QĐND Online – Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 5-5, tại Hà Nội. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì hội thảo; 22 nhà khoa học quốc tế, 37 nhà khoa học, chuyên gia của Việt Nam và đại diện các ban, ngành, tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự hội thảo.
 |
Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại |
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 là thắng lợi to lớn nhất của Quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi này đã tạo một bước ngoặt quan trọng trên con đường phát triển của Cách mạng Việt Nam, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng, bắt tay vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo cơ sở hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Trong bài diễn văn khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo tập trung làm rõ vai trò, vị trí của Điện Biên Phủ trong chiến lược của thực dân Pháp cũng như đối với cách mạng Việt Nam; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh trong việc chọn địa điểm chiến lược, phương thức tác chiến đến việc huy động lực lượng toàn dân cho chiến dịch lịch sử này; tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sự hy sinh anh dũng và đóng góp to lớn của các lực lượng vũ trang, lực lượng dân công và nhân dân cả nước; sự ủng hộ của quốc tế, phối hợp chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương trong chiến dịch Điện Biên Phủ và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; ý nghĩa của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam nói chung đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cách mạng thế giới; sức mạnh của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng vì mục tiêu giải phóng và độc lập dân tộc, qua đó nhằm phát huy sức mạnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay; nêu cao tinh thần cảnh giác, rèn luyện ý chí cách mạng, tăng cường tiềm lực quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ chế độ trước âm mưu chia rẽ, đánh phá của các thế lực thù địch; đẩy mạnh quan hệ và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, an ninh, kinh tế để tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường của dân tộc ra cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
 |
Các đại biểu chụp ảnh tại hội thảo. |
Tham luận của các đại biểu tập trung chủ yếu vào những nội dung: Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh; vị trí, vai trò của các mặt trận trên chiến trường Đông Dương phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ; vai trò của hậu phương và các lực lượng trong chiến dịch Điện Biên Phủ; nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ…
Tham luận của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phương châm chỉ đạo chiến lược trong cuộc chiến Đông – Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ rõ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Điện Biên Phủ làm nơi đọ sức, trận đánh mang tính quyết định của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đã đề ra nhiều nghị quyết chỉ đạo cho các lực lượng, các địa phương huy động, tập trung mọi sức lực cho trận quyết chiến lược này.
Tham luận của GS.NGND Phan Huy Lê và TS Ngô Vương Anh tập trung vào việc đánh giá vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt quá trình chỉ huy chiến dịch, đặc biệt là việc đưa ra quyết định sáng suốt, táo bạo, kịp thời, chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, sang “đánh chắc, thắng chắc” đưa đến thắng lợi của chiến lịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Về nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, PGS.TS Trần Đức Cường, GS.TS Phạm Xuân Nam (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đã làm rõ thắng lợi của Điện Biên Phủ là thắng lợi của ý chí và sự sáng tạo của Đảng và nhân dân Việt Nam, thắng lợi của nền văn hóa Việt Nam được đúc kết hàng ngàn năm.
“Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của quân và dân ta với rất nhiều biểu hiện cụ thể, phong phú trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ chính là những giá trị nền tảng, cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Trong thời đại mới, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những giá trị ấy được nâng lên một tầm cao mới, tạo thành sức mạnh phi thường để đánh bại kẻ thù”, GS.TS Phạm Xuân Nam khẳng định.
 |
GS.Rob Hurle (Đại học Quốc gia Austraulia) phát biểu tại hội thảo. |
Nói về sự ủng hộ của quốc tế đối với chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Pháp, PGS.TS Phạm Mai Hùng (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) và PGS.TS Đinh Quang Hải (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đã làm rõ sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, GS.TS Vladimir Kolotov (Đại học Quốc gia Saint Petersbung, Liên bang Nga) qua bài “Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt trong quá trình chống ngoại xâm”, PGS.TS Võ Kim Cương (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) với tham luận “Việt Nam-Điện Biên Phủ với quá trình giành và củng cố độc lập dân tộc của các nước thuộc địa” đã khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam như “tiếng sấm” thức tỉnh, mở ra thời kỳ đấu tranh và thắng lợi của phong tròa đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là đối với các nước Á, Phi, Mỹ- La tinh.
Phát biểu tại hội thảo, GS.Rob Hurle (Đại học Quốc gia Austraulia) nhấn mạnh khía cạnh kháng chiến toàn dân và tính chất chính trị của cuộc kháng chiến chống Pháp: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu phát triển công tác tuyên truyền từ đầu những năm 1940 và đã dạy, đào tạo cán bộ cách thức, kỹ năng sử dụng hình ảnh có ý nghĩa đối với người xem, làm cho tài liệu tuyên truyền sinh động, có ý nghĩa văn hóa, đã truyền cảm, hòa vào lòng dân. Phần tài liệu tuyên truyền này là các tranh cổ động, thơ ca, bài hát… góp phần động viên, khích lệ người dân tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam. Chiến công lẫy lừng này đã đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Hội thảo tiếp tục phiên làm việc vào buổi chiều với chủ đề “Quốc tế với Chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ”.
KHÁNH HUYỀN (tổng thuật)