QĐND - “Hậu phương lớn và vững mạnh là miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã tạo nên sức mạnh chính trị-tinh thần của quân và dân ta, cho phép chúng ta có thể động viên sức người, sức của tối đa cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975”. Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch danh dự Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã khẳng định với chúng tôi như vậy.

Hậu phương là nhân tố quan trọng đối với sự thành bại của chiến tranh, đó là vấn đề mang tính quy luật. Hậu phương là nơi xây dựng và dự trữ tiềm lực của chiến tranh cả về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ...; là nơi chi viện chủ yếu sức người, sức của cho tiền tuyến, là chỗ dựa tinh thần của tiền tuyến. Vận dụng quy luật này và xuất phát từ tình hình thực tiễn của cách mạng nước ta, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Đảng ta đã đề ra đường lối tiến hành đồng thời và phối hợp chặt chẽ hai chiến lược cách mạng ở hai miền nước ta là chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và chiến lược cách mạng XHCN ở miền Bắc.

Phát biểu tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 9-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt”. Để củng cố miền Bắc thành nền gốc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960), Đảng ta đã chủ trương tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc. Cách mạng XHCN ở miền Bắc gắn bó chặt chẽ với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ sự nghiệp cách mạng của cả nước, đối với cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đại hội xác định: “Miền Bắc là hậu phương lớn, là căn cứ địa cách mạng của cả nước, là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của nhân dân ta”...

Trên hậu phương miền Bắc, với các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; “Tay cày, tay súng”; “Tay búa, tay súng”; “Thanh niên ba sẵn sàng”; “Phụ nữ ba đảm đang”…, không những đã tạo ra rất nhiều cơ sở vật chất để chi viện cho tiền tuyến mà còn tạo ra khí thế thi đua giữa tiền tuyến với hậu phương, động viên những người con của hậu phương trực tiếp chiến đấu ở tiền tuyến.

Nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam là tuyến giao thông vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn và tuyến vận tải chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn cho rằng: Bộ đội Trường Sơn đã mang theo sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc XHCN cả về sức người, sức của để “xẻ dọc Trường Sơn”. Trong 16 năm (từ 1959-1975), tuyến vận tải quân sự Trường Sơn đã mở được hơn 16.000km đường cơ giới (gấp 5 lần chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh nối liền 2 đầu đất nước hiện nay), gồm 6 trục đọc, 6 đường vượt khẩu, 7 trục đường ngang nối liền từ hậu phương vào tới các chiến trường, xây dựng hơn 5000km đường ống dẫn xăng dầu từ hậu phương vào tuyến vận tải phía trước, cải tạo và đưa vào khai khác hàng nghìn ki-lô-mét đường sông…

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong l6 năm, tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển 1.849.060 tấn vật chất hậu cần, vũ khí, trang bị kỹ thuật, kịp thời chi viện tới các chiến trường miền Nam và hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia .

Trong nhiều năm, hậu phương miền Bắc vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa dốc sức người, sức của chi viện chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Quân và dân ta ở miền Bắc đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quật cường, trí thông minh và óc sáng tạo, đánh thắng mọi âm mưu, thủ đoạn đánh phá, mọi bước leo thang, mà đỉnh cao là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12-1972, buộc địch phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam. Dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù, miền Bắc vẫn tiếp tục xây dựng CNXH. Tiềm lực mọi mặt của miền Bắc ngày càng được tăng cường, tạo cơ sở vững chắc để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Theo số liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, hậu phương lớn miền Bắc đã động viên một nguồn nhân lực hơn 3 triệu người phục vụ chiến tranh (chiếm hơn 12% số dân miền Bắc), trong đó, gia nhập quân đội hơn 1,5 triệu người. Ở miền Bắc có tới hơn 70% số hộ gia đình có người thân chiến đấu trên các chiến trường; trên đồng ruộng, phụ nữ chiếm hơn 63% số lao động trực tiếp, để nam giới đi đánh giặc, cứu nước. Ngoài nhân lực, hậu phương lớn miền Bắc đã chi viện cho miền Nam hơn 700.000 tấn vật chất, trong đó có hơn 180.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật... Năm 1975, năm cuối của cuộc kháng chiến, tổng số nhân lực miền Bắc động viên theo nhu cầu quốc phòng chiếm tới 30% lực lượng lao động xã hội toàn miền; 60-65% trong số đó vào lực lượng vũ trang.

Sở dĩ có thể huy động được một lực lượng lớn như vậy từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến, theo đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, công tác tuyên truyền, giáo dục có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu kể rằng: “Giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất, tôi đã động viên con trai đầu của tôi, khi ấy mới 17 tuổi, đang học lớp 10, ốm yếu gầy gò, xung phong đi bộ đội để làm gương. Cháu đã được vào chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Thấy con của đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh xung phong vào bộ đội, nhiều gia đình khác đã động viên con em của họ nhập ngũ”.

Hậu phương miền Bắc còn là nơi tiếp nhận chủ yếu sự viện trợ vật chất của quốc tế, nhất là các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Hàng viện trợ này lại từ hậu phương miền Bắc chi viện tới các chiến trường miền Nam.

Đánh giá vai trò của hậu phương lớn miền Bắc đối với sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Đảng ta đã nhận định: “Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc XHCN” .

Bốn mươi năm nhìn lại, bài học xây dựng và phát huy sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc XHCN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn mang tính thời sự trong giai đoạn hiện nay. Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ là cuộc chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, kết hợp tiến công hỏa lực từ xa với tiến công đường bộ, đường biển; phối hợp lực lượng phản động bên trong với lực lượng xâm lược từ ngoài, được tiến hành trong thời gian ngắn, không gian mở rộng... Sự thay đổi phương thức tác chiến của đối tượng tác chiến đặt ra cho nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói chung, xây dựng hậu phương nói riêng những yêu cầu và nội dung mới. Khái niệm hậu phương trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng có sự thay đổi so với trước kia, nó không chỉ là vùng lãnh thổ nằm ngoài vùng chiến sự như thời chống Mỹ mà cần phải được xây dựng trên các địa bàn chiến lược… Bài học sâu sắc từ việc xây dựng hậu phương lớn miền Bắc XHCN trong chiến tranh chống Mỹ cần thiết cho việc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) là phải phát huy sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước. Mặt khác, cũng cần phải tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, không ngừng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế và phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

ĐỖ PHÚ THỌ