Bài 3: Tất cả vì “ngôi nhà vĩnh hằng” của Bác
Sau khi Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã ra nghị quyết, trong đó có đoạn: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ Tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn thi hài Hồ Chủ Tịch và xây dựng Lăng của Người…”. Bộ Chính trị cũng xác định: Việc xây dựng Lăng Bác là nhiệm vụ vô cùng trọng đại, quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; phải phấn đấu làm sao để Công trình Lăng Bác xứng đáng với thời đại - thời đại rực rỡ, huy hoàng nhất trong lịch sử vinh quang của dân tộc ta, xứng đáng với công lao trời biển của Bác Hồ. Đồng thời, kết quả xây dựng Lăng cũng chính là cách thể hiện lòng kính yêu vô bờ bến và đời đời nhớ ơn Bác Hồ của nhân dân ta.
Công trình của tình hữu nghị Việt-Xô
Với tinh thần đó, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô giúp đỡ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị, cử chuyên gia sang xây dựng Lăng. Ngày 22-7-1970, đồng chí L.Brê-giơ-nép, Tổng Bí thứ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khẳng định Liên Xô sẽ giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 |
Các kiến trúc sư, họa sĩ và kỹ thuật viên Việt Nam tham gia, hoàn thiện mô hình Lăng Bác. Ảnh tư liệu.
|
Ngày 19-1-1970, Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký (tại Quyết định số 16/CP ngày 19-1-1970). Thực hiện quyết định đó, Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) cùng với Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức nhóm thiết kế phác thảo Lăng Bác trên cơ sở nhiệm vụ thiết kế đã được phê duyệt. Trong một thời gian ngắn nhưng đã có 77 phương án của các cá nhân và tập thể, trong đó 5 phương án mô hình được lựa chọn để báo cáo Bộ Chính trị, sau đó chọn một phương án để làm việc với Liên Xô.
Tháng 3-1970, Việt Nam đã cử các kiến trúc sư sang Mát-xcơ-va để cùng với Liên Xô tham gia thiết kế. Trong thời gian ở nước bạn, các kiến trúc sư Liên Xô và Việt Nam đã thống nhất 4 phương án để trình duyệt. Tháng 5-1970, Liên Xô hoàn thành xong thiết kế sơ bộ và gửi sang Hà Nội để phê duyệt. Tuy vậy, thiết kế sơ bộ này có rất nhiều điểm chưa đạt yêu cầu, nên Bộ Chính trị giao cho Bộ Kiến trúc, Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật và các ngành làm công tác thiết kế, phát động cuộc thi thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tập hợp được nhiều tinh hoa, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong nước và ở nước ngoài.
Cuộc thi được phát động trong thời gian ngắn, nhưng đã nhận được hơn 200 phương án tham gia, trong đó có cả phương án của Việt kiều ở Pháp gửi về. Ban tổ chức đã chọn ra 24 phương án tốt nhất để trưng bày lấy ý kiến nhân dân. Cuộc triển lãm đã được tổ chức từ tháng 9 đến tháng 11-1970 tại 5 địa điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thái Nguyên, Sơn La; đã thu hút 745.487 lượt người đến xem và có hơn 34.000 ý kiến của quần chúng tham gia. Bởi thế, cuộc triển lãm đã thành công tốt đẹp, tập hợp được trí tuệ của các tầng lớp nhân dân ở trong nước và kiểu bào ở nước ngoài. Sau cuộc triển lãm, Việt Nam đã chọn lọc và hoàn chỉnh một phương án để làm việc lại với Liên Xô. Hai bên đã thống nhất được phương án thiết kế sơ bộ để báo cáo lên Chính phủ hai nước. Đến ngày 9-2-1971, Hiệp định giữa hai Chính phủ về việc Liên Xô giúp Việt Nam thiết kế và xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức ký kết. Trải qua các phiên trao đổi, thẩm định, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, ngày 31-12-1971, Chính phủ ra Quyết định 241 phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Ngày 13-9-1971, Việt Nam và Liên Xô chính thức ký bản đặt hàng và chấp thuận số 84/75808 cho Công trình Lăng. Cũng từ đó công trường xây dựng Lăng Bác được mang tên Công trường 75808.
Sau khi thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt, Liên Xô khẩn trương thiết kế thi công. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Việt Nam đã cử 7 kiến trúc sư, kỹ sư thuộc các ngành xây dựng, điện, nước, thông hơi cùng phía bạn tham gia thiết kế. Bạn cũng đề nghị Đoàn Việt Nam đảm nhận công tác thiết kế kết cấu, trang trí ở những vị trí quan trọng như: Sảnh chính, phòng thi hài, cửa gỗ và các cấu kiện bằng đồng...
Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Viện Nghiên cứu thiết kế Cục Tổ chức xây dựng Mát-xcơ-va chủ trì, phối hợp với các viện thiết kế chuyên ngành khác. Chủ trì thiết kế là kiến trúc sư Ga-rôn I-xa-cô-vích, người đã được nhận giải thưởng Lê-nin về thiết kế công trình lưu niệm ở thành phố U-li-a-nốp-xcơ (quê hương Lê-nin). Kiến trúc sư Ga-rôn I-xa-cô-vích cùng với hai chuyên gia khác là Đê-bốp - Viện sĩ, Giám đốc Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin (người có công lớn giúp Việt Nam giữ gìn thi hài Bác Hồ) và ông Mét-vê-đê-ép - Tổng Công trình sư xây dựng Lăng Bác (người được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động).
Theo dự kiến, việc khởi công xây dựng Lăng sẽ được tiến hành vào mùa khô năm 1972-1973, nhưng tháng 4-1972, đế quốc Mỹ lại ném bom miền Bắc nên việc xây dựng Lăng được quyết định hoãn lại.
 |
Thi công Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.
|
Đầu năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, miền Bắc bước vào thời kỳ phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ ta quyết định khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để khởi công xây dựng Lăng vào mùa khô 1973-1974. Từ tháng 4-1972, Liên Xô ngừng việc thiết kế Lăng Bác để thực hiện các kế hoạch khác. Vì vậy, tháng 6-1973 hai Chính phủ mới ký Nghị định thư về việc Liên Xô tiếp tục thiết kế và giúp đỡ xây dựng Lăng. Ta yêu cầu Liên Xô cố gắng giúp đỡ để Công trình Lăng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1945-1975). Bấy giờ, các bạn Liên Xô tiến hành thiết kế hết sức khẩn trương, nhưng vẫn không kịp tiến độ thi công. Đến tháng 8-1974 (sau một năm khởi công) ta mới nhận được các bản vẽ thi công cuối cùng. Nhìn chung đồ án thiết kế mới này được thực hiện đúng nhiệm vụ thiết kế, có chất lượng cao. Các tác giả thiết kế chính đều là những chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm. Với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng và với tình cảm và lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ, nên các cơ quan thiết kế và các tác giả đã làm hết sức mình để cho Lăng Bác thật sự là công trình kiến trúc vĩ đại, có độ bền vững cao, trang trí hài hòa và có các hệ thống thiết bị hiện đại, có cơ số dự phòng cao...
Cả dân tộc “thi công” một công trình
Quá trình thi công Lăng Bác, mặc dù trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng không khí “cả nước đồng lòng, toàn dân góp sức” xây dựng Lăng Bác trở thành bầu không khí chủ lưu, sôi nổi trên mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt, khi được tin Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định xây dựng Lăng Bác, đồng bào và chiến sĩ miền Nam, miền Trung vừa đánh giặc vừa náo nức đi tìm các sản vật quý giá nhất của địa phương để gửi ra Hà Nội dâng lên Bác kính yêu. Các loại gỗ quý như: Nu, trắc, đinh hương, mun, sơn huyết, kim giao, cẩm lai, lát, giổi... được vận chuyển ra Bắc. Trong đó, chuyến gỗ đầu tiên được khởi hành ở Lộc Ninh ngày 14-2-1974 và ra đến Hà Nội ngày 1-3-1974. Những loại gỗ quý này được sử dụng làm nguyên liệu gia công hơn 200 bộ cửa ở Lăng và các đồ nội thất khác trong Lăng. Cùng với đó, vàng Bồng Miêu (Quảng Nam) được gửi ra để mạ chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và chữ ký của Bác ở tường tiền sảnh. Đá quý Mã Não: 2 viên đá nhỏ gắn vào sao vàng, búa liềm ở cờ Tổ quốc, cờ Đảng trên tường phòng Bác Hồ nằm... Đồng bào miền Nam, miền Trung còn gửi các loại cây quý để trồng trong vườn Bác, như: Hoa sứ, mai vàng, mai tứ quý, bưởi Biên Hòa, dừa Bình Định, quế Trà My, mít Tố Nữ, mãng cầu xiêm, huệ Đà Lạt...
 |
Nhân dân vào Lăng viếng Bác. Ảnh: Trung Hiếu.
|
Ở miền Bắc, tất cả các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành đều cử những cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề và những thanh niên nam, nữ ưu tú nhất về tham gia làm việc ở công trường xây dựng Lăng Bác. Các địa phương cũng gửi những sản vật quý giá nhất về xây dựng Lăng Bác. Đặc biệt, nhân dân đã tìm kiếm được hơn 300 mẫu đá gửi về Hà Nội, phục vụ việc ốp đá trong Lăng Bác. Theo thiết kế, đá đỏ ở Bá Thước (Thanh Hóa) được dùng để ốp thành 2 lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng trong phòng Bác nằm. Đá Ngọc Bích khai thác ở Bản Piên (Trùng Khánh, Cao Bằng) được gia công chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh khảm vào đá hoa cương ở mặt trước Lăng và bậu cửa chính. Đá núi Nhồi (Thanh Hóa) có màu đen nhánh ốp ở hàng cột sảnh cầu thang lên xuống. Đá Hòa Pháp (Hà Tây cũ) có màu trắng, vân mây ốp ở hai phòng khách sang trọng nhất trong Lăng... Ngoài ra, nhân dân khắp nơi còn gửi về các loại đá, sỏi, cát, xi măng để xây dựng Lăng: Đá Thác Bà (Yên Bái) để đổ bê tông; cát Kim Bôi (Hòa Bình) để lấp hố móng; sỏi Sông Lô (Tuyên Quang) để gia công tấm bê tông sỏi nổi lát vỉa hè các lối đi ở Quảng trường; Nhà máy xi măng Hải Phòng sản xuất loại xi măng đặc biệt mác 400 phục vụ xây Lăng...
Với sự “chung sức, đồng lòng” của toàn dân thực hiện chủ trương, ý chí và quyết tâm của Đảng, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng sinh động và cao đẹp của “lòng Dân - ý Đảng”, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; là công trình văn hóa của toàn dân, có ý nghĩa chính trị và thời đại sâu sắc như lời đồng chí Trường Chinh phát biểu tại Lễ Khánh thành Lăng (ngày 29-8-1975): “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Người; xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
 |
Lãnh đạo Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Nga V.L.Putin tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Trung Hiếu.
|
Kể từ Ngày Khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay đã có gần 50 triệu lượt người, trong đó có gần 8 triệu lượt người nước ngoài ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và tổ chức quốc tế vào Lăng viếng Bác. Đối với mỗi người dân Việt Nam, vào Lăng viếng Bác đã trở thành một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết ơn cội nguồn, hướng về giá trị gốc rễ trước mỗi bước phát triển đi lên. Nhiều người nước ngoài coi Lăng Bác là một địa chỉ thiêng liêng, hấp dẫn mỗi khi tới Việt Nam. Trong số khách đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh không ít người trước đây là kẻ thù của dân tộc Việt Nam, nhưng sau khi vào Lăng thăm viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện thái độ trân trọng và hợp tác tích cực... Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là công trình văn hóa đặc biệt, một kỳ đài lịch sử của thế kỷ XX giữa thủ đô Hà Nội - là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của dân tộc, của Đảng, Nhà nước; nơi tổ chức các buổi mít tinh, duyệt binh, diễu binh, diễu hành chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc; nơi thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, nơi hun đúc chí khí cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam càng tôn thêm giá trị văn hóa, tinh thần và ý nghĩa chính trị của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.
NGUYỄN TẤN TUÂN (tổng hợp)
Bài 2: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Công trình của “ý Đảng, lòng dân” và tình hữu nghị Việt - Xô
Bài 1: Giữ gìn lâu dài thi hài Bác - trách nhiệm thiêng liêng của toàn dân tộc