QĐND - Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trước yêu cầu điều trị bỏng cho thương binh và nhân dân liên tục tăng cao, nhất là khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhu cầu tổ chức lực lượng cứu chữa thương binh và nhân dân bị bỏng trở nên cấp thiết, vì vậy, ngày 1-12-1964, Khoa Bỏng (Viện Quân y 103) được thành lập và ngày này trở thành Ngày truyền thống của Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác.
Những năm đầu thành lập, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, với khó khăn, thiếu thốn về đội ngũ cán bộ chuyên ngành bỏng, thuốc và trang bị vật tư kỹ thuật, Khoa Bỏng, đứng đầu là GS, TSKH Lê Thế Trung đã tập trung vào công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên ngành bỏng, đáp ứng yêu cầu cứu chữa thương binh từ chiến trường chuyển về. Các thầy thuốc của Khoa Bỏng đã kế thừa và nghiên cứu được hơn 50 loại thuốc từ cây thuốc y học cổ truyền, nghiên cứu triển khai nhiều kỹ thuật mới, sử dụng da ếch kết hợp với da đồng loại, da tự thân đã chữa khỏi được vết bỏng sâu đến 25% diện tích cơ thể (DTCT) cho các thương binh bị bỏng nặng do bom na-pan, phốt-pho trắng... của Mỹ. Hàng nghìn thương binh và nhân dân bị bỏng nặng từ chiến trường chuyển về đã được các thầy thuốc của Khoa Bỏng chăm sóc và điều trị thành công.
 |
Cán bộ, bác sĩ thăm bệnh nhân bị bỏng nặng điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. Ảnh: Xuân Giang
|
Ngày 25-4-1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) quyết định thành lập Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, có 5 nhiệm vụ là đào tạo, điều trị, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và chỉ đạo tuyến về chuyên ngành bỏng để đáp ứng với nhu cầu điều trị bỏng ngày càng cao trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Nối tiếp truyền thống và liên tục phát triển, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác là bệnh viện quân-dân y kết hợp ở mức độ cao, đã phát huy có hiệu quả y học hiện đại và y học cổ truyền trong điều trị bỏng và di chứng sau bỏng. Viện đã triển khai, áp dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại trong điều trị bỏng và di chứng bỏng. Gần đây, viện không ngừng đẩy mạnh phát triển kỹ thuật mới và ứng dụng vào điều trị có hiệu quả, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến như: Chuyển vạt da siêu mỏng có nối mạch vi phẫu ở đầu xa; chuyển vạt da tự do từ xa có nối vi phẫu 2 bó mạch hoặc 3 bó mạch điều trị sẹo di chứng bỏng phức tạp vùng mặt cổ, kỹ thuật này được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện của ngành y tế năm 2011. Viện Bỏng luôn tiên phong trong nghiên cứu, hợp tác với hàng chục cơ sở khoa học, các bệnh viện trong và ngoài quân đội, sáng chế nhiều loại thuốc điều trị vết thương, vết bỏng, cung cấp sản phẩm mô đồng loại cho các khoa chấn thương của nhiều bệnh viện. 50 năm qua, viện đã hoàn thành hơn 200 đề tài khoa học và hơn 50 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có 10 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 4 nghị định thư cấp Nhà nước; 20 đề tài cấp Bộ Quốc phòng và cấp Bộ Y tế, hơn 150 đề tài cấp Học viện Quân y và cấp viện. Viện mở rộng hợp tác, trao đổi khoa học với các quốc gia có nền y học tiên tiến về bỏng để tham quan, học tập và chuyển giao công nghệ như: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Xin-ga-po, Hàn Quốc... Viện tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên chuyên môn trình độ cao; hiện có hàng chục giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hàng đầu Việt Nam và khu vực về chuyên khoa bỏng. Nhiều cán bộ khoa học được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài về chuyên ngành bỏng, là thành viên của các Hội Bỏng quốc tế... Nhờ đó, trình độ chuyên môn khám và điều trị bệnh nhân bỏng của Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đạt ngang tầm với các nước trong khu vực. Từ chỗ ít khi cứu sống được bệnh nhân bỏng chung đến 40% DTCT và bỏng sâu đến 30% DTCT, thì đến nay, bệnh nhân bỏng chung đến 70% DTCT và bỏng sâu đến 40% DTCT đã được cứu sống. Đặc biệt, viện đã cấp cứu, cứu chữa thành công một số ca bỏng nặng đến 90% DTCT, bỏng sâu đến 70% DTCT; điều trị thành công nhiều bệnh nhân bỏng hô hấp, bỏng tiêu hóa trong các vụ bỏng hàng loạt do cháy, nổ, thảm họa. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân bỏng điều trị tại viện đã giảm từ hơn 10% những năm trước đây, xuống còn từ 1,5% đến 2% những năm gần đây.
Trong thời gian tới, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác quán triệt nghiêm nghị quyết của Đảng các cấp; đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua trong quân đội và ngành y tế; đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, chủ động, sáng tạo, xây dựng nền nếp chính quy, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ chính trị được giao. Viện tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn; khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, với 360 giường bệnh; nghiên cứu phát triển kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào chữa bỏng, di chứng bỏng, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, phục hồi chức năng sau bỏng, liền vết thương; phát triển công nghệ tế bào, vật liệu thay thế da, thuốc chữa bỏng… Viện làm tốt vai trò tham mưu với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế trong phát triển ngành bỏng, chỉ đạo tuyến và hiện đại hóa trang thiết bị y tế, đào tạo cán bộ có chuyên môn sâu, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu điều trị bỏng và phòng, chống, khắc phục thảm họa bỏng, xứng đáng là bệnh viện có truyền thống hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và là viện đầu ngành về chuyên khoa bỏng trong phạm vi cả nước.
Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN GIA TIẾN, Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác