QĐND Online - Ít người biết, đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có hoạt động của Đội thuyền 128 thuộc ngành tình báo quân sự. Đội thuyền 128 đã nêu tấm gương sáng ngời về lòng trung thành, sự mưu trí, sẵn sàng hy sinh tính mạng để giữ bí mật, để bảo vệ cán bộ, tài liệu, vũ khí... chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong số các chiến sĩ tài giỏi trên biển của ngành tình báo, nổi bật là tấm gương Anh hùng LLVT nhân dân Trần Tấn Mới. Câu chuyện dưới đây về ông là một minh chứng.

Đi trên vùng địch “nhẹ như không”

Như một chiếc vỏ trấu bé nhỏ, tròng trành giữa trùng khơi mênh mông, con thuyền bí mật, lợi dụng tuyệt đối thế bất ngờ, khi lùi khi tiến, khi vọt thẳng, lúc đợi chờ... Có khi đánh được nhiều cá anh em phải thả đi, và có khi cả buổi không quăng được mẻ lưới nào vẫn phải có cá trong khoang.

Thủy thủ trên thuyền đều là những chiến sĩ tình báo có kinh nghiệm về biển, thành thạo về địa lý, hàng hải, thiên văn... ngụy trang thành một tổ đánh cá với chài lưới, cọc chèo, bếp núc... Đội được trang bị đầy đủ súng ngắn, dao găm, đạn dược, đặc biệt có mìn tự động và mìn định hướng đề phòng khi bị địch bắt có thể tự vệ hoặc phi tang. Lần này, tổ nhận nhiệm vụ đặc biệt, đưa một cán bộ vào Nam hoạt động bí mật trong lòng địch.

Xuất phát từ một điểm ven biển của miền Bắc thân yêu, càng vào sâu trong lãnh hải phía Nam, con thuyền phải chịu mức độ kiểm soát càng tăng của địch. Thường xuyên có máy bay địch tuần tra, kết hợp với những tốp "bo bo" ven biển đan trên, xen dưới, quần thảo. Thuyền trưởng Trần Tấn Mới ra lệnh: "Trương cờ vàng ba que của "chính phủ quốc gia" lên! Tăng tốc! Vượt vĩ tuyến 17"! Thấy cờ "quốc gia" bay phần phật, bọn địch nhầm, ngỡ rằng đó là dân thuộc vùng chúng kiểm soát nên không chặn bắt. Con thuyền nhanh chóng nhập vào giữa những tàu đánh cá của ngư dân vùng giới tuyến.

Tổ thuyền Tiên Phong và Anh hùng Trần Tấn Mới (thứ 2 từ trái sang). Ảnh chụp lại.

Lọt qua được vùng biển địch phong tỏa nghiêm ngặt, ai cũng mừng; chưa hết mừng lại lo vì đường còn dài, còn lắm gian nan. Nước da rám nắng, dáng chắc nịch của người đi biển lâu năm, đôi mắt sáng, tinh nhanh, người thuyền trưởng tài ba trong tay chỉ có chiếc la bàn cũ, ban đêm định hướng đi bằng trăng sao. Đội thủy thủ giàu kinh nghiệm phóng xa tầm mắt quan sát, hễ phát hiện có tàu chiến Mỹ thì lập tức cho thuyền chạy giãn ra xa. Khi gặp hải quân ngụy tuần tiễu nơi biển vắng, thuyền không đổi hướng, cứ phớt lờ chạy. Thuyền trưởng nhanh trí, nhiều lúc cho thuyền chạy trà trộn hút vào đám ghe thuyền đánh cá đông đúc của ngư dân. Suốt cuộc hành trình không biết bao nhiêu lần thoát hiểm trong gang tấc. Biển động, con thuyền như chiếc lá giữa đại dương. Trong đêm tối như mực, trên hải phận quốc tế, Trần Tấn Mới vẫn nhận ra thuyền đang ở đâu so với đất liền, lúc ngang đèo Hải Vân, lúc Nha Trang, Khánh Hòa... rồi Phan Rang, Phan Thiết, hoặc có thể vào chính xác bất cứ điểm nào ở vùng biển miền Trung.

Trời hửng sáng, con thuyền luồn lách tránh địch, giảm dần tốc độ rồi từ từ cập bến, thả neo nằm im giữa hàng trăm con thuyền khác. Hai thủy thủ tức tốc lên bờ làm nhiệm vụ trinh sát khu vực đổ bộ. Tình hình yên tĩnh, không có địch phục kích, người cán bộ tình báo nhanh chóng tạm biệt đồng đội, rời thuyền đặt chân lên đất liền để bắt đầu cuộc đấu trí đầy cam go trong lòng địch, hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao phó.

Đó là một trong những chuyến đi suôn sẻ của tổ thuyền do đồng chí Trần Tấn Mới, người thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm thuộc Đội thuyền 128 anh hùng phụ trách.

Bí quyết là sự bình tĩnh, gan dạ

Trần Tấn Mới sinh năm 1920, tại xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, tham gia Vệ quốc đoàn, làm nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, tài liệu cho Khu 5 từ tháng 10 năm 1945. Năm 1954, đồng chí được giao nhiệm vụ chở cán bộ tập kết theo đường biển từ Hội An vào cảng Quy Nhơn. Đầu năm 1956, tổ chức bị lộ, Thị ủy Hội An quyết định cử đồng chí dùng thuyền chở cán bộ vượt giới tuyến ra miền Bắc… Đồng chí Trần Tấn Mới được Cục Tình báo tuyển chọn về Đội giao thông đường biển 128 và giao phụ trách một tổ thuyền khi yêu cầu công tác giao thông biển ngày càng phát triển. Đó là tổ thuyền Tiền Phong (tức Phú Cường)  thành lập tháng 10 năm 1956, lực lượng gồm 22 đồng chí với nhiệm vụ đưa đón cán bộ ra, vào hoạt động trong vùng địch để thu thập tài liệu, tin tức, giấy tờ của địch. 

Nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, đòi hỏi sự dũng cảm, mưu trí, kinh nghiệm đi biển và tinh thần sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bí mật, Trần Tấn Mới và anh em trong tổ đã thể hiện ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ. Lúc đầu tổ thuyền của đồng chí đi bằng thuyền thủ công đơn sơ, có chuyến gặp bão lớn, phải neo đậu thuyền 12 ngày liền ở đảo trống thuộc vùng địch kiểm soát. Có chuyến do gặp khó khăn, thuyền phải nằm lại bến bãi của địch trên 2 tháng, với bản lĩnh vững vàng, sự sáng tạo, đoàn kết, đồng chí cùng anh em tổ thuyền đã vượt qua một cách an toàn. Có chuyến 11 lần gặp địch, có lần đồng chí bị địch vây tới 7 ngày, nhưng vẫn bình tĩnh tìm cách thoát khỏi vòng vây, làm tròn nhiệm vụ đưa đón cán bộ và chuyển nhận tài liệu.

Anh hùng LLVT nhân dân Trần Tấn Mới. Ảnh chụp lại.

Ở Trần Tấn Mới luôn toát lên vẻ thông minh, bình tĩnh, quyết đoán, ứng biến mau lẹ - những đức tính rất cần của một chiến sĩ tình báo; nhờ vậy, nhiều lần thuyền của đồng chí thoát hiểm trong gang tấc, qua mặt kẻ thù một cách ngoạn mục. Một hôm, khi tàu của Trần Tấn Mới vừa vượt qua vĩ tuyến 17 thì bất ngờ một tàu chiến của địch sáp vào bắt giữ. Tên trung úy Việt Nam cộng hòa chỉ vào mặt Trần Tấn Mới, nói:

- Tàu mày vượt biên ngoài Bắc vô!

Trần Tấn Mới thản nhiên:

- Thầy nói thiệt hay chơi đấy? Thầy đi biển còn có phương tiện liên lạc chứ tui chỉ có hai con mắt thôi nhưng không bao giờ đi sai đâu nghe!

- Thế mày có biết đây là đâu không?

- Đây là ngoài khơi Đà Nẵng chớ đâu! Nè xin lỗi thầy, tui đi biển đã hơn 30 năm, biển này tui thuộc như lòng bàn tay, tui mà lạc thì làm sao về nhà được?

- Tao canh chừng suốt ở vĩ tuyến 17 này, mày vượt biên mà còn cãi.

Trần Tấn Mới giả bộ ngơ ngác:

- Ủa, thì ra thầy canh chừng ở vĩ tuyến 17 à? Ờ thế sao hôm nay mình đi lộn xộn thế hè!

Rồi anh dàn hòa:

 - Thế thầy đi đâu?

Tên trung úy đáp:

- Tao về Đà Nẵng chứ đi đâu!

Trần Tấn Mới giả bộ mừng rỡ:

- Tui cũng về Đà Nẵng, nhờ thầy kéo hộ tàu tui về bến, còn dầu tui sẽ san cho thầy.

Thấy vẻ mặt thật thà và giọng Quảng Nam không lẫn vào đâu được của Trần Tấn Mới, lại ham mấy thùng dầu, tên trung úy chấp thuận. Hắn không ngờ mình bị "mắc mưu" người thuyền trưởng tài ba, con tàu của hắn lại là vật che chắn để cán bộ tình báo của ta cập bến Bạch Đằng, Đà Nẵng an toàn.

Không chỉ là một thuyền trưởng giỏi, đồng chí Trần Tấn Mới còn là một giao thông viên có kinh nghiệm hoạt động trong vùng địch. Có năm đồng chí đi 5 chuyến liên tục Bắc - Nam bảo đảm an toàn, bí mật. 17 năm liền đảm nhiệm công tác bằng đường biển, đồng chí Trần Tấn Mới đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày 31-12-1973, đồng chí Trần Tấn Mới được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngoài ra, đồng chí được tặng thưởng 1 huân chương Chiến công hạng nhất, 3 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng.  

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Trần Tấn Mới trở về cuộc sống đời thường. Ông yên nghỉ năm 1990, để lại trong ký ức thế hệ sau của ngành tình báo những tình cảm mến thương, cảm phục về một thuyền trưởng kiên cường, mưu trí, người đóng góp nhiều thành tích đưa Đội giao thông tình báo trên biển 128 trở thành đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

Bài và ảnh: THANH XUÂN-NGUYỄN HƯƠNG