QĐND Online - Sáng ngày 4-5, Hội Cựu chiến binh (CCB), Thành đoàn, Trường Đại học Cần Thơ và đoàn Nghệ thuật Quân khu 9 tổ chức giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2014). Với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thiên anh hùng ca thời đại Hồ Chí Minh”, buổi giao lưu đã góp phần gìn giữ và truyền lửa cho hơn 1.400 đại biểu là CCB, học sinh sinh viên, tuổi trẻ LLVT Quân khu 9 và thành phố Cần Thơ…

Cháy mãi lửa truyền thống

Rạo rực khí thế, hừng hực quyết tâm, hào khí của chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” 60 năm về trước tuôn trào trong không khí buổi giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ- Thiên anh hùng ca thời đại Hồ Chí Minh”. Thời gian có thể xóa nhòa đi tất cả, nhưng thời gian không thể xóa mờ đi biết bao kỷ niệm của một thời hoa lửa đã trở thành bất tử trong trái tim những người lính năm xưa. Đại úy Nguyễn Văn Kha, chiến sĩ Điện Biên năm xưa tự hào kể: “Tháng 11-1950, tôi nhập ngũ khi vừa tròn 15 tuổi. Sau khi được cử sang Trung Quốc học, tháng 12-1953 tôi được biên chế là pháo thủ số 2, cùng khẩu đội với Anh hùng LLVT nhân dân Tô Vĩnh Diện, thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367. Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, tôi cùng đơn vị hành quân vượt đèo Pha Đin lên Tuần Giáo (Lai Châu). Để đưa được pháo vượt dốc, qua đèo, mỗi khẩu được biến chế thêm 200 chiến sĩ bộ binh. Ngày đó, khi kéo pháo qua một con dốc ở gần Bản Chuối thì bất ngờ bị đứt dây tời, pháo tụt nhanh xuống dốc. Không ngần ngại, đồng chí Tô Vĩnh Diện đã lao vào cứu pháo, nhờ vậy mà bảo đảm an toàn cho pháo. Tôi nhớ mãi câu nói cuối cùng của đồng chí Tô Vĩnh Diện “Pháo có làm sao không?”. Nghe đến đó, tất cả chúng tôi khóc nức nở và sau khi an táng đồng chí Tô Vĩnh Diện xong, cán bộ chính trị nói: “Tô Vĩnh Diện đã hoàn thành nhiệm vụ của người Đảng viên, lúc đó anh đang là đảng viên dự bị”.

Tiết mục ca múa “Giải phóng Điện Biên” do Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 biểu diễn chào mừng buổi giao lưu.

Đại tá Võ Tá Thông, nguyên chiến sĩ quân y ở Đội phẫu thuật tiền phương phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ nhớ lại: “Lúc ấy, đội được bố trí 2 bàn mổ, nhưng có ngày đêm phải tiếp nhận gần 30 thương binh. Trong điều kiện thiếu thốn, nhưng sự gan góc của các thương binh chính là động lực tinh thần cho toàn đội vượt khổ cực để cứu người”.

Từ chiến trường miền Bắc xa xôi, tinh thần Điện Biên đã lan tỏa đến vùng đất Chín Rồng ở cực Nam của Tổ quốc và tạo nên một không khí hăng hái tham gia giết giặc lập công trên địa bàn Phân Liên khu Miền Tây cũ (nay là Quân khu 9). Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 cho biết, đó là thời kỳ rừng rực khí thế chia lửa và giết giặc lập công của quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long. Quân và dân Miền Tây đã làm nên nhiều chiến thắng hiển hách như trận An Biên-Xẻo Rô. Chỉ trong quá trình “chia lửa” với Điện Biên Phủ, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên một ngàn  tên địch, bức rút một quận lỵ, san bằng nhiều đồn bốt, mở rộng thêm vùng giải phóng, khuyến khích gần 8 nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ.

Ấm áp tinh thần Điện Biên

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ còn có 539 CCB đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Điện Biên hay chiến trường miền Nam để chia lửa cho “Điện Biên”. Trong số những cô, chú đó, có không ít gia đình còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhằm tri ân công lao đó, hội CCB thành phố đã trao bảng vàng căn nhà “Nghĩa tình Điện Biên” tặng gia đình CCB Trần Văn Đa (tham gia chống Pháp từ năm 1947); sửa chữa hơn 10 căn nhà trị giá 20 triệu/căn và trao 60 suất học bổng, trị giá 1 triệu/suất, cho học sinh, sinh viên học giỏi, con nhà nghèo là cháu nội, cháu ngoại của các CCB thời kỳ chống Pháp. Sau khi nhận tấm bảng vàng căn nhà “Nghĩa tình Điện Biên”, CCB Trần Văn Đa xúc động chia sẻ: “Thế là gần cuối đời, ước nguyện về một mái nhà vững chãi để che mưa gió đã thành hiện thực. Tấm lòng của những người lính đã phần nào giúp gia đình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tui rất biết ơn mọi người và sẽ động viên gia đình, con, cháu vươn lên vượt qua khó khăn”.

Giao lưu với các chiến sĩ Điện Biên năm xưa và các CCB trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long.

Sinh viên Hồ Thị Hải Yến, K36 Trường Đại học Cần Thơ sau khi nhận học bổng xúc động cho biết: “Nhận món quà này em càng tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình. Hơn thế nữa, em cảm nhận được những ân tình sâu sắc của tình đồng chí, đồng đội và phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Em hứa sẽ cố gắng học tập để xứng đáng với những ơn nghĩa này”.

Tâm điểm của buổi giao lưu, đó là Hội CCB thành phố đã trao tặng 50 nghìn bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho 25 tổ, hội CCB và đoàn thanh niên thành phố Cần Thơ, Hội CCB tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và Tiền Giang. Đại tá Trần Hùng, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Cần Thơ trao đổi: “Hội CCB thành phố trao tặng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhằm nhắc nhở các CCB phải “cựu mà không cũ”, đoàn thanh niên phải học tập theo tấm gương tài năng, đức độ của Đại tướng. Đó chính là để phát huy tinh thần Điện Biên năm xưa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

“Ta đi trong muôn ánh sao vàng cờ đỏ tung bay…”, giai điệu hào hùng bài ca “Đất nước trọn niềm vui”, của nhạc sĩ Hoàng Hà đã làm hội trường như bùng nổ trong tràng pháo tay không dứt. Buổi giao lưu khép lại nhưng đã kịp gieo vào lòng các đại biểu, các bạn sinh viên, học sinh và đoàn viên thanh niên niềm hãnh diện và tự hào về thế hệ cha, anh đi trước, những người đã thắp nên ngọn lửa của tinh thần Điện Biên bất diệt.

Bài, ảnh: VIỆT HÀ