QĐND - Đó là phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Quê hương của phong trào này chính là tỉnh Thái Bình, nơi đã khởi nguồn phong trào “Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”…

Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch danh dự Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, nhớ lại: “Năm 1963, tôi được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình, lúc đó cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, nhu cầu lương thực, thực phẩm cho chiến trường rất lớn. Để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, Thái Bình đưa ra ba mũi tiến công trên mặt trận kinh tế. Mũi thứ nhất, lấn biển: “Đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại”. Mũi thứ hai, thâm canh tăng vụ: “Chín tháng cho người, ba tháng cho chăn nuôi”. Mũi thứ ba là đưa nhân dân đi xây dựng kinh tế mới ở miền núi: “Tổ quốc ta giàu đẹp, đâu cũng là quê hương”.

Đồng chí Lê Thị Định là Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kể rằng: Vào những năm 60 của thế kỷ trước, khắp các vùng nông thôn trong tỉnh Thái Bình, nơi nào cũng vang lên câu hát: "Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ, ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày", ca ngợi tinh thần lao động của giai cấp nông dân vì miền Nam ruột thịt. Năm 1966, Thái Bình là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất 5 tấn thóc/ha. Hạt thóc của Thái Bình lúc ấy được sẻ chia làm ba, bốn phần, vừa để nuôi quân, vừa bảo đảm nhu cầu lương thực tối thiểu cho các lực lượng lao động ở hậu phương. Mức đóng góp của Thái Bình với Nhà nước mỗi năm một cao: Năm 1965 góp 80.760 tấn thóc, năm 1966 góp 84.749 tấn thóc, năm 1967 là 101.758 tấn và năm 1968 bị mất mùa nhưng tỉnh vẫn đóng góp 69.843 tấn thóc… Khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" ra đời ở Thái Bình như một lẽ tự nhiên, nhanh chóng được mọi người hưởng ứng, lan truyền đi khắp mọi nơi trong tỉnh và trong cả miền Bắc.

Chuyển lương thực ra tiền tuyến. Ảnh: tư liệu.

Cùng với việc chi viện lương thực nhiều nhất cho chiến trường, Thái Bình cũng là địa phương có tỷ lệ dân số đi bộ đội trong thời kỳ chống Mỹ cao nhất cả nước. Theo số liệu của UBND tỉnh Thái Bình, từ năm 1955 đến 1975, Thái Bình đã tiễn đưa 22 vạn con em lên đường chi viện cho các chiến trường. Trong đó có hơn 34 nghìn người con ưu tú đã ngã xuống trên các chiến trường miền Nam và hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia.

Sở dĩ có thể huy động được một lực lượng lớn như vậy cho tiền tuyến, theo đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, công tác tuyên truyền giáo dục có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng chí kể rằng: “Giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất, tôi đã động viên con trai đầu của tôi khi ấy mới 17 tuổi, đang học lớp 10, ốm yếu gầy gò, xung phong đi bộ đội để làm gương. Cháu đã được vào chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Thấy con của đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh xung phong vào bộ đội, nhiều gia đình khác đã động viên con em của họ tòng quân”.

Đồng chí Lê Thị Định nhớ lại, nông thôn Thái Bình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vơi hẳn người đi, có lúc 12% số lao động là nam giới lên đường nhập ngũ. Ở hậu phương, phụ nữ là lao động chính thay thế nam giới trên nhiều lĩnh vực. Những người vợ, người mẹ đã gánh phần việc còn lại bằng cả ba vai: Đảm đang sản xuất, công tác; đảm đang công việc gia đình; đảm đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong số gần 300 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh lúc đó đã có tới 80 phụ nữ làm chủ nhiệm hợp tác xã, gần 200 người làm phó chủ nhiệm hợp tác xã, 46 chị làm chủ tịch ủy ban hành chính xã, 264 chị làm phó chủ tịch ủy ban hành chính xã, 19 người làm bí thư Đảng ủy xã…

Thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Thái Bình kết nghĩa với tỉnh Trà Vinh. Phong trào thi đua giữa hai địa phương miền Nam và miền Bắc này đã được nhiều người biết đến qua bài hát “Hai chị em” của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình, hai chị em trên hai trận tuyến, anh hùng bất khuất - trung hậu đảm đang...”.

Phát huy truyền thống quê hương “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, trong mấy năm gần đây, Thái Bình vẫn liên tục là một trong những địa phương hoàn thành xuất sắc kế hoạch thu nộp ngân sách Nhà nước và tuyển quân. Trong năm 2014 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) tăng 7,83% so với năm 2013; thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.262 tỷ đồng, tăng 2.860 tỷ đồng so với năm 2010. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực và được triển khai ở tất cả các xã trong tỉnh, đặc biệt có sự đồng tình ủng hộ, đóng góp sức người, sức của của nhân dân; đến năm 2014 đã công nhận 85 xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí, tăng 3 tiêu chí so với năm 2013 và tăng 10 tiêu chí so với năm 2010.

Ngày hôm qua, Thái Bình với phong trào “Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”, "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"; ngày hôm nay, đồng ruộng Thái Bình đã có nhiều đổi mới với phong trào xây dựng nhiều cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng/ha/năm. Những kinh nghiệm huy động sức mạnh quần chúng bây giờ được phát huy vào việc xây dựng nông thôn mới, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

ĐỖ PHÚ THỌ