QĐND Online - Sáng 5-5, tại bản Phăng 3 xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Báo Quân đội nhân dân và Công ty TNHH MTV in Quân đội 1 đã phối hợp tổ chức Lễ đặt bia di tích tòa soạn tiền phương và Nhà in Quân đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân chủ trì lễ đặt bia. Đến dự lễ có đại biểu lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), đại biểu cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân xã Mường Phăng. Đặc biệt, tại buổi lễ ý nghĩa này còn có sự có mặt của Đại tá Phạm Phú Bằng và Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên là chiến sĩ Điện Biên, nguyên phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ.

Nhận thức đúng đắn Quyết tâm chiến lược của Đảng và Tổng Quân ủy, Chỉ thị của Tổng cục Chính trị, Báo Quân đội nhân dân đã chủ động, gấp rút chuẩn bị lực lượng và phương tiện để tổ chức một tòa soạn tiền phương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. 5 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, họa sĩ nhanh chóng lên đường đi mặt trận. Cùng với Báo Quân đội nhân dân, Nhà in Quân đội cũng tổ chức ngay một lực lượng, gồm những cán bộ, công nhân in giỏi nhất ra mặt trận. Điện Biên Phủ ở xa căn cứ địa, đường hành quân hiểm trở, lại phải mang vác nhiều vật tư, phụ tùng in ấn... Trước những khó khăn, gian khổ như vậy, nhưng cán bộ, nhân viên Nhà in đã tìm mọi cách khắc phục, bám sát Bộ chỉ huy Chiến dịch và sát cánh cùng Báo Quân đội nhân dân.

 
Đại tá Phạm Phú Bằng (thứ 3 từ phải sang) và Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp, (thứ 3 từ trái sang) kể chuyện làm báo tại mặt trận Điện Biên Phủ cách đây 60 năm.

Lúc đầu tòa soạn đóng gần hang Thẩm Púa, khi Sở chỉ huy chiến dịch chuyển về Mường Phăng thì tòa soạn cũng di chuyển theo. Trải qua 140 ngày đêm, Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ đã ra được 33 số. Nội dung chính đăng trên báo là các bài viết chỉ đạo của Bộ chỉ huy Mặt trận; các bài phân tích âm mưu, thủ đoạn của địch, giúp cán bộ, chiến sĩ có nhãn quan đúng đắn, nhận thức rõ kẻ thù, nâng cao quyết tâm chiến đấu; các bài phản ánh cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt của bộ đội trên chiến trường và các bài cung cấp thông tin, nâng cao đời sống tinh thần của chiến sĩ. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, tờ Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình.

Phát biểu tại Lễ đặt bia, Trung tướng Lê Phúc Nguyên khẳng định: Trong lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam, đây là lần đầu tiên có một tờ báo tổ chức đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên viết bài ngay tại mặt trận, trình bày, in ấn, phát hành và ra được báo ngay tại mặt trận. Hoạt động của Báo Quân đội nhân dân ở Điện Biên Phủ đã mang lại nhiều bài học bổ ích trong lịch sử 64 năm ra đời, hoạt động và trưởng thành của Báo Quân đội nhân dân, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của Báo chí quân đội và Báo chí cách mạng Việt Nam.

Trung tướng Lê Phúc Nguyên và các đại biểu tại Lễ đặt bia.

60 năm trôi qua, hoạt động tờ báo Quân đội nhân dân ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ của thế hệ cha anh vẫn còn in đậm trong tâm trí các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân và Công ty TNHH MTV in Quân đội 1. Việc nghiên cứu, hiểu rõ tư tưởng chỉ đạo của cấp trên, phương thức tổ chức làm việc, cách làm, sự đóng góp của tờ báo trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, bài học kinh nghiệm rút ra từ việc làm báo, in báo phát hành ngay tại mặt trận là rất cần thiết trong việc phát huy truyền thống quý báu của Báo QĐND và Công ty TNHH MTV in Quân đội 1.

“Thật vui sau nhiều lần tìm  kiếm, cuối năm 2011, từ trí nhớ của các cựu chiến sĩ Điện Biên, cựu phóng viên chiến trường Nguyễn Khắc Tiếp và Phạm Phú Bằng; đồng thời được sự giúp đỡ của Đảng ủy, UBND xã Mường Phăng, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân và Công ty TNHH MTV in Quân đội 1 đã tìm được vị trí đặt Tòa soạn tiền phương và Nhà in Quân đội 1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tại sườn đồi Pu-ma-Hoong (thuộc bản Phăng 3, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Tiếp đó, Báo Quân đội nhân dân đã tiến hành các thủ tục đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trình cấp có thẩm quyền công nhận và bổ sung di tích Tòa soạn tiền phương và Nhà in Quân đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vào cụm di tích Mường Phăng, đồng thời tôn tạo di tích...”- Trung tướng Lê Phúc Nguyên cho biết.

Thủ trưởng Báo Quân đội nhân dân và Công ty TNHH MTV in Quân đội 1 trao quà cho các gia đình ở bản Phăng 3.

Trung tướng Lê Phúc Nguyên cũng cho rằng, nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 60 năm xuất bản Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận, việc tiến hành đặt bia di tích Tòa soạn tiền phương và Nhà in Quân đội 1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng mới chỉ là bước đầu, nhưng cũng là niềm vui lớn của hai cơ quan. Chính vì vậy, đồng chí đề nghị Tỉnh ủy, UBND, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Điện Biên và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quan tâm hơn nữa trong việc giải quyết các thủ tục để di tích Tòa soạn tiền phương và Nhà in Quân đội 1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ sớm được công nhận, tôn tạo.

Phát biểu tại buổi Lễ đặt bia, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp bày tỏ niềm xúc động khi được trở lại Mường Phăng, trở lại nơi cách đây 60 năm ông cùng các đồng đội đã sống, làm việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ cầm bút. Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa bày tỏ sự cảm ơn đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Mường Phăng đã che chở, đùm bọc để Tòa soạn tiền phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp phần nhỏ bé vào chiến thắng của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục quan tâm giúp đỡ tôn tạo khu di tích, để nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch văn hóa, thành nơi giáo dục truyền thống, lòng yêu nước đối với các thế hệ mai sau.

Nhân dịp này, Trung tướng Lê Phúc Nguyên cùng các đại biểu đã cắt băng đặt bia di tích Tòa soạn tiền phương và Nhà in Quân đội 1 tại xã Mường Phăng và tặng 40 suất quà cho các hộ dân thuộc bản Phăng 3, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Tin, ảnh: DUY ĐÔNG, MẠNH THẮNG