QĐND - Trong hành trình trở về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, Đoàn cựu chiến binh Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đã có buổi giao lưu truyền thống với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ Đô), Sư đoàn 308, Quân đoàn 1. Buổi giao lưu là dịp để thế hệ đi trước gửi gắm niềm tin, kỳ vọng và thắp lên ngọn lửa của tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” 60 năm về trước cho thế hệ hôm nay.

Ký ức Điện Biên

Mở đầu buổi giao lưu, bác Tô Lạc, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội Trinh sát, Phân đội cối 120mm thuộc Đại đoàn 312 "làm nóng" cả hội trường Trung đoàn 102 với những ký ức về mở đường kéo pháo lên Điện Biên Phủ. Ngày ấy, theo như bác Tô Lạc thì việc làm đường kéo pháo vô cùng gian khổ. Bởi quân và dân ta phải làm đường xuyên qua núi cao, rừng sâu. “Nhưng với ý chí, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược, núi cao, rừng rậm dần lùi bước. Con đường kéo pháo ngày một vươn tới chiến trường”- Bác Tô Lạc nhớ lại.

Mọi chuẩn bị cho giờ nổ súng tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã đến. Các đơn vị bộ binh được lệnh vào vị trí chiến đấu. “Nhưng thật bất ngờ, cấp trên quyết định hoãn cuộc tiến công cứ điểm Điện Biên Phủ và ra lệnh cho bộ đội kéo pháo ra. Riêng Đại đoàn 308 được lệnh khẩn trương hành quân tiến công địch trên phòng tuyến sông Nậm Hu, nhằm cắt đứt đường tiếp tế lương thực, thực phẩm của quân Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ” - Bác Nguyễn Hiền, nguyên Chính trị viên Đại đội 263, Trung đoàn Thủ Đô chia sẻ.

- Mọi người ai cũng hỏi tôi là đi đâu? Sao giặc trước mặt mà không đánh? Tôi lúng túng, chỉ biết nói “Quân lệnh như sơn”. Vậy là anh em lẳng lặng cất bước, mặc dù nhiệm vụ chưa thật rõ ràng. Sáng 30-1-1954, Trung đoàn Thủ Đô, Đại đoàn 308 được lệnh truy kích địch đang đốt bỏ đồn Mường Khoa rút chạy. Ngọn lửa lập công được nhen lên. Với tinh thần ấy, cán bộ, chiến sĩ xốc tới, bao vây, phối hợp cùng các đơn vị bạn tiêu diệt từng cụm cứ điểm. Chiến tranh tuy đã lùi xa, nhưng mất mát, hy sinh thì quá lớn. Chúng ta phải làm sao giữ được hòa bình để đất nước không phải trải qua những thời khắc đau thương nữa, bác Nguyễn Hiền chia sẻ. 

Các cựu chiến binh Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 kể lại kỷ niệm chiến đấu trong đêm giao lưu. 

Nhịp cầu tiếp bước Điện Biên 

Ngồi nghe những ký ức về Điện Biên Phủ qua lời kể của các cựu chiến binh, tôi thấy đôi mắt Trung tá Trương Trung Tuấn, Chính ủy Trung đoàn 102 ngấn lệ khi các cựu chiến binh nói về những tấm gương hy sinh anh dũng của một thế hệ đã làm nên lịch sử với “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). Theo anh Tuấn, hiểu về quá khứ để nhìn thực tại và hướng tới tương lai. Buổi giao lưu tạo nên động lực tinh thần mạnh mẽ để cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị tiếp bước chiến sĩ Điện Biên năm xưa trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với tinh thần dám đánh, quyết đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Từ tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa để rèn luyện, hun đúc ý chí kiên trung cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Thực tiễn qua những câu chuyện của các cựu chiến binh kể, thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay của đơn vị nhận thấy: Càng trong gian khổ, tinh thần, ý chí của bộ đội càng được tôi luyện vững vàng hơn.

Là chiến sĩ mới nhập ngũ vào đơn vị, lắng nghe những gửi gắm của các bác cựu chiến binh đối với thế hệ trẻ, Binh nhì Trần Mạnh Tuấn, thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 102 tự đề ra cho mình mục tiêu hoàn thành tốt kỳ huấn luyện với kết quả cao. “Đó là cách em chọn để tiếp bước chiến sĩ Điện Biên năm xưa”, Tuấn chia sẻ.

Buổi giao lưu kết thúc bằng những tràng pháo tay rộn rã, những cái bắt tay thật chặt của các cựu chiến binh Điện Biên với chiến sĩ trẻ trung đoàn. Trong ánh mắt của người chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô hôm nay, tôi chợt nhận ra rằng: Ngọn lửa Điện Biên năm xưa vẫn cháy!

Bài và ảnh: DUY THÀNH