QĐND Online - Tối 18-3, tại Trung tâm hội nghị văn hóa tỉnh Điện Biên, Trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức buổi giao lưu, tôn vinh “Điện Biên Phủ - Thiên anh hùng ca thời đại Hồ Chí Minh” nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Các đại biểu tham dự đêm giao lưu.

Tới dự buổi giao lưu có ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; đại diện cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể tỉnh Điện Biên cùng 800 đại biểu là chiến sĩ Điện Biên, CCB, cựu TNXP, dân công hỏa tuyến và người có công thuộc 26 tỉnh, thành phố.

Một tiết mục văn nghệ trong đêm giao lưu.

Trước buổi giao lưu, các đại biểu tham dự chuyến đi “Về nguồn - qua miền Tây Bắc” đã tới thăm, tưởng niệm và tri ân đồng bào tại các địa danh từng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong lời phát biểu khai mạc, ông Lê Xuân Niêm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử, cho biết: “Đây không chỉ là hoạt động có ý nghĩa, góp phần khơi dậy hào khí Việt Nam, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao của các anh hùng, liệt sĩ, những người đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”.

Từ Tây Nguyên về thăm Tây Bắc, ông Lưu Văn Tăng, 85 tuổi, cựu TNXP tỉnh Đắc Lắc, bộc bạch: Được địa phương tạo điều kiện tham dự chuyến đi về nguồn lần này, chúng tôi không chỉ thấy được những chiến công oanh liệt của thế hệ cha anh mà còn có dịp chứng kiến những chặng đường chông gai trước khi quân và dân ta giành được chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 60 năm trước. Còn bà Huỳnh Thị Lý, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Tiền Giang, người tham dự chuyến đi cùng 9 đại biểu cựu thanh niên xung phong trong tỉnh kể: “Tôi và nhiều cựu TNXP Nam Bộ từng phục vụ chiến đấu ở các Binh trạm Trường Sơn và nếm trải bao gian khổ, khó khăn trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng khi lên Tây Bắc, chứng kiến việc vận chuyển vũ khí, lương thực bằng những phương tiện thô sơ trên những đoạn đèo, dốc quanh co, chúng tôi càng thêm cảm phục, thấm thía sự hy sinh của các thế hệ đi trước”.

Những tràng pháo tay đã vang lên không ngớt khi các nhân chứng từng làm nên lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bước lên sân khấu. Đó là Đại tá, Anh hùng LLVT Đặng Đức Song, người chiến sĩ liên lạc đã lập công xuất sắc trên đồi C1 và đồi Mâm Xôi, được phong danh hiệu “Chiến sĩ Đồi Xanh”; Anh hùng Phùng Văn Khầu, người lính pháo binh từng gắn với thành tích “một mình một pháo cũng tiến công”; Đại tá Hoàng Đăng Vinh, người đã cùng Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật và đồng đội bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri ngày 7-5-1954…

Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Đức Song xúc động ôn lại kỷ niệm 60 năm trước.

Anh hùng Đặng Đức Song lặng đi hồi lâu rồi xúc động kể: “Cách đây 60 năm, thấy cờ trắng, vải trắng địch giơ cao trên đầu dọc khắp các chiến hào, tất cả chúng tôi cùng sung sướng nhảy cẫng lên rồi hô vang: Chiến thắng! Chiến thắng rồi, Hồ Chủ tịch muôn năm!”… Rồi Đại tá Đặng Đức Song cảm tác đọc lại những vần thơ do mình vừa sáng tác: “Nhân về thăm đất miền Tây/ Bồi hồi nhớ lại ngày này năm xưa/Mường Thanh giữa buổi xế trưa/Vải trắng, dù trắng Tây đưa lên đầu/Tướng Đờ Cát mặt buồn rầu/Đoàn quân bại trận dẫn đầu là y/Lính Pháp nổi tiếng chính quy/Nay mồm méo xệch gối quỳ đáy dơ…”.

Vinh danh Anh hùng và Chiến sĩ Điện Biên trong chuyến đi “Về nguồn – qua miền Tây Bắc”.

Còn Đại tá Hoàng Đăng Vinh, không chỉ trong buổi giao lưu mà trong suốt chuyến đi 4 ngày qua, ông trở thành đại biểu “bận rộn” nhất bởi những câu chuyện xung quanh việc bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng lời kể của ông đã lôi cuốn, hấp dẫn rất nhiều người. Họ quây quần quanh ông để nghe chuyện, để bắt tay ông và không quên lưu lại khoảnh khắc bên cạnh người lính Điện Biên. Khi được hỏi về những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông bảo kỷ niệm thì có nhiều, bởi ngay từ lúc Chiến dịch kết thúc, ông đã được Đại tướng tới bắt tay, hỏi chuyện. Song, có một kỷ niệm khó quên đối với ông, đó là lần gặp Đại tướng ngày 13-3-2004, khi ông có mặt trong đoàn các cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tới thăm Đại tướng nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hôm ấy, Đại tướng có hỏi “Hoàng Đăng Vinh có đây không?”. Ông Vinh đang đứng hàng sau, thưa “Có ạ!” rồi bước lại gần. Đại tướng bắt tay ông và bảo: “50 năm mà vẫn còn gặp nhau thế này là quý rồi!”…

Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu tặng quà gia đình chính sách xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Tham dự chuyến đi về nguồn lần này, ngoài các đại biểu từng là chiến sĩ Điện Biên, cựu TNXP, dân công hỏa tuyến…, còn có khá đông thế hệ cháu, con của các chiến sĩ Điện Biên. Nguyễn Văn Bách (tỉnh Vĩnh Phúc) mắt đỏ hoe, tâm sự rằng: Cha anh, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bạch – người điểm hỏa quả bộc phá 1.000kg trên đồi A1, đã không còn sống để đón nhận danh hiệu Anh hùng vào năm 2010. Bởi vậy, vào mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, anh lại muốn lên Điện Biên, đứng thật lâu bên hố bộc phá để nhớ lại những gì cha mình từng kể, những gì đồng đội từng vinh danh ông cùng câu chuyện xung quanh khối thuốc nổ nghìn cân năm ấy…

Mang theo tâm nguyện: Tới vùng chiến địa xưa để tưởng nhớ đồng đội, cảm ơn đồng bào Tây Bắc, trong buổi giao lưu, Ban tổ chức đã tặng 20 suất quà tới các gia đình chính sách thuộc huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ; vinh danh 6 liệt sĩ Điện Biên; tôn vinh các thế hệ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cùng các gia đình đang góp phần tiếp nối truyền thống Điện Biên…

Khán giả ngồi dưới các hàng ghế đã cùng hướng lên sân khấu, hát vang những ca khúc đi cùng năm tháng: “Qua miền Tây Bắc”, “Hò kéo pháo”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”… để khép lại đêm giao lưu xúc động trong 5 ngày về nguồn đầy ý nghĩa.

Bài, ảnh: MINH TUỆ