QĐND - Năm 2015 là một năm đặc biệt đối với nhân dân Việt Nam, vì có nhiều lễ kỷ niệm với năm tròn số đánh dấu mối quan hệ nhân quả và có giá trị thiêng liêng đối với lịch sử dân tộc, như 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập", 40 năm Ngày giải phóng miền Nam Việt Nam và thống nhất đất nước.

Đó là những sự kiện lịch sử mang tính định mệnh và quyết định. Nhưng chúng ta nên nhớ là sự kiện luôn mang yếu tố con người và do con người thực hiện. Những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã ra nước ngoài tìm đường cứu nước, tiến hành công tác tổ chức, xây dựng Đảng, chuẩn bị cho cuộc cách mạng để đến thời điểm thuận lợi sẽ tiến hành tổng khởi nghĩa.

Từ khi chế độ phong kiến thất bại trong việc bảo vệ chủ quyền ở nửa sau thế kỷ XIX, thì giấc mơ về một đất nước độc lập, phát triển và giàu mạnh đã được ấp ủ trong lòng của bao thế hệ người Việt.

Vào năm 1863, một sĩ quan hải quân Nga đầu tiên đã sang Nam Kỳ để nghiên cứu và quan sát tình hình quân viễn chinh Pháp chiếm và bình định Việt Nam như thế nào. Trong báo cáo của mình, Chuẩn úy hải quân Côn-xtan-tin Xta-ni-cô-vích (Konstantin M. Stanykovich), sau này là nhà văn nổi tiếng, đưa ra suy nghĩ về tương lai của cuộc chiến và đưa ra hai phương án: Cuộc đối đầu kết thúc và thuộc địa sẽ được mở rộng; hoặc người An Nam bị thực dân Pháp và giáo dân bản địa đàn áp, “tức nước vỡ bờ” tổ chức khởi nghĩa, làm cuộc cách mạng. Ông còn rút ra kết luận là trong qua trình này, “người Pháp và người Việt sẽ đổ máu rất nhiều”.

Bức tranh tái hiện Đại hội Quốc dân tại đình Tân Trào ngày 16-8-1945 để chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ảnh tư liệu

Ngày đó, Nga và Việt Nam chưa có mối quan hệ và thông tin tin cậy về nhau. Chính vì thế, báo cáo phân tích của ông Côn-xtan-tin Xta-ni-cô-vích càng có giá trị. Ông chứng kiến lực lượng viễn chinh Pháp càn quét các tỉnh miền Nam và ông có cảm tình với người Việt Nam vì họ có cuộc đấu tranh chính nghĩa. Mấy chục năm sau, lịch sử đã chứng minh chính kiến của viên sĩ quan hải quân Nga hoàn toàn đúng.

Từ năm 1858 đến nay, các nhà yêu nước Việt Nam với cường độ và hiệu quả khác nhau luôn tìm cách bảo vệ quyền lợi của đất nước mình. Bao thế hệ đã thay nhau đi tìm con đường cứu nước ở Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Các nhà yêu nước cũng đã tìm và nhận được sự giúp đỡ ở nước Nga xa xôi.

Quá trình xây dựng Đảng và tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công đã diễn ra trên khắp đất nước Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám đánh dấu cuộc đấu tranh vì chủ quyền và độc lập của toàn dân đã thành công. Thời khắc lịch sử đã đến. Vào ngày 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên Quảng trường Ba Đình, thì ước mơ của nhiều thế hệ người Việt đã thành hiện thực.

Sau Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp ngay lập tức bắt đầu ra sức khôi phục chế độ thuộc địa tại Việt Nam. Trong vòng 5 năm đầu tiên, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ không được công nhận về mặt ngoại giao. Các thế lực thù địch bắt đầu tổ chức đảo chính để phá hoại thành quả của cuộc cách mạng với mục đích tiếp tục bóc lột nhân dân. Vla-đi-mia I-lích Lê-nin (Vladimir Ilich Lenin) đã nói rất chính xác: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”. Chính vì thế, Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu đóng vai trò đặc biệt, hết sức quan trọng trong quá trình bảo vệ thành tựu cách mạng trước các âm mưu của lực lượng ngoại xâm. Khi các chính khách và nhà ngoại giao bất lực bên bàn đàm phán, thì đến lượt quân đội sẽ tham gia để thuyết phục kẻ thù theo cách riêng của mình. Trong suốt thế kỷ XX, quân dân Việt Nam đã anh dũng trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt với Pháp và Mỹ, cũng như chống lại chế độ Khơ-me Đỏ khát máu. Bất cứ cuộc chiến nào quân dân Việt Nam cũng luôn chứng minh cho cả thế giới thấy tinh thần bất diệt, quả cảm để bảo vệ quyền tự do sống trong độc lập trên đất nước của mình. Các chiến thắng của quân đội Việt Nam trong suốt thế kỷ XX luôn bắt tất cả các đối thủ phải kính trọng.

Lịch sử có tính chu kỳ. Mỗi quốc gia có thời hưng thịnh và suy vong. Nếu trong một nước, chữ “tài” và chữ “mệnh” có duyên với nhau, thì đó là thời thịnh vượng. Còn nếu trong xã hội không có điều kiện sử dụng nhân tài, nghĩa là hai chữ này “ghét nhau” thì đất nước sẽ gặp họa. Hiện nay, Việt Nam mặc dù còn nhiều vấn đề khó khăn, kể cả trong lĩnh vực an ninh, nhưng vẫn trong chu kỳ tiến triển, đất nước chưa bao giờ được vững mạnh và phát triển ổn định như ngày nay.

Bác Hồ đã nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Quân dân Việt Nam luôn nhớ lời Bác và lời Bác luôn đồng hành với nhân dân trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước mình. Biết ơn công lao của các thế hệ cha ông và xây dựng nền tảng vững chắc cho đời sau là đặc điểm văn hóa của người Việt.

Năm 2015 là thời điểm nhớ lại bài học lịch sử để “gặp lành, tránh dữ” trong tương lai. Việt Nam đã xây dựng thành công nền tảng để sẵn sàng đối đầu với thử thách mới. Hiện nay, Việt Nam đã rút kinh nghiệm lịch sử, đã được tôi luyện trong suốt thế kỷ XX và Việt Nam có đủ điều kiện để đóng vai trò chủ động và độc lập trong các quá trình này, và tất nhiên quân đội Việt Nam sẽ góp phần xứng đáng vào việc đó. 

GS, TS Vla-đi-mia Cô-lô-tốp, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Xanh Pê-téc-bua