đội nhân dân Việt Nam... Trước hết, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là ngay từ khi bị bắt, chúng tôi được coi không phải như những tội phạm chiến tranh mà như những nạn nhân của chủ nghĩa thực dân. Việc coi chúng tôi như những nạn nhân đã làm nhiều người trong chúng tôi bị sốc và điều đó thức tỉnh đầu óc của chúng tôi... Đó là dấu hiệu đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và thủ lĩnh của họ đối với chúng tôi là một chính sách khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(5).
Biết ơn sâu sắc
Trung úy Giê-gô Rê-mi từng bày tỏ sự cảm kích của mình: “Biết nói gì về sự đối xử mà tôi nhận được về mặt vật chất cũng như về mặt tinh thần. Tôi chỉ có thể nói rằng: Tôi biết ơn sâu sắc và chân thành chính sách khoan hồng, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khởi xướng ra nó và biết ơn toàn thể nhân dân Việt Nam đã áp dụng nó một cách vững vàng. Tôi đã luôn luôn tin tưởng rằng, các cán bộ và chiến sĩ có nhiệm vụ chăm sóc chúng tôi đã thấm nhuần sâu sắc trước nhân dân Pháp. Họ đã luôn lo lắng cho hạnh phúc và sức khỏe của chúng tôi. Tôi xin kể lướt qua sự cố gắng của những chiến sĩ “anh nuôi” đã bền bỉ đi khắp vùng nông thôn để tìm những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống của chúng tôi. Và tôi thường thấy họ trở về sau những chặng đường đi bộ rất dài với gánh nặng trên vai”(6).
Còn đây là cảm tưởng của Trung tá Pi-e Voa-nô, tù binh Trại 41: “... Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn của mình tới những cán bộ và chiến sĩ, những người đã cho phép chúng tôi trải qua được bốn tháng giam cầm trong những điều kiện dường như khó có thể tìm được tốt hơn ở vị trí của chúng tôi”.
“Tôi đã suy nghĩ trong hai năm và một hôm, không có sức ép cũng như ràng buộc nào, tôi đã quyết định rằng mình phải là một con người chứ không phải là một cái máy trong bộ quân phục. Vậy thì cái gì đã tạo điều kiện dễ dàng cho sự nhận thức này? Sau khi đã phân tích kỹ câu hỏi này, tôi đã đi tới xác định được yếu tố chính: Tấm gương đầy xúc động trong cách đối xử của nhân dân Việt Nam. Quân đội thì nhiệt tình, đoàn kết, vui vẻ, gắn bó với nhân dân như tay với thân. Nhân dân cũng nhiệt tình, ý thức được là chỗ dựa chính cho cuộc kháng chiến và đã tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi”(7). (Cảm tưởng của Trung úy Pi-e-ra Lu-xiên).
Cảm tưởng của những người lính Bắc Phi
“Từ khi chúng tôi bị bắt, chúng tôi đã được đối xử một cách công bằng... Thái độ đối xử của các sĩ quan và bộ đội có tác dụng lớn đối với hoạt động tinh thần của chúng tôi. Thái độ đúng đắn, chân thành và đặc biệt là công minh chính trực này đã được tất cả những người chỉ huy, lãnh đạo cũng như cố vấn của chúng tôi đều công nhận”(8). Đó là lòng biết ơn của binh nhì Pu-ai A-li: “Tôi vinh dự được bày tỏ rằng, từ khi bị bắt ở Điện Biên Phủ cho đến nay, tôi đã được Quân đội nhân dân Việt Nam đối xử tử tế. Dọc đường đi, tôi được nhân dân tiếp đón chu đáo và nhường nhà cho chúng tôi trú chân... Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Nhân dân Việt Nam muôn năm! Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm!”(9).
Thời gian trôi đi, lịch sử đã sang trang mới, quan hệ Việt - Pháp đến nay đã có nhiều bước tiến đáng kể. Những điều tốt đẹp có được ngày hôm nay trong quan hệ giữa hai nước chắc chắn không thể thiếu được sự đóng góp bởi một phần không nhỏ từ lòng khoan dung, vị tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân đội nhân dân Việt Nam đối với tù, hàng binh Pháp-những người bại trận trong quá khứ.
HỒNG NHUNG (tổng hợp)
(1) Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hồ sơ 1490, phông Phủ Thủ tướng
(2, 3, 4, 6, 7) Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hồ sơ 1359, phông Phủ Thủ tướng
(5) Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hồ sơ 1490, phông Phủ Thủ tướng
(8, 9) Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hồ sơ 1490, phông Phủ Thủ tướng