QĐND - 60 năm đã trôi qua song Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 vẫn mãi là đề tài lịch sử sống động của nhân loại. Từ nhiều góc độ nghiên cứu, gồm cả những quan điểm và lập trường khác nhau, dù chưa thật khách quan, đầy đủ, song nhiều người nước ngoài đã thừa nhận nhân tố chính trị-tinh thần là nhân tố cơ bản, quan trọng nhất giúp quân và dân Việt Nam làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bài viết này xin đề cập tới những nét tiêu biểu mà người nước ngoài đã nhấn mạnh khi “giải mã” nhân tố đó.
Cuộc chiến tranh mà nhân dân và quân đội Việt Nam phải tiến hành là cuộc chiến tranh chính nghĩa.
Lý giải nguyên nhân vì sao quân đội viễn chinh Pháp lại thua ở Điện Biên Phủ, sách báo phương Tây và ngay cả Na-va thú nhận: “Chúng ta đã tìm cách lập lại ở đó, nếu không phải là chế độ thuộc địa, thì ít ra cũng là một cái gì na ná như vậy”; “Nước Pháp đã phát động một cuộc chiến tranh thôn tính ở nơi xa xôi, với một quân đội nhà nghề đơn độc”… đã nhanh chóng bị nhân dân Pháp, dẫn đầu là Đảng Cộng sản Pháp lên án là cuộc “chiến tranh bẩn thỉu”, lộ rõ bản chất một “cuộc chiến tranh phi chính nghĩa” với kết cục thảm bại; “nơi người ta đã chiến đấu, đã bị bắt làm tù binh chẳng vì một cái gì hết”(1).
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
|
Đại tá Lăng-le, từng là phó chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong cuốn “Điện Biên Phủ” của mình, đã thừa nhận về phía Việt Minh, cuộc chiến tranh ở Đông Dương là một cuộc chiến tranh giành độc lập…, “binh lính của họ dũng cảm xung phong vào những vị trí ở Điện Biên Phủ chỉ nhằm để tống cổ chúng ta ra khỏi đất nước của họ, một nơi không phải là nhà của chúng ta".
Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kế thừa truyền thống đoàn kết đấu tranh kiên cường bất khuất bảo vệ nền độc lập dân tộc của nhân dân và quân đội Việt Nam.
Ngay cả Tướng Na-va cũng phải ghen tị: “Sức mạnh to lớn của Việt Minh nằm ở trong tinh thần dân tộc và cả xã hội. Còn chúng ta, chưa bao giờ ta có tính liên tục của những người lãnh đạo. Suốt 7 năm nay (1946-1953) đối phương chỉ có một lãnh tụ chính trị duy nhất là Hồ Chí Minh và Tổng chỉ huy quân sự duy nhất là Võ Nguyên Giáp, trong khi chúng ta thay đổi liên tục 19 Chính phủ, 5 Cao ủy Đông Dương… 6 Tổng chỉ huy mà tôi là người thứ 7”. Na-va so sánh: “Một yếu tố nữa trong vị trí chính trị của chúng ta (Pháp) là sự chia rẽ nhiều mặt ngay trong nội bộ phe ta, đó là sự chia rẽ ở nội bộ các nước liên kết, rồi đến chia rẽ giữa các lợi ích của Pháp ở các nước này” trong khi phải “đối diện với một kẻ thù (Việt Nam) rất thống nhất về chính trị, năng động và quyết tâm đạt đến mục tiêu bằng mọi cách, còn chúng ta lại là một mặt trận không đoàn kết, có những khuynh hướng không rõ rệt và phân hóa, không có quyết tâm hoàn thành”(2).
Quân và dân Việt Nam có đường lối chính trị đúng đắn, có lãnh tụ vĩ đại lãnh đạo, có Tổng chỉ huy tài giỏi.
Trong cuốn "Thời điểm của sự thật" của mình, Na-va đã thừa nhận sự thất bại của Pháp ở Điện Biên là sự sụp đổ của những tư tưởng thực dân; sự mâu thuẫn giữa đường lối chính trị với đường lối quân sự của Chính phủ Pháp và các thế lực thực dân, đế quốc ở Đông Dương. Trong khi đó, đối thủ của ông ta lại có một đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất, chặt chẽ và xuyên suốt lãnh đạo cuộc kháng chiến. Na-va viết: “Ở Việt Minh, không có những chủ trương chính trị và những chủ trương quân sự riêng rẽ mà là những chủ trương chính trị quân sự thống nhất. Những chủ trương đó được quyết định bởi một Ủy ban Trung ương mà người Tổng chỉ huy đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng là một ủy viên. Kế hoạch quân sự được đặt trong một tổng thể mà tất cả mọi việc đều hướng vào nhiệm vụ bảo đảm cho sự thành công”(3).
Nhìn toàn cảnh cuộc chiến ở Đông Dương 1953-1954, Báo Ri-va-ron số ra ngày 8-7-1954 chỉ ra, một trong những nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng của người dân Việt Nam là niềm tin yêu của toàn dân tộc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, đại biểu cho tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn dân. Tờ báo viết: “Tinh thần quân đội họ cao. Đó là tinh thần của kẻ chiến thắng… Mặt khác cũng phải nói rằng, dân chúng có cảm tình với Cụ Hồ Chí Minh. Dân chúng sẵn sàng rời bỏ nơi mình ở” để theo Cụ Hồ, theo Việt Minh. Ngược lại, “tinh thần của quân Pháp thì dao động mạnh, tinh thần quân Việt (ngụy) sát cánh với họ đã suy sụp từ lâu, vì họ cho là Việt Minh chắc chắn sẽ chiến thắng”.
Với cuốn “Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày" của mình, Mai-cơn Mắc-clia (Michael Maclear) đã làm cho nhiều người thấy, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp bởi lẽ họ có Tổng chỉ huy tài giỏi. Ông viết: “Đối với ông Giáp, cảm giác khi gặp thì người ta thấy ông là một con người giống Na-pô-lê-ông về dáng vóc và kiến thức. Ông ta là một chiến lược gia có tài, với chủ trương chạy đua thời gian, trước mắt phải diệt tốt, đợi thời cơ sẽ diệt xe. Ông có thể kể làu làu mọi trận đánh của Na-pô-lê-ông, nhưng ông lại khác hẳn Na-pô-lê-ông: Ông thua nhiều trận nhưng ông ta lại chẳng bao giờ thua một cuộc chiến tranh nào”.
Sức mạnh chủ yếu của Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng trên nền tảng quân đội cách mạng, mang bản chất vô sản, thấm đượm tinh thần dân tộc với nhiều phẩm chất chính trị ưu việt mà quân đội thực dân, đế quốc không thể có.
Sau “bài học” Điện Biên Phủ, bại tướng Na-va đã có cái nhìn mới hơn về sức mạnh chính trị-tinh thần của quân đội đối phương, rằng: “Quân đội Việt Minh được tổ chức dựa trên những nguyên tắc của chủ nghĩa Cộng sản, rất khác với quân đội phương Tây, theo một mô hình “Kim Tự Tháp sống” mà đáy là những nền móng gắn liền với dân tộc”(4).
Sau này, trong cuốn "Chiến tranh cách mạng của Cộng sản", nhà văn Gioóc-giơ Tê-ni-hen (Mỹ) cũng nhận định: “Cái mới và phần lớn sức mạnh của Việt Nam nằm trong khái niệm rộng rãi và thực chất về quân đội Cộng sản và chức năng của nó… Họ là một lực lượng được huấn luyện với nhiều nhiệm vụ riêng biệt, để thực hiện các hoạt động quân sự, các hoạt động thâm nhập và chiếm lĩnh về chính trị. Đó là chìa khóa thắng lợi của Việt Minh”(5). Còn tướng Xa-lăng (Pháp) thì nhận ra: “Quân đội Việt Minh, “cột trụ của chế độ” là lực lượng hoàn toàn thích hợp với chiến tranh vận động. Nhiệm vụ của nó là phá hủy đồn bốt và tiêu diệt quân tiếp viện của chúng ta trong những trận giao chiến lớn. Quân đội này thích hợp với chiến tranh du kích và công tác tuyên truyền, vừa hoàn thành xuất sắc chiến tranh vận động và chiến tranh trận địa”(6)./.
Đại tá, TS Nguyễn Văn Quang*
Bài 2: “Tôi sẽ trả lời rằng, nhân dân Việt Nam là vĩ đại nhất”
*Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự, Bộ Quốc phòng
(1) Hăng-ri Na-va, Đông Dương hấp hối 1953-1954, Nxb Plông, Pa-ri, 1956.
(2) Lê Kim, Tướng Hăng-ri Na-va với trận Điện Biên, Nxb QĐND, Hà Nội, 1994, tr. 17, 18, 20.
(3) Hăng-ri Na-va, Thời điểm của sự thật, Nxb Plông Pa-ri, 1979, tr.285.
(4) Lê Kim, Tướng Hăng-ri Na-va với trận Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, Hà Nội, 1994, tr. 21.
(5) Nxb QĐND, Điện Biên Phủ nhìn từ phía bên kia, Hà Nội, 1994, tr.174.
(6) Xa-lăng, Hồi ký