QĐND Online - Cách đây tròn 20 năm (năm 1995), Đảng, Nhà nước đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại Khu di tích lịch sử Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Lúc ấy tôi cũng vinh dự được chứng kiến ngày hội lớn ở Tân Trào. Khi đó, nơi căn cứ cách mạng xưa còn rất nhiều khó khăn. 20 năm đã qua, chúng tôi có dịp trở lại Tân Trào khi Đảng, Nhà nước đang chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Các di tích dấu xưa vẫn còn đó, nhưng Tân Trào giờ đã đổi thay thật ngỡ ngàng. Thủ đô kháng chiến giờ đã là một vùng nông thôn mới khởi sắc.
Ký ức những địa danh
Điều bùi ngùi nhất sau 20 năm trở lại Tân Trào là không còn được thấy hai cây đa cổ thụ sum suê bóng, nơi chứng kiến tất cả những thời khắc thiêng liêng của lịch sử. Dưới gốc hai cây đa này, chiều 16-8-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc đọc Bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân tiến về Hà Nội trong những ngày Tháng Tám lịch sử. Quy luật thời gian không trừ vạn vật. Hai cây đa đã quá già và khô héo cành lá dần theo năm tháng. Không chỉ tỉnh Tuyên Quang, nhiều ban ngành, các đơn vị, tổ chức đã tìm mọi biện pháp để cứu chữa, cứu vãn nhưng vẫn buộc phải cắt dần những cành, những phần thân cây bị mục rỗng. Thậm chí đã có nhiều cuộc hội thảo của các nhà khoa học để tìm biện pháp cứu cây đa được tổ chức. Tỉnh Tuyên Quang đang chạy đua với thời gian để cố gắng giữ lại được phần thân cây. Được biết, gen của hai cây đa lịch sử này đã được tỉnh Tuyên Quang nhân giống và gìn giữ như một bảo vật.
Vượt qua khu di tích trưng bày các hiện vật, qua quảng trường trung tâm, qua hai gốc đa lịch sử, chúng tôi đến thăm lán Nà Nưa-nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc. Một chiếc lán đơn sơ nằm độc lập giữa rừng, được làm theo kiểu của lán coi nương rẫy đồng bào miền núi, vậy mà với mỗi người Việt Nam, khó có ngòi bút nào có thể tả hết ý nghĩa vĩ đại của nó. Nơi đây, 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại chiếc lán này từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945, khi cách mạng đến ngày toàn thắng. Câu nói của Bác sau này được coi là một chân lý đã ra đời từ đây: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Đó là thời điểm cuối tháng 7-1945, khi đó, thời cơ cách mạng đã chín muồi nhưng Bác lại đang ốm nặng. Câu nói đó đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng phát đi toàn quốc.
 |
Cây đa Tân Trào đang được các cơ quan chức năng bảo vệ phần thân còn lại. Ảnh: Hà My. |
Mặc dù chị hướng dẫn viên du lịch đã giới thiệu rất kỹ địa thế của nơi đây nhưng vẫn không khỏi cảm phục sự lựa chọn quá đỗi tài ba của Người. Chiếc lán nằm lưng chừng khu rừng rậm, đường vào phải đi qua một con suối, bên cạnh là chiếc hồ lớn. Phía sau lán có một con đường nhỏ dẫn sang một khu vực khác. Đó là một ví trí đắc địa “thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Nghĩa là chỉ một biến động nhỏ, Bác của chúng ta đã có thể rời khỏi vị trí bằng những con đường bí mật. Có thể là đường xuống suối, đường mặt nước hồ hoặc đường rừng.
Sử sách ghi lại rằng, tháng 5 - 1945, trước những chuyển biến nhanh của tình hình và yêu cầu của cách mạng, Bác Hồ quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). Ngày ấy địa danh Tân Trào tên là Kim Long, một làng có đủ yếu tố mà các nhà quân sự hay lựa chọn “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” và được lưu truyền trong dân gian câu ca: “Kim Long đất hiểm tứ bề/ Kẻ địch muốn chết thì về Kim Long”. Ngày 21-5-1945, Bác về đến Tân Trào, cùng đi với Bác là đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ngày ấy người dân nơi đây cũng không hề biết Bác là Nguyễn Ái Quốc, họ cũng chẳng biết Bác là thế nào, chỉ biết có ông cụ về làng, yêu thương mọi người, rất quý trẻ con là họ gọi là “Ông Ké áo chàm”. Những ngày đầu Bác về ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, một địa chỉ cách mạng tại Tân Trào. Một tuần sau, Bác chuyển lên ở trên lán Nà Nưa.
Tại Tân Trào, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tháng 8-1945. Người chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Quốc dân Đại hội Tân Trào họp tại đình Tân Trào ngày 16 và 17-8-1945 đã thảo luận nhất trí thông qua chủ trương của Việt Minh và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch. Bác xuất hiện với cái tên Hồ Chí Minh ở Tân Trào từ ngày ấy.
Vùng căn cứ khởi sắc
Từ Hà Nội lên Tân Trào bây giờ có nhiều đường đi. Đi theo Quốc lộ 3 rồi rẽ từ Thái Nguyên sang hoặc theo Quốc lộ 2 rồi rẽ từ thành phố Tuyên Quang xuống. Tuy nhiên con đường gần nhất là theo Quốc lộ 2C đến thị trấn Sơn Dương để vào Tân Trào. Con đường từ thị trấn Sơn Dương vào Tân Trào dài 15km hiện nay là một con đường đẹp, chạy dọc sông Phó Đáy, dòng sông mà chính Bác đã gửi gắm những trăn trở và niềm tin vào cách mạng qua bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy”: Lòng riêng riêng những bàn hoàn/ Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng/ Thuyền về trời đã rạng đông/ Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi. Những năm kháng chiến đây là con đường độc đạo để vào được Tân Trào. Các cụ cao niên ở Sơn Dương kể rằng, khi xưa con đường này được Việt Minh canh gác bảo vệ nghiêm ngặt. Người lạ khó có thể vào được. Thủ đô kháng chiến đặt ở Tân Trào cho nên toàn bộ các cơ quan đầu não của Đảng của được đặt ở khu vực này.
 |
Đường vào khu lán Nà Nưa nơi Bác Hồ ở và làm việc. Ảnh: Hà My. |
Tân Trào bây giờ đã được tỉnh Tuyên Quang quy hoạch và đầu tư theo hướng khu di tích lịch sử gắn với du lịch sinh thái. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt của khu di tích, ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Tân Trào là di tích Quốc gia đặc biệt. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nằm trên địa bàn 11 xã của hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang có quy mô hơn 3.100ha với 177 di tích, trong đó 40 di tích đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử Quốc gia; 30 di tích được cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Không hẹn trước, cũng không chuẩn bị kế hoạch, chúng tôi tình cờ vào thăm Trường Mầm non Tân Trào. Đó là một ngôi trường khang trang, rộng đẹp, đặc biệt các cháu mầm non được dạy và học theo chương trình chuẩn quốc gia. Cô Nguyễn Thị Quý, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trường Mầm non Tân Trào đã được công nhận chuẩn quốc gia nên việc dạy và học của nhà trường được quan tâm đặc biệt. Thật bất ngờ, là một trường vùng cao nhưng từ lâu trường đã thực hiện giáo án điện tử, hoàn toàn có thể làm việc, liên hệ với nhà trường qua internet. Tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ trường mầm non mà trường tiểu học, trường THCS ở Tân Trào đều đã được công nhận trường chuẩn quốc gia. Các trường học được nối internet rộng khắp.
Tuyên Quang là tỉnh miền núi từ lâu đã khá nổi tiếng với sản phẩm chè. Trên suốt con đường hơn 15km từ thị trấn Sơn Dương vào Tân Trào, những đồi chè xanh mướt dài tít tắp. Chủ tịch UBND xã Tân Trào Nguyễn Văn Hòa, một chủ tịch xã khá nổi tiếng với việc từng du học ở Vương quốc Anh với tấm bằng thạc sĩ, chuyên ngành Quản lý nguồn nhân lực rất tự tin: “Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực ở đây”. Chè được người dân trồng, thu hoạch và được bao tiêu sản phẩm nhanh. Xã cũng thành lập Hợp tác xã chè Vĩnh Tân, phát triển thương hiệu chè sạch. Sản phẩm của hợp tác xã đã vươn ra rộng khắp thị trường phía Bắc.
Một trong những tin vui đối với người dân cả nước là đó Tân Trào là một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang vừa được công nhận đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới. 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới xã đều hoàn thành. Ông Viêm Tiến Thăng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào rất tự hào với thành tích đó: “Dù được các cấp các ngành quan tâm, đầu tư nhiều cơ sở vật chất nhưng người dân Tân Trào không ỷ lại mà luôn nỗ lực vươn lên. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở Tân Trào chỉ còn 3,84%; thu nhập bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người/năm. 100% thôn có internet; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia”. Đây là kết quả của sự phấn đấu không ngừng của người dân quê hương cách mạng, cũng như sự đầu tư hiệu quả của Đảng, Nhà nước cho vùng căn cứ cách mạng.
Ghi chép của HÀ MY