QĐND - Tôi gặp anh vào một buổi tối khi đơn vị anh kéo pháo về trận địa sau làng. Anh mang bộ quân phục bạc màu, đội chiếc mũ sắt màu xanh quân sự, vai quàng tấm dù ngụy trang. Những ngày sau, vẫn thấy anh như thế. Chị tôi vừa làm trung đội trưởng dân quân, vừa làm bí thư đoàn, thường phối hợp hiệp đồng chiến đấu và hoạt động kết nghĩa cùng bộ đội, nên tôi được tiếp xúc nhiều với các anh bộ đội, trong đó có anh.
Tháng 10-1966, trên địa bàn Phủ Lý, Hà Nam, đế quốc Mỹ liên tục cho máy bay đánh phá điên cuồng, nhất là những trọng điểm giao thông, các trận địa pháo cao xạ. Bộ đội và dân quân hiệp đồng chiến đấu nhiều trận, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Ban ngày, sau chiến đấu, bộ đội và dân quân củng cố trận địa, bổ sung các vị trí chiến đấu; buổi tối, tổ chức kết nghĩa với đoàn thanh niên... Có đêm, mưa to gió lớn, trời tối mịt mùng, bộ đội cùng dân quân khiêng pháo, tổ chức những trận địa giả nghi binh. Anh chỉ huy bộ đội khẩn trương làm nhiệm vụ; anh xông xáo nơi khẩu đội bị lún ngập, động viên anh em cố gắng hoàn chỉnh trận địa trước khi trời sáng để kịp chiến đấu. Và khi công việc đã xong, khi đồng đội tranh thủ nghỉ trên càng pháo, trên thành công sự, anh lại nhẹ nhàng đi kiểm tra đơn vị...
Thế rồi, những trận đánh quyết liệt với không quân Mỹ liên tiếp nổ ra. Địa bàn Phủ Lý tháng 10-1966 không hôm nào im tiếng súng, tiếng bom. Lũ trẻ chúng tôi ẩn nấp dưới những căn hầm, sau mỗi trận đánh, lại nhoi lên nhìn về phía trận địa cao xạ và yên lòng khi thấy những nòng pháo của các anh vẫn hiên ngang. Tranh thủ những giây phút giữa hai trận đánh, chúng tôi vác những cành lá ngụy trang, cùng nhân dân mang nước ra trận địa để các anh đỡ khát. Những người lính mặt sạm đen khói đạn, quần áo ướt đẫm mồ hôi, nhận những tình cảm thân thiết ấy rồi “lùa” chúng tôi nhanh chóng ra khỏi trận địa, vì máy bay địch có thể ập tới bất cứ lúc nào.
Ngày 9-10-1966, máy bay Mỹ ập tới, chúng tập kích ngay vào trận địa của các anh... Từ hầm trú ẩn nhìn lên, trận địa chìm trong khói bom; đạn pháo phòng không bắn xối xả về phía kẻ thù... Chiều ấy, cả làng phải đi sơ tán, vì trên cho biết, những ngày tới, không quân Mỹ sẽ đánh ác liệt hơn. Khi qua cánh đồng rìa làng, giữa chiều tà của tháng Mười se lạnh, tôi thấy anh cùng nhiều chiến sĩ và nhân dân đứng lặng bên thi hài một số bộ đội và dân quân vừa hy sinh trên trận địa sau làng. Trong giờ phút đau thương ấy, đứng trước hàng quân và nhân dân, giọng anh xúc động: “Bà con và các đồng chí thân mến! Máu của đồng đội và nhân dân ta đã đổ xuống vì sự bình yên của Tổ quốc. Trong đau thương này, chúng ta nguyện sẽ chiến đấu anh dũng để xứng đáng với những người đã hy sinh. Đồng chí đại đội trưởng đã hy sinh rồi, tôi sẽ chỉ huy đơn vị trong những ngày tới. Các đồng chí có quyết tâm không?”. Anh vừa dứt lời, những cánh tay đồng loạt giơ cao, "tạc" vào trời chiều, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá.
Mấy ngày sau, tôi và gia đình từ nơi sơ tán trở về làng thì chị tôi nghẹn ngào cho biết, anh đã anh dũng hy sinh khi đang chỉ huy đơn vị tại trận địa pháo sau làng. Tôi hỏi chị về anh-người chiến sĩ mang bộ quân phục bạc màu. Giọng chị tôi nghẹn lại: "Anh ấy là một chính trị viên mẫu mực của đơn vị!"
Chính trị viên là gì, khi đó một đứa trẻ như tôi chưa hiểu đầy đủ được. Sau này, khi trở thành người lính tôi mới hiểu cặn kẽ về người chính trị viên. Hình ảnh đầu tiên về người chính trị viên trong tôi là như thế! Tôi hiểu rằng, trong chiến thắng vẻ vang và sức mạnh vô địch của quân đội ta, có phần đóng góp quan trọng, vai trò không thể thiếu của người chính ủy, chính trị viên.
NGUYỄN THÀNH HỮU